Vì đâu “ông lớn” Vinaconex sụt lãi thê thảm cuối năm 2018?

(Dân trí) - Trong 3 tháng cuối cùng của năm 2018, doanh thu thuần Vinaconex tuột dốc mạnh 21% so với cùng kỳ trong khi lãi giảm tới 73%. Tuy vậy, với hiệu ứng của hai thương vụ thoái vốn “lịch sử” của SCIC và Viettel, giới đầu tư trên thị trường chứng khoán vẫn có thể kiếm bộn từ cổ phiếu VCG.

Sau phiên quay đầu giảm giá hôm qua, sáng 30/1, cổ phiếu VCG của Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tiếp tục mất thêm 200 đồng tương ứng 0,8% còn 24.700 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, mã này đã có chuỗi tăng khá tốt liên tục từ phiên 22/1 đến 28/1 trước khi bị nhà đầu tư bán ra do những thông tin không mấy khả quan đến từ kết quả kinh doanh quý IV/2018 mà doanh nghiệp này vừa mới công bố.

vinaconex.jpg

Kết quả kinh doanh của Vinaconex sụt mạnh trong quý cuối cùng của năm 2018

 

Cụ thể, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2018 của Vinaconex, trong kỳ vừa rồi, doanh thu thuần của tổng công ty này sụt giảm mạnh tới 21%, chỉ đạt 3.341 tỷ đồng trong khi lãi sau thuế cũng trượt dốc, sụt 73% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 268 tỷ đồng bất chấp đã nỗ lực tiết giảm chi phí quản lý và chi phí tài chính. Một phần lớn nguyên nhân đến từ việc sụt giảm mạnh từ doanh thu tài chính do cùng kỳ năm trước, Vinaconex có khoản thoái vốn từ công ty con (trong đó có công ty nước sạch Viwasupco).

Luỹ kế cả năm 2018, doanh thu thuần Vinaconex giảm 10% còn 9.721 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 61% còn 636 tỷ đồng do không có các khoản thanh lý công ty con như trong năm 2017.

Tại thời điểm cuối năm 2018, “ông lớn” ngành bất động sản-xây dựng ghi nhận có 20.082,9 tỷ đồng tổng tài sản; tổng nợ phải trả 12.063,7 tỷ đồng, trong đó, nợ ngắn hạn xấp xỉ 8.940 tỷ đồng.

Tháng 11/2018, SCIC và Viettel đã thực hiện bán đấu giá cổ phần sở hữu tại Vinaconex. Trong đó, SCIC bán ra tới 57,71% cổ phần tại tổng công ty này với mức giá cao nhất lênt ới 28.900 đồng, thu về 7.367 tỷ đồng, cao hơn gần 2.000 tỷ đồng so với giá khởi điểm. Đồng thời, Viettel cũng bán trọn lô 21,28% cổ phần tại Vinaconex, thu về hơn 2.002,4 tỷ đồng. Cả hai thương vụ thoái vốn này đều thành công vượt mong đợi.

Với vụ thoái vốn lịch sử của SCIC và Viettel, cổ phiếu của VCG đã tăng giá rất mạnh trong giai đoạn vừa qua. Đến thời điểm hiện tại sau khi đã điều chỉnh, VCG vẫn tăng giá tới 38% trong vòng 3 tháng giao dịch.

Trên thị trường chứng khoán, khép lại phiên giao dịch sáng 30/1, trong bối cảnh thanh khoản thị trường vẫn chưa cải thiện và độ rộng thị trường vẫn nghiêng về những mã giảm giá, hai chỉ số tiếp tục diễn biến giằng co.

VN-Index trải qua rung lắc đáng kể và tạm dừng phiên sáng tại 916,43 điểm, ghi nhận tăng nhẹ 0,5 điểm tương ứng 0,05%. Trong khi đó, HNX-Index cũng tăng 0,54 điểm tương ứng 0,52% lên 102,91 điểm.

Trên thị trường có 244 mã giảm giá, 31 mã giảm sàn so với 216 mã tăng, 29 mã tăng trần. Số mã “chết thanh khoản” lên tới 969 mã. Khối lượng giao dịch trên HSX chỉ đạt 68,34 triệu cổ phiếu tương ứng 1.321,2 tỷ đồng; trong khi con số này trên HNX là 11,95 triệu cổ phiếu tương ứng 168,95 tỷ đồng.

Chỉ số chính nhận được sự hỗ trợ tích cực từ một số mã lớn như GAS, BID, VCB, MBB, BVH… tuy nhiên lại chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi tính trạng giảm giá tại HPG, VNM, ROS, SAB, MWG.

Trên sàn HNX, chỉ số tăng giá một phần nhờ đóng góp của ACB, SHB, PVS.

Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho rằng, trong bối cảnh thị trường hiện tại, nhà đầu tư chỉ nên cân nhắc giải ngân với tỷ trọng nhỏ và chưa sử dụng đòn bẩy trong giai đoạn này để chờ đợi xu hướng của chỉ số chung trở nên rõ ràng hơn sau khi kỳ nghỉ Tết Âm lịch dài ngày kết thúc.

Mai Chi

bannerchanbai-1547856639383.gif