Bộ trưởng ngại “đụng chạm”, làm sao mà “ghi điểm”?

(Dân trí) - Lòng dân rất công bằng, sự phán xét của lịch sử cũng rất phân minh. Sau tất cả, cái đọng lại trong lòng dân và được lịch sử ghi nhận là những di sản của người lãnh đạo, những kết quả trên thực tế chứ không phải là những lời hứa hùng hồn hay những giải trình dài dòng...


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí cuối năm, ông Mai Tiến Dũng đã có những chia sẻ đáng chú ý trên cương vị Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - chiếc “ghế” Bộ trưởng được đánh giá là chưa bao giờ lại “nóng” như nhiệm kỳ này.

Ông Dũng cho biết, ở vị trí của ông không thể né tránh báo chí và phải chấp nhận có va đập, đụng chạm trong công việc, còn cứ xuôi chiều mát mái theo kiểu “xuân thu nhị kỳ” thì không giải quyết được việc gì.

Nói trên Vietnamnet, ông Dũng trải lòng về ý kiến của một số vị Bộ trưởng khi ông đại diện cho Tổ công tác của Thủ tướng đến kiểm tra, nhắc nhở, rằng: “Ông là Bộ trưởng, tôi cũng là Bộ trưởng, sao ông phê bình tôi?”. Lúc đó, ở tư cách Tổ trưởng Tổ công tác, ông Dũng đáp lại: “Tôi không phê bình, tôi truyền đạt ý kiến của Thủ tướng”.

Tôi tin rằng những chia sẻ của ông Mai Tiến Dũng là rất chân thật. Rõ ràng, “người phát ngôn của Chính phủ” được coi là vị trí rất quyền lực nhưng cũng vô cùng nhạy cảm khi thường xuyên phải thay mặt Thủ tướng “can thiệp” công việc của các bộ ngành, địa phương – không chỉ là những chính sách chung chung mà cả những vụ việc rất cụ thể.

Còn nhớ, tại buổi họp báo Chính phủ ngày 4/10, khi phóng viên hỏi Bộ Công Thương về kế hoạch niêm yết và thoái vốn khỏi Sabeco, Habeco sau 8 năm cổ phần hóa, đại diện Bộ Công Thương trình bày do nhiều thủ tục và trở ngại nên “khả năng lên sàn của hai doanh nghiệp ngay trong năm nay là rất khó khăn”. Lập tức sau đó, ông Mai Tiến Dũng nói thẳng việc hai doanh nghiệp này chậm lên sàn là lỗi của doanh nghiệp và nhấn mạnh: “Thủ tướng đã giao cho hai doanh nghiệp này phải niêm yết trên sàn chứng khoán ngay trong năm 2016. Nếu chậm thì Bộ trưởng Bộ Công Thương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng”.

Rõ ràng, trong tình huống đó, sự thẳng thắn và quyết liệt của Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có thể sẽ khiến lãnh đạo Bộ Công Thương mếch lòng, song kết quả cho thấy, dù Bộ Công Thương có kêu khó thì sau đó, cả Sabeco và Habeco đều kịp giao dịch trên chứng khoán trong năm 2016, thậm chí thị giá tăng phi mã lên hơn 200.000 đồng/cổ phiếu.

“Đụng chạm” vốn không chỉ là vấn đề của chiếc ghế Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ mà bất cứ vị quan chức nào khi nắm trong tay quyền lực, trách nhiệm đều gặp phải. Đã là lãnh đạo thì hiển nhiên mỗi quyết định đều tác động đến lợi ích không của người này thì người khác, điều quan trọng là phải hướng về lợi ích của đất nước, của nhân dân.

Ví như khi bổ nhiệm cán bộ, nếu lấy tiêu chí chọn người tài thì phải gạt bỏ các mối quan hệ thân sơ, không vì hậu duệ, tiền tệ mà bổ nhiệm. Khi lập quy hoạch ngành phải vì lợi ích quốc gia, phải lấy tầm nhìn và trách nhiệm với hậu thế mà quyết định chứ không phải vì một vài cái lợi trước mắt, cái lợi cho nhiệm kỳ hay những khoản “lobby” của doanh nghiệp mà ký tá vô tội vạ.

Thế nhưng, đáng buồn là ở đâu đó vẫn còn có vị lãnh đạo lạm dụng chức quyền để bổ nhiệm, cài cắm người thân vào những đơn vị trực thuộc, vị kia ngại động chạm nên thấy cấp dưới làm sai vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Bao nhiêu vấn đề nhức nhối được đại biểu Quốc hội, cử tri đặt ra năm này qua năm khác chỉ nhận lại được câu trả lời “xin tiếp thu, xin rút kinh nghiệm”. Nếu sợi dây kinh nghiệm cứ rút từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác thì đất nước sẽ còn trì trệ bao lâu? Đất nước, nhân dân không cần những vị quan chức như vậy, không cần những vị Bộ trưởng “xuôi chiều mát mái” chỉ nhằm làm sao “đỗ”qua mỗi kỳ bỏ phiếu tín nhiệm.

Ông Mai Tiến Dũng nói rất đúng: Làm Bộ trưởng mà chỉ nghĩ chuyện nay mai bỏ phiếu thì sẽ không thể làm được gì. Người dân tinh lắm, sẽ biết hết nên tốt nhất là sống và làm việc bằng cái tâm của mình, không nên “đánh võng – từ của Bộ trưởng Dũng”. Bền vững hay không là phải từ thực tâm, từ tâm huyết và khát vọng…

Lòng dân rất công bằng, sự phán xét của lịch sử cũng rất phân minh. Sau tất cả, cái đọng lại trong lòng dân và được lịch sử ghi nhận là những di sản của người lãnh đạo, những kết quả trên thực tế chứ không phải là những lời hứa hùng hồn mà vô nghĩa, những giải trình trống rỗng dài dòng.

Tôi rất ấn tượng với câu dặn dò của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bình Phướcgần đây: Cán bộ phải đáp ứng được 3 yêu cầu, thứ nhất là phải hiểu vấn đề, thứ hai là đừng sợ “mất ghế”, dám làm, dám chịu trách nhiệm và thứ ba là không tham nhũng.

Hy vọng với sự quyết tâm của Thủ tướng, của Chính phủ, trong năm 2017, “sức nóng” cải cách sẽ tiếp tục được lan tỏa qua từng vị Bộ trưởng xuống chính quyền các cấp, lay chuyển được bộ máy công quyền.

Bích Diệp