1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Vụ cưỡng chế Tràm Chim Resort: Chưa tự tháo dỡ vì... "lý do chưa thuyết phục"

(Dân trí) - Làm việc với đoàn vận động của UBND huyện Bình Chánh, bà Trần Thị Minh Trang, chủ công trình Gia Trang – Tràm Chim Resort mong muốn được giải đáp những thắc mắc về việc xử lý công trình.

Liên quan đến vụ cưỡng chế Gia Trang quán – Tràm Chim Resort, dự kiến hôm nay (6/1), tổ vận động huyện Bình Chánh tiếp tục làm việc với chủ tổ hợp nhà hàng, giải trí này và phản hồi những thắc mắc.

Vụ cưỡng chế Tràm Chim Resort: Chưa tự tháo dỡ vì... lý do chưa thuyết phục - 1
Vụ cưỡng chế Tràm Chim Resort: Kỷ luật hàng loạt cán bộ liên quan

Trước đó, ngày 2/1, ông Phan Thành Tốt, Phó Trưởng ban Dân vận huyện Bình Chánh (TPHCM) cùng nhiều ban, ngành đã có buổi tiếp xúc, vận động bà Trần Thị Minh Trang, chủ công trình Gia Trang quán – Tràm Chim Resort thực hiện việc khắc phục hậu quả, tự tháo dỡ công trình vi phạm.

Tại buổi làm việc, ông Tốt cho biết, theo thông báo của Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ, trường hợp chủ công trình Gia Trang quán – Tràm Chim Resort không tự tháo dỡ công trình vi phạm, cơ quan chức năng sẽ cưỡng chế vào lúc 8h ngày 7/1/2020.

Sau đó, ông Tốt đề nghị bà Trang trình bày ý kiến, lí do đến nay vẫn chưa chấp hành tháo dỡ công trình vi phạm.

Bà Trang cho biết, việc UBND huyện Bình Chánh ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, cưỡng chế nhưng vẫn chưa giải đáp được thắc mắc của chủ công trình.

“Quyết định 798 của UBND huyện Bình Chánh ban hành, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả công trình vì có 4 hành vi vi phạm nhưng không xác định vị trí ở đâu, diện tích bao nhiêu và hiện trạng như thế nào? Theo quyết định, 4 hành vi vi phạm được thể hiện giống nhau như đúc nhưng hiện trạng thực tế thì không trùng khớp với 4 hành vi trong quyết định. Quyết định cũng yêu cầu tôi trả lại hiện trạng ban đầu thì đó là hiện trạng nào. Hiện trạng năm 2005 là trang trại chăn nuôi hay hiện trạng năm 2001 - 2002 là đất lúa và trồng cây lâu năm”, bà Trang thắc mắc.

Ngoài ra, chủ công trình cho rằng quá trình lập biên bản xử phạt hành chính của UBND xã Tân Quý Tây đến việc ra quyết định cưỡng chế công trình của UBND huyện có sai sót.

Cụ thể, ngày 2/8/2019, công trình Gia Trang quán – Tràm Chim Resort bị xã Tân Quý Tây lập biên bản số 23 về hành vi vi phạm hành chính: “Chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép với diện tích 7592,4m2. Hiện trạng: Kết cấu cột bê tông – gỗ - sắt, vách gạch, mái ngói – tolet, sân xi măng”.

Tuy nhiên, theo bà Trang, biên bản 23 không ghi rõ thời gian vi phạm, địa điểm, vi phạm theo Luật xử lý vi phạm hành chính. Ngoài ra, biên bản này thể hiện được lập lúc 17h20 nhưng lại kết thúc lúc 17h05 là có sự mâu thuẫn, mập mờ.

“Biên bản vi phạm hành chính số 23 không hợp pháp về mặt hình thức và nội dung thì làm sao để làm căn cứ cho UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định 798. Không những thế cả 2 biên bản trên đều không thống nhất về nội dung, diện tích; không xác định rõ công trình nào vi phạm, vi phạm năm bao nhiêu và tự ý thêm nội dung vi phạm cho tôi”, bà Trang phân tích.

