10 triệu đồng và nước mắt nông dân tiếp tục tuôn rơi!

(Dân trí) - Mỗi người trong họ mất 10 triệu đồng thì những người chăn nuôi mất nhiều, nhiều tỉ đồng. Nước mắt nông dân từ bao đời đã chảy, nay chả lẽ vì những kẻ ngu dốt này mà lại một lần nữa tuôn rơi!

m_tin-don.jpg

 

 

Lại thêm một phụ nữ vừa bị Sở Thông tin Truyền thông Đắk Nông phạt 10 triệu đồng vì đăng thông tin sai sự thật về việc người dân đào xác 800 con lợn bị dịch bệnh lên làm thịt.

Theo đó bà Trần Thị Thu Hồng (chủ tài khoản facebook Trần Thu Hồng) đã đăng tin một ổ dịch hơn 800 con lợn ở huyện Đắk Mil (Đắk Nông) đã được xử lý, chôn lấp, nhưng một số đối tượng vẫn đào lên để xẻ thịt bán cho người dân.

Đây không phải là lần dầu tiên chỉ trong một thời gian ngắn, đã có 2 đối tượng bị xử phạt vì hành vi đăng tin sai sự thật xung quanh chuyện lợn.

Trước đó, một phụ nữ đăng tin lợn mắc dịch tả châu Phi lây sang người làm rúng động cộng đồng mạng và khiến những người nuôi lợn thêm một lần lao đao.

Không biết có phải vì “năm tuổi” của lợn hay không mà từ mấy năm nay, họ nhà lợn luôn gặp vận hạn nặng.

Cách đây chưa lâu, vụ heo rớt giá làm người chăn nuôi khốn khổ, khốn nạn thì năm nay, số lượng đàn heo cả nước đang hồi phục sau dịp tết bỗng đùng một cái, lũ vi rút tả từ mãi tận châu Phi xa xôi không biết bằng cách nào len lỏi vào Việt Nam.

Thế là thành dịch. Lợn chết ngổn ngang, nhiều hộ chăn nuôi xơ xác.

Mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rất nỗ lực, song dịch liên tiếp bùng phát ở nhiều địa phương.

Rất may là bằng sự nỗ lực này mà gần đây, dịch bệnh đã từng bước được khống chế, ít nhất là hiện tại, chưa lan đến các tình phía Nam.

Cứ ngỡ chỉ thiên tai đã đẩy người nông dân vào chỗ cùng cực thì cay đắng thay, như đã nói ở trên, họ lại phải hứng chịu nhân tai mà cụ thể ở đây là từ chính đồng bào mình.

Không biết hai người phụ nữ này vì ngu dốt hay vì muốn câu like mà đã cho đăng các thông tin láo toét với những hình ảnh cắt ghép trông như thật.

Xót xa thay, với sự lan truyền của công nghệ, chỉ một thời gian ngắn, thông tin trên đã làm xôn xao dư luận.

Người dân lo ngại (sự lo ngại là có lý bởi làm sao không lo được?) và hậu quả, thịt lợn đã ế ẩm lại càng ế ẩm.

Tưởng thế đã đủ thì một trường học ở Bắc Ninh bị tố cho học sinh ăn thịt lợn gạo. Ngành y tế lao vào xét nghiệm, phát hiện số trẻ dương tính với sán lợn trên 10%.

Thực ra, đây là con số cao nhưng không phải đột biến bởi với điều kiện khí hậu cũng như phương cách chăn nuôi của ta, ấu trùng này có mặt ở nhiều nơi, từ ao hồ, sông ngòi, sân vườn, cây cỏ…

Tuy nhiên, thông tin này vẫn như một gáo nước lạnh đổ vào thị trường thịt lợn vốn lạnh lẽo lại càng lạnh lẽo.

Hậu quả là mồ hôi, công sức, tiền bạc của người nông dân không chỉ đổ sông, đổ bể mà còn làm trì trệ cả một ngành chăn nuôi chủ lực.

Thực tế thì cho đến nay, dù đã được phát hiện từ một thế kỉ trước (khoảng năm 1920), trên thế giới chưa có trường hợp nào vi rút tả lợn Châu Phi lây nhiễm sang người.

Một bằng chứng hiển nhiên nhất là ở ta, dù dịch đã xuất hiện nhiều ngày qua ở nhiều địa phương, song chưa phát hiện bất cứ một trường hợp nào bị lây nhiễm, kể cả những người làm nghề giết mổ và những người kinh doanh thịt lợn.

Trong khi, đây là những đối tượng dễ bị lây nhiễm nhất nếu có bởi họ trực tiếp tiếp xúc hàng ngày, hàng giờ với mặt hàng này.

Trở lại với việc đăng tin bậy bạ trên mạng xã hội bị phạt 10 triệu đồng, người nông dân Việt Nam vốn đã không ít khó khăn, gian khổ, sao lại có người nỡ gieo khổ cho họ? Động cơ của những người này là gì?

Theo người viết bài này, hình phạt áp dụng là nhẹ, rất nhẹ bởi mỗi người trong họ mất 10 triệu đồng thì những người chăn nuôi mất nhiều, nhiều tỉ đồng.

Nước mắt nông dân từ bao đời đã chảy, nay chả lẽ vì những kẻ ngu dốt này mà lại một lần nữa tuôn rơi!

Bùi Hoàng Tám