Ai chịu trách nhiệm cho những “bãi thải”, hay “lăn ra chết mới xử lý được”?

(Dân trí) - Cách đây vài ngày, báo chí đồng loạt đưa tin về tình trạng hàng giả, hàng nhái công khai bày bán trên các gian hàng thương mại điện tử. Tuy nhiên, là người tiêu dùng, chúng ta đều nhận ra rằng, tình trạng này đã diễn biến rất lâu và có vẻ như không ai quản lý (?!).

Ai chịu trách nhiệm cho những “bãi thải”, hay “lăn ra chết mới xử lý được”? - 1

Dù cho đã có rất nhiều lực lượng, đơn vị giám sát, quản lý; dù có cả một hiệp hội bảo vệ… thì cứ ra đường hay online, người tiêu dùng vẫn cứ “va” vào hàng nhái bất cứ lúc nào.

Đồ dùng, quần áo… không đạt yêu cầu thì có thể “dùng tạm” rồi bỏ đi, nhưng thực phẩm chức năng, đồ ăn thức uống, mỹ phẩm không đảm bảo thì người dùng chỉ có nước “tiền mất, tật mang”. Nếu mua trên sàn thương mại điện tử, cùng lắm là đánh giá “1 sao” cho bên cung cấp; mua ở cửa hàng thì đến phàn nàn với người bán; còn mua qua mạng xã hội thì ôi thôi, chỉ còn nước “chừa đến già”.

Tâm lý lo ngại hàng giả khiến nhiều người tiêu dùng tìm đến những chuỗi kinh doanh có thương hiệu, thế rồi đổi lại, họ không ít lần bị dội những gáo nước lạnh vì bên bán “tráo mác”, “trộn hàng”.

Thậm chí, ngay cả những doanh nghiệp được “tôn vinh” như Thiên nhiên TS Việt Nam sau khi bị “sờ gáy” cũng mới lộ ra chuyện “treo đầu dê bán thịt chó”. Lô hàng 14.000 sản phẩm mỹ phẩm các loại trị giá tới 11 tỷ đồng của doanh nghiệp này hồi cuối năm ngoái bị phát giác “không rõ nguồn gốc”, gắn nhãn mác Hàn Quốc, New Zealand hoá ra lại được “đóng gói” ở Hà Đông, Hà Nội khiến nhiều người ngã ngửa.

Một chủ doanh nghiệp thực phẩm từng ngán ngẩm chia sẻ với người viết rằng, anh không hiểu sao để đưa một con gà đóng gói hút chân không ra thị trường thì công ty anh buộc phải năm lần bảy lượt đi đăng ký, xin không biết bao nhiêu loại giấy phép của các đơn vị quản lý khác nhau, trong khi gà sống và nhiều loại thực phẩm khác vẫn bày bán tràn lan ở chợ rất dễ dàng.

Việc “đẻ” ra đủ loại giấy phép quản lý doanh nghiệp trong khi lại lỏng lẻo quản lý, để xảy ra vi phạm tràn lan quyền sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng lậu nhập khẩu khiến không ít người làm kinh doanh nản chí.

Ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường đã thẳng thắn nói trên tờ Lao động ngày 11/8 rằng, còn hiện tượng buông lỏng quản lý để hàng giả công khai, ngang nhiên, thách thức dư luận.

Sự “buông lỏng” đó khiến nhiều người kinh doanh đã lựa chọn chi phí lót tay để du di cho những khiếm khuyết thay vì đầu tư thời gian, công sức, tiền bạc để cung ứng hàng có chất lượng cho thị trường.

“Cứ hàng giả mà ảnh hưởng đến sức khoẻ nghiêm trọng thì phải hình sự và khởi tố trước pháp luật” – quan điểm của ông Trần Hùng có lẽ cũng là mong muốn của không ít người tiêu dùng, khi mà nạn hàng gian, hàng giả đang trở nên ngày càng bức bối và ám ảnh.

Thế nhưng, thế nào là ảnh hưởng “nghiêm trọng” thì lại là câu chuyện… khó nói. Ngay như ngộ độc thực phẩm thì cũng “phải lăn ra chết mới xử lý được” như có lần cựu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát giãi bày, huống hồ là những mặt hàng khác!

Do đó, đúng như ông Hùng nói, không phải bắt một vụ hay xử lý một vụ nào đó mà quan trọng nhất là phải lập lại trật tự quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hàng hoá như phân bón, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng… Không phải chỉ quản lý thị trường, mà cả biên phòng, cả hải quan cửa khẩu, đều phải được quy trách nhiệm về tình trạng để lọt hàng giả đến tay người tiêu dùng.

Đừng để nước ta trở thành “bãi thải” hàng kém chất lượng mà người “chịu trận” lại chính là người tiêu dùng trong nước!

Bích Diệp