Bộ trưởng có nhất thiết phải là Ủy viên Trung ương không?

(Dân trí) - Đó là câu hỏi không hề mới bởi cách đây gần tròn 10 năm (4/2006), chính báo Dân trí đã đặt ra câu hỏi còn “cao” hơn thế. Đó là “Bộ trưởng ngoài Đảng: Tại sao không?”.

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Khi đó, phóng viên Dân trí đã phỏng vấn các vị lãnh đạo đương chức thời kỳ này như Chủ tịch UB MTTQ VN Phạm Thế Duyệt,  Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận, Bộ trưởng Nội vụ Đỗ Quang Trung,  GS. Viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng, GS Phạm Tất Dong…

Lúc đó, Chủ tịch Phạm Thế Duyệt đã thẳng thắn nói: “Đã đến lúc phải trân trọng những người có tài, có đức, những người hết lòng với sự nghiệp đất nước, những người được dân tin, dân yêu để có thể cất nhắc làm các chức vụ cao. Không nên quan niệm, cứ chức danh Bộ trưởng hay những cán bộ lãnh đạo phải là đảng viên. Trường hợp GS Tôn Thất Bách, Nhà sử học Dương Trung Quốc là những minh chứng rõ nhất cho điều này… Mọi người tài dù ở trong hay ngoài Đảng, ở trong hay ngoài nước hết lòng với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thì đều được trọng dụng”.

Bộ trưởng Đỗ Quang Trung cũng băn khoăn bày tỏ: “Không nhất thiết phải là đảng viên và điều này đã đặt ra từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa làm được”.

Còn GS Phạm Tất Dong thì đề nghị: “Người trong Đảng và người ngoài Đảng không có sự khác biệt về đức độ, tài năng. Có vấn đề này người trong Đảng giỏi hơn nhưng ở vấn đề khác thì người ngoài Đảng lại giỏi hơn. Trong giai đoạn phát triển hiện nay, ở các cương vị quan trọng của Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận... nên có cả những người trong Đảng và những người ngoài Đảng”.

Phó Chủ nhiệm Trần Quốc Thuận còn yêu cầu: “Cần đổi mới về công tác tổ chức cán bộ, cụ thể như chức danh Bộ trưởng không nhất thiết phải là uỷ viên TW, thậm chí có thể không là đảng viên. Đây là điều mà lẽ ra chúng ta phải làm từ lâu rồi. Đảng và Nhà nước ta nên tạo điều kiện cho những người  có đức có tài, kể cả những người Việt Nam sống ở nước ngoài có tâm huyết với đất nước nắm giữ một số trọng trách để họ phát huy tài năng phục vụ Tổ Quốc”…

GS.VS Vũ Tuyên Hoàng đồng tình: “Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng không cứ phải là đảng viên hay Uỷ viên Trung ương mới được đề bạt vào những chức vụ quan trọng. Bởi cứ như lâu nay đã có nhiều người nghĩ rằng có sự phân biệt giữa người trong đảng và ngoài đảng, không tận dụng được những người thật sự hiền tài”.

Thưc ra, việc Bộ trưởng hay các thành viên lãnh đạo của Chính phủ không phải đảng viên không có gì mới. Ngay từ những ngày đâu giành độc lập, trong Chính phủ nước Việt nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chủ tịch đã từng có nhiều nhân sĩ, trí thức không phải là đảng viên của Đảng Cộng sản và rất được trọng dụng như các giáo sư: Đặng Văn Ngữ, Hoàng Minh Giám, Nguyễn Văn Huyên và các vị Nghiêm Xuân Yêm, Trần Đăng Khoa…

Họ đều là những người nổi tiếng bởi tài năng, sự công minh, chính trực và không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình mà còn có nhiều đóng góp to lớn cho đất nước.

Xin đơn cử Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên. Trong gần 30 năm làm bộ trưởng, ông đã có những cống hiến to lớn cho ngành giáo dục nước nhà và khó có thể nói khác, đây là một trong những thời kỳ rực rỡ nhất của ngành giáo dục Việt Nam.

Gần đây, cũng đã có nhiều Bộ trưởng không là Ủy viên Trung ương như Bộ trưởng Giao thông Lê Ngọc Hoàn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân số, Gia đình và Trẻ em Lê Thị Thu…

Vì thế, trên tinh thần “Đoàn kết, dân chủ, kỉ cương, đổi mới” của Đại hội, tại sao không đặt vấn đề nhiệm kỳ Chính phủ tới sẽ có Bộ trưởng không phải là đảng viên? Thậm chí ít nhất, không là Ủy viên Trung ương Đảng?

Trên báo Infonet ngày 31/1/2016, bài “Truyền thông và hình ảnh quan chức” đã đặt vấn đề đáng để suy ngẫm: “Trường hợp như Bộ Y tế, dù BT Nguyễn Thị Kim Tiến không trúng Trung ương, thì có cần thiết phải thay Bộ trưởng khác là uỷ viên Trung ương? Nói gì thì nói, với vị trí của mình, sau vài năm đầu trên ghế Bộ trưởng còn một số điểm khiến nhân dân, giới truyền thông chưa ủng hộ, nhưng vài năm gần đây, BT Tiến đã có những nỗ lực không thể phủ nhận…”.

Rồi nếu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vẫn cứ tiếp tục để xông pha tiếp với "trận đánh lớn" của ông thì có lẽ sẽ tốt hơn là thay thế ngay bằng một vị khác.

Về cá nhân, mình thấy Y tế và Giáo dục là hai ngành khó nhận thấy kết quả ngay mà đòi hỏi cả một quá trình. Nhất là ngành Giáo dục, khi ông Luận đang “âm thầm làm một cuộc cách mạng” cho nền giáo dục nước nhà những năm qua và đã có những thành tựu rất đáng ghi nhận. 5 năm quả là thời gian quá ngắn để có thể “thu hoạch” một vụ mùa giáo dục.

Vả lại, những ý tưởng của cuộc “cách mạng âm thầm” của Bộ trưởng Luận liệu có được thực hiện tiếp bởi “tân quan, tân chính sách” hay rồi sẽ lại dở dang?

Hãy để Bộ trưởng Luận tiếp tục ý tưởng của mình và cũng là giao để Bộ trưởng thực hiện trách nhiệm với những gì mình đã đề xướng, không cho bất cứ ai… “bỏ của...” nửa chừng.

Song, quan trọng hơn, đó là mong ước có sự tập hợp được nhiều nhất nguồn lực để xây dựng đất nước để “Người ngoài Đảng và người trong Đảng chỉ khác nhau ở chỗ, người trong Đảng tự nguyện tuân thủ điều lệ Đảng, phấn đấu theo lý tưởng cộng sản. Cán bộ, nhân viên ngoài Đảng là những công dân, họ là những nhà kinh doanh, nhà khoa học, thầy giáo hoặc thầy thuốc... Họ không lấy việc trở thành đảng viên là một mục tiêu tối thượng – GS Phạm Tất Dong”.

Do đó, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng nhưng đồng thời cũng cần phải phát huy cao nhất nguồn lực cho đất nước, phải không các bạn?

Bùi Hoàng Tám