1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Vì sao 2.000 ha đất Mê Linh "phơi lưng" ròng rã suốt 15 năm?

2.000 ha đất dự án bỏ hoang trong thời gian dài ở huyện Mê Linh có nguyên nhân “nằm chờ” Hà Nội điều chỉnh quy hoạch.

Chờ quy hoạch?
 

Theo ông Lê Huy Khôi, chủ dự án KĐT Long Việt (thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh), hàng loạt các dự án bất động sản đóng băng là do Mê Linh được sáp nhập theo đề án mở rộng Hà Nội. 

Vì sao 2.000 ha đất Mê Linh phơi lưng ròng rã suốt 15 năm? - 1

Hạ tầng được đầu tư chắp vá, tạm bợ trong các dự án KĐT ở Mê Linh

Ông Khôi thẳng thắn, không ít chủ đầu tư rơi vào cảnh phá sản do việc điều chỉnh quy hoạch từ việc sáp nhập, mở rộng này.

“Thời điểm 2000-2005, Mê Linh còn thuộc Vĩnh Phúc, tỉnh này có cơ chế trải thảm đỏ cho nhà đầu tư. Tỉnh lập quy hoạch và được phê duyệt chủ trương sẽ phát triển Mê Linh thành khu đô thị cửa ngõ.

Chúng tôi cùng đầu tư vào thời điểm này, quy trình, thủ tục, hồ sơ dự án, phương án bồi thường, quy hoạch chi tiết 1/500 của các dự án cũng đã được hoàn tất. 

Vì sao 2.000 ha đất Mê Linh phơi lưng ròng rã suốt 15 năm? - 2

Bên cạnh các khu đất bỏ hoang, vẫn có những khu đất nông nghiệp "xen kẹt" chưa bàn giao, các hộ dân vẫn canh tác

Đến khi mở rộng, theo yêu cầu của TP Hà Nội, tất các dự án đã được cấp phép tại Mê Linh đều phải dừng triển khai để rà soát, kiểm tra đồng bộ hóa theo quy hoạch chung của Thủ đô”, ông Khôi than.

7 năm dài nằm chờ quy hoạch được phê duyệt (từ 2008 đến 2015), UBND TP Hà Nội mới công bố các quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị, trong đó phân khu đô thị quy hoạch trục Mê Linh.

Sau đó, chủ đầu tư được yêu cầu liên hệ với các sở, ngành để được hướng dẫn việc tiếp tục thực hiện các bước như: điều chỉnh quy hoạch 1/500; chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận…

“7 năm trời chúng tôi phải nằm chờ, mặc dù khi Vĩnh Phúc chấp thuận đầu tư đã căn cứ trên quy hoạch đã được phê duyệt của địa phương này. Chưa thấy về Thủ đô được hưởng lợi gì, nhưng dự án của chúng tôi đã phải nằm im vì lý do khách quan như thế”, ông Khôi buồn bã. 

Vì sao 2.000 ha đất Mê Linh phơi lưng ròng rã suốt 15 năm? - 3

Dãy nhà hiếm hoi được xây dựng nhưng không có người ở tại dự án KĐT thuộc xã Tiền Phong

Ông Khôi cũng nói thêm, khi đồ án quy hoạch chung được thông qua, nảy sinh thêm các vấn đề người dân khiếu kiện, thắc mắc về giá đền bù, dù có những dự án đã thực hiện đền bù xong.

Năm 2016, 47 chủ đầu tư các dự án bất động sản tại Mê Linh đã có báo cáo chung gửi Chủ tịch UBND TP đề xuất hướng tháo gỡ khó khăn. 

Vì sao 2.000 ha đất Mê Linh phơi lưng ròng rã suốt 15 năm? - 4

Những tấm biển dự án ám ảnh người dân Mê Linh hơn chục năm qua

Theo bản kiến nghị, vấn đề mấu chốt nằm ở cơ chế, chính sách giữa hai địa phương trước và sau khi sáp nhập chưa có sự đồng nhất. 

Thu hồi dự án chây ì

Trưởng phòng Tài chính huyện Mê Linh Đào Trọng Phú cho biết, huyện đang rà soát, phân loại rõ các dự án chậm triển khai, đánh giá mức độ, tìm hiểu các khâu vướng mắc để có phương án xử lý cụ thể.

Với những dự án chây ì không triển khai, chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính, vi phạm luật Đất đai, huyện sẽ đề xuất TP thu hồi. 

Vì sao 2.000 ha đất Mê Linh phơi lưng ròng rã suốt 15 năm? - 5

Huyện Mê Linh kiến nghị Hà Nội thu hồi các dự án chây ì

Theo ông Phú, trong tổng số 47 dự án đô thị, nhà ở với tổng diện tích đất 2.445ha thì tất cả đều chậm tiến độ; 15 dự án đã có chủ trương nhưng không triển khai; 14 dự án đã giải phóng mặt bằng xong nhưng chậm hoàn thành các hạng mục đầu tư xây dựng; 18 dự án chậm triển khai giải phóng mặt bằng...

UBND huyện đã yêu cầu các chủ đầu tư chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để điều chỉnh quy hoạch và thực hiện các bước đầu tư dự án.

Với những đơn vị đang khắc phục khó khăn để tiếp tục triển khai, UBND huyện rà soát, phân loại, tìm hiểu các khâu vướng mắc để có phương án xử lý cụ thể. Với những dự án chủ đầu tư cố tình chây ì không triển khai, UBND huyện thực hiện chỉ đạo của TP sẽ kiên quyết đề xuất xử lý theo quy định.

8 dự án Mê Kinh kiến nghị TP thu hồi gồm: KĐT Prime Gruop (diện tích 99,1ha); Vinalines (115ha); BMC Thăng Long (40,6ha); KĐT Việt Á (23ha); KĐT, biệt thự nhà vườn Chi Đông (1,25ha);dự án trung tâm thương mại và biệt thự cao cấp Vạn Niên (0,99ha);  dự án khu biệt thự và nhà vườn CIT...

Ngày 2/10/2018, TP đã thu hồi 4 dự án với tổng 267ha. 4 dự án còn lại đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình thu hồi tiếp.

Bên cạnh đó, những dự án "người thật việc thật" bị vướng do điều chỉnh quy hoạch sau khi sáp nhập, mở rộng, chủ đầu tư mong muốn sớm giải quyết dứt điểm để được triển khai dự án.

Theo Thái Bình
VietnamNet