Bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á ở sân khách và người vợ bị đánh ở sân nhà

(Dân trí) - 2 sự kiện tuy có khác nhau về quy mô, một sự kiện được xem là đại sự quốc gia và một sự kiện mang tính nội bộ gia đình, nhưng nó phản ánh phần nào câu chuyện nữ quyền, bình đẳng giới của phụ nữ Việt Nam.

Bóng đá nữ vô địch Đông Nam Á ở sân khách và người vợ bị đánh ở sân nhà - 1

Họ có thể đem về những vinh quang trong “việc nước” nhưng không ít trong số họ lại đang âm thầm chịu đựng tủi nhục, khổ đau trong “việc nhà”.

Sự kiện mang tính quốc gia là đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam vừa đăng quang ngôi vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á, sau chiến thắng nhọc nhằn trong 120 phút thi đấu trước đội tuyển Thái Lan, khi mà chúng ta chỉ còn 10 người để bảo vệ tỷ số 1-0 trong suốt 30 phút còn lại của hiệp phụ do tiền đạo Huỳnh Như bị thẻ vàng thứ 2 và trở thành thẻ đỏ phải rời sân.

Chiến thắng của đội tuyển bóng đá nữ, mặc dù không được tung hô, vinh danh ầm ĩ như đối với bóng đá nam, nhưng ít nhiều nó cho thấy các chị em cũng nỗ lực không kém để mang về vinh quang cho đất nước, nhất là khi ở giải bóng đá nữ Đông Nam Á, đội tuyển Thái Lan sau 3 lần liên tiếp vô địch thì nay bị phế truất ngôi vương bởi những nữ nhân “con cháu bà Triệu”. Chiến thắng này còn ý nghĩa ở chỗ nó khẳng định đây là thời của bóng đá Việt Nam đang lên ngôi, cả đội tuyển nam cho đến đội tuyển nữ trong khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu lục nói chung.

Từ chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam với các danh hiệu Á quân U23 châu Á năm 2018, lọt vào bán kết Asiad 2018, lọt vào tứ kết Asian Cup 2019, vô địch AFF Cup 2018, thì nay tuyển nữ góp thêm tin mừng vô địch bóng đá nữ Đông Nam Á. Chiến thắng của đội tuyển nữ trở thành động lực rất lớn cho chính các cầu thủ đội tuyển bóng đá nam hướng tới một chiến thắng tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á trước Thái Lan sẽ diễn ra vào ngày 5/9 tới đây.

Nói những điều đó, để thấy các chị em phụ nữ luôn hướng tới sự bình đẳng trong công việc, vai trò mà họ được giao phó, “giỏi việc nước, đảm việc nhà”. Chỉ có điều sau chiến thắng vẻ vang đấy, các chị em của bóng đá nữ trở về nước không trống giong cờ mở như bóng đá nam. Rồi ai lại về nhà nấy như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Một sự kiện cũng xảy ra trong tuần này, đã dấy lên sự căm phẫn trong chị em phụ nữ, những người cũng đang làm vợ, làm mẹ, vất vả trong công việc ở cơ quan nhưng về nhà lại bị bạo hành, đối xử không ra gì từ người chồng, người cha của con họ. Đó là sự vụ “võ sư đánh vợ” chỉ vì một việc tưởng như rất vu vơ là người vợ muốn chuyển tivi sang phòng của con lớn khiến người chồng không vừa mắt.

Cái người được gọi là chồng, là cha ấy khiến dư luận phẫn nộ khi anh ta có thể “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với người mà mình vẫn “đầu gối tay ấp” hàng ngày, đã sinh ra cho anh ta 2 đứa con, đánh vợ khi trên tay cô ấy vẫn  đang bế đứa con mới 2 tháng tuổi. Cái người mà vẫn tự nhận mình là võ sư ấy, chả nhẽ ở nhà chỉ là tay... võ phu?

Người vợ, người mẹ ấy bị đánh ấy vốn là một nhà báo, đã nhiều lần bị chồng đánh rồi nên mới đặt máy quay để quyết tâm vạch trần bộ mặt của người được gọi là chồng của cô ấy. Phải đau đớn lắm, cùng đường lắm cô ấy mới phải dùng đến camera để ghi lại những hình ảnh mình bị bạo hành để kêu cứu, để nhờ xã hội can thiệp. Nếu không có camera giấu kín ấy, ai sẽ biết là một người phụ nữ hàng ngày vẫn phải gồng mình làm tốt mọi việc ở cơ quan, nhưng đường trở về nhà của cô ấy không phải là một “mái ấm”, là hạnh phúc bình dị bên gia đình mà thay vào đó là sự chịu đựng trước thói côn đồ, vũ phu của chính chồng mình.

Mới đây nhất, nạn nhân của câu chuyện “võ sư đánh vợ” đã rút đơn tố cáo chồng mình, đồng ý hòa giải sau khi cả hai đã thuận tình ly hôn. Ly hôn là một việc hoàn toàn nên làm đối với cô ấy, để chấm dứt những sự chịu đựng trong khổ nhục bao ngày qua, để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn cho chính bản thân mình. Có nhiều người vẫn ấm ức, đề nghị cô ấy phải làm cho “ra ngô ra khoai”, phải cho ông chồng vũ phu đi tù thì ông ấy mới biết sợ. Nhưng cuối cùng cô ấy vẫn chọn lựa giải pháp nhẹ nhàng nhất: “đường ai nấy đi” trong lặng lẽ. Suy cho cùng, cô ấy vẫn mang trong mình sự vị tha vốn là bản chất của người phụ nữ Việt Nam từ xưa đến nay.

Câu chuyện bóng đá nữ Việt Nam lên ngôi vô địch rồi trở về trong lặng lẽ và câu chuyện một người vợ, người mẹ hàng ngày âm thầm chịu đựng sự bạo hành, nhìn bề ngoài có vẻ không ăn nhập gì đến nhau, nhưng suy cho cùng nó cho thấy thì mọi lời kêu gọi bình đẳng nữ giới, bảo vệ bà mẹ trẻ em, tôn vinh phụ nữ của chúng ta lâu nay vẫn chỉ là hô khẩu hiệu, là trên giấy tờ, để đến khi xảy ra từng vụ việc cụ thể, chúng ta mới vỡ lẽ ra rằng, hóa ra phụ nữ vẫn... thiệt thòi lắm, phải không các bạn ?

Thế Nam