Vụ cưỡng chế Tràm Chim Resort: Chưa tự tháo dỡ vì... lý do chưa thuyết phục - 2
Vụ Gia Trang Quán – Tràm Chim Resort: Toà án từng "tuýt còi" quyết định của Sở Xây dựng TPHCM

Chủ công trình Gia Trang quán – Tràm Chim Resort cho biết, công trình của bà tồn tại gần 20 năm, trước đó từng bị thanh tra nhưng đều được lãnh đạo các thời kì cho phép tồn.

Cụ thể, năm 2011 và 2015 bà Trang có vi phạm xây dựng công trình không phép sau đó bà đã khắc phục bằng biện pháp tự tháo dỡ.

Năm 2016, công trình Gia Trang quán – Tràm Chim Resort bị UBND huyện Bình Chánh thanh tra theo ý kiến chỉ đạo của Đoàn Kiểm tra Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM.

Kết quả thanh tra, công trình có 8 hạng mục thì có 2 hạng mục bà Trang xây dựng vượt quá diện tích. Do diện tích vi phạm nhỏ nên bà Trang xin được tồn tại, khi nào nhà nước có nhu cầu sử dụng thì sẽ tự tháo dỡ nên được chính quyền cho phép.

Tuy nhiên, đến ngày 24/10/2018, công trình này tiếp tục bị UBND huyện Bình Chánh thanh tra lại lần nữa. Tuy nhiên quá trình thanh tra UBND huyện không ra kết luận.

“Một công trình UBND huyện Bình Chánh thanh tra 2 lần nhưng lại không có kết luận thống nhất. Nếu kết quả thanh tra lần 1 vào năm 2016 sai thì phải hủy quyết định đó để quyết định thanh tra lần 2 hợp pháp và ngược lại. Nếu kết quả thanh tra năm 2016 không sai, không thu hồi sao lại cưỡng chế công trình hợp pháp của tôi. ”, bà Trang bức xúc.

Bà Trang thừa nhận việc chuyển mục đích sử dụng đất mà chưa được phép là chưa đúng quy định, xây dựng trên đất nông nghiệp là sai,  Tuy nhiên, bà Trang cho rằng các công trình được xây dựng từ lâu, khu đất này đã là khu dân cư hiện hữu nên trước khi cưỡng chế, các cơ quan chức năng cần xem xét thấu tình, đạt lý.  Ngoài ra, bà Trang cũng cho biết căn cứ theo quy định, công trình xây dựng trước năm 2006 (theo Nghị định 43/2014/NĐ-CP) thì công trình bà được tồn tại hợp pháp.

Sau khi nghe ý kiến trình bày của bà Trang, ông Phan Thành Tốt, Phó Trưởng ban Dân vận huyện Bình Chánh yêu cầu chủ công trình này cung cấp thông báo quyết định đơn khởi kiện ra Tòa án Nhân dân TPHCM thực hiện biện pháp ngăn chặn khấp cấp để báo cáo lãnh đạo huyện.

Dự kiến hôm nay (6/1), tổ vận động tiếp tục làm việc với bà Trang và phản hồi những thắc mắc bà Trang.

Diễn tiến vụ việc cưỡng chế Gia Trang Quán - Tràm Chim Resort:

Ngày 12/11/2019, Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Trần Phú Lữ kí quyết định 798 áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả về công trình Gia Trang quán – Tràm Chim Resort đối với bà Trần Thị Minh Trang.

Theo quyết định, Bà Trang tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp không phải đất lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.

Tổng diện tích vi phạm hơn 7.000m2. Biện pháp khắc phục hậu quả phải thực hiện là buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi vi phạm. 

Ngày 13/12, UBND huyện Bình Chánh ban hành quyết định số 872, cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.

Ngày 20/12, UBND huyện Bình Chánh ra quyết định số 896 đính chính quyết định cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả 872.

Ngày 25/12, UBND huyện Bình Chánh thông báo Tổ chức thi hành cưỡng chế vào sáng ngày 7/1.

Hiện vụ việc đang chờ "phán quyết" của cơ quan chức năng.

Quế Sơn