"Bộ mặt thành phố" và “ở đó có cái gì nhỉ?”

(Dân trí) - Bất chấp kinh tế đất nước còn khó khăn, bất chấp ngân sách nhà nước đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt, không đủ để tăng lương cho người lao đông, bất chấp nợ nước ngoài lên tới con số đáng lo ngại, các công trình “khủng” vẫn cứ liên tiếp mọc lên và những dự án lớn vẫn tiếp tục được đề xuất.

 


(Minh họa: Ngọc Diệp)

(Minh họa: Ngọc Diệp)

Trong khi đó, có những công trình hàng ngàn tỉ đồng xây dựng xong, bị bỏ hoang như công trình Tượng đài vị anh hùng dân tộc Đinh Tiên Hoàng có tổng mức kinh phí lên tới 1.500 tỷ đồng do Sở Văn Hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Ninh Bình làm chủ đầu tư.

Những năm gần đây, ý tưởng xây dựng các công trình “khủng” đang như một “căn bệnh” mang tên “nghiện công trình”. Từ những tỉnh nghèo như Sơn La, con số dự kiến xây trung tâm quảng trường cũng lên đến hàng ngàn tỉ đồng cho đến những tỉnh “giàu” như Hải Phòng thì con số lên tới cả chục ngàn tỉ đồng.

Mặc dù Chính phủ đã cảnh báo, thế nhưng gần đây, tỉnh Tiền Giang vẫn xây dựng công trình quảng trường với dự kiến tiêu tốn gần 2.200 tỉ đồng gồm bảo tàng, thư viện, trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa thể dục thể thao, sân lễ, công viên cây xanh, bãi xe, hạ tầng kỹ thuật...

Lý giải về công trình “khủng” này, trả lời báo Tuổi trẻ, ông Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Đình Thông cho biết việc xây dựng quảng trường là nhằm hình thành trung tâm sinh hoạt chính trị, giao lưu văn hóa, vui chơi, lễ hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống văn hóa, tinh thần của người dân.

Còn ông Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Trần Thanh Đức cao hơn, cho rằng Quảng trường trung tâm là nơi sinh hoạt chính trị, văn hóa của nhân dân và là bộ mặt của TP Mỹ Tho.

Tuyệt vời! Rất tuyệt vời khi một bác thì cho rằng công trình là để góp phần “nâng cao chất lượng cuộc sống văn hóa, tinh thần của người dân” còn một bác thì bảo đây là “bộ mặt của TP Mỹ Tho”.

Thế nhưng, có lẽ không ít người dân Tiền Giang thì không nghĩ vậy.

Cái người dân cần “nâng cao chất lượng cuộc sống” thiết thực hơn, giản dị hơn, đó là là họ cần có một bệnh viện đủ phương tiện để khám chữa bệnh khi ốm đau. Trẻ em cần những ngôi trường không dám mơ ước là khang trang thì cũng không quá xập xệ và những chiếc cầu bê tông đủ chắc chắn để đến trường, không bị ngã, bị tử vong khi qua sông. Các gia đình có công cần có ngôi nhà để tránh mưa nắng những ngày cuối đời…

Thế mà được biết, Bệnh viện đa khoa tỉnh này đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, trang thiết bị cũ kỹ và hỏng hóc nhiều. Thế nhưng, dù đã có sẵn 10 ha đất không phải giải tỏa nhưng nhiều năm nay, dự án này vẫn “ngủ say trong hoang phế”.

Tại phiên một chất vấn kỳ họp HĐND tỉnh Tiền Giang, đại biểu Lê Dũng công bố một thông tin đau lòng: “Toàn tỉnh còn hơn 3.000 người có công chưa được hưởng chính sách nhà ở. Hàng trăm căn nhà xuống cấp nặng, sắp sập trong khi tuổi của họ đã cao, không còn sống bao lâu nữa. Tôi thấy xót xa lắm!”.

Được biết, hiện Tiền Giang còn hơn 22.000 hộ nghèo, nhiều ngôi trường vẫn con sơ sài hoặc đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc giảng dạy và học tập của cả thầy và trò.

Vâng, theo quan điểm cá nhân mình, không còn hộ đói nghèo, em thơ được đến trường học hành đầy đủ, người ốm đau có chỗ chữa bệnh hiện đại, khang trang, gia đình chính sách không còn phải ở trong những căn nhà xuống cấp nặng, sắp sập “trong khi tuổi của họ đã cao, không còn sống bao lâu nữa” khiến một vị đại diện cho dân phải thốt lên: “Tôi thấy xót xa lắm!”… mới chính là “bộ mặt” chứ đâu phải quảng trường to rộng?

Và cao hơn nữa, ở những cơ quan công quyền là những cán bộ tận lực, tận tâm lo lắng cho dân, không còn “30% sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, không còn cảnh “hành dân là chính”…

Và còn có một câu hỏi không thể không đặt ra về các công trình ngàn tỉ, rằng “có cái gì ở đấy” mà nhiều nơi hồ hởi xây xây, cất cất thế nhỉ? Hay là họ mắc bệnh… “nghiện công trình”?

Bùi Hoàng Tám