1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

TPHCM: "Nghẽn" thủ tục hành chính làm sụt giảm nguồn cung dự án BĐS 2019

(Dân trí) - Hiệp hội bất động sản TPHCM tỏ ra quan ngại về thị trường bất động sản TPHCM trong năm 2019 khi mà nhiều tồn tại vẫn còn hiện hữu. Điển hình như quy mô thị trường sụt giảm, thủ tục hành chính còn nhiều bất cập, lệch pha cung – cầu.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vừa báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ, các Bộ ngành và Thành ủy, UBND TPHCM về một số quan ngại về thị trường bất động sản thành phố trong năm 2019. Trong đó, HoREA tỏ ra quan ngại khi quy mô thị trường bất động sản thành phố bị sụt giảm khá lớn trong năm 2018.

Theo HoREA, năm 2017, TPHCM có 92 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 42.991 căn (gồm 37.502 căn hộ chung cư và 5.489 căn nhà thấp tầng). Trong đó, phân khúc cao cấp chiếm 25,5%, phân khúc trung cấp chiếm 45,5% và phân khúc bình dân chiếm 29,1%.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM tỏ ra quan ngại cho thị trường bất động sản thành phố trong năm 2019 khi quy mô thị trường bị sụt giảm khá lớn trong năm 2018. Ảnh: Đại Việt
Hiệp hội Bất động sản TPHCM tỏ ra quan ngại cho thị trường bất động sản thành phố trong năm 2019 khi quy mô thị trường bị sụt giảm khá lớn trong năm 2018. Ảnh: Đại Việt

Năm 2018, thành phố có 77 dự án nhà ở hình thành trong tương lai với 28.316 căn, quy mô thị trường giảm đến 34,1% so với năm 2017. Trong đó, phân khúc cao cấp có giá bán trên 40 triệu đồng/m2 chiếm 30%, tăng 4,5% so với năm 2017. Phân khúc trung cấp chiếm 45,3% tương đương năm 2017. Phân khúc bình dân chỉ còn chiếm 24,7% giảm 4,4% so với năm 2017.

Những số liệu trên đây cho thấy thị trường bất động sản thành phố chưa phát triển bền vững. Bởi lẽ, thị trường bất động sản chỉ phát triển bền vững khi đạt được cơ cấu sản phẩm hợp lý. Khi đó, phân khúc nhà ở bình dân sẽ phải chiếm tỷ lệ lớn nhất, tiếp theo là phân khúc trung cấp và phân khúc cao cấp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho biết, thể chế hành chính và hệ thống quy phạm pháp luật chưa thống nhất, chưa đồng bộ cũng khiến Hiệp hội Bất động sản thành phố quan ngại cho thị trường trong năm 2019.

Phân khúc nhà ở cao cấp đang có tỷ lệ lớn tại TPHCM, trong khi nhà ở bình dân lại rất khan hiếm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ về một thị trường bất động sản thiếu bền vững. Ảnh: Đại Việt
Phân khúc nhà ở cao cấp đang có tỷ lệ lớn tại TPHCM, trong khi nhà ở bình dân lại rất khan hiếm. Điều này tiềm ẩn nguy cơ về một thị trường bất động sản thiếu bền vững. Ảnh: Đại Việt

Theo ông Châu, tinh thần làm việc của một số cán bộ, công chức có liên quan đến dự án bất động sản bị sụt giảm. Thủ tục hành chính có liên quan đến dự án bất động sản bị trì trệ. “Điểm nghẽn” về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ đầu tư dự án là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm sụt giảm nguồn cung dự án, nguồn cung nhà ở trong thời gian qua và cả trong năm 2019.

“Các vấn đề nói trên có thể dẫn tới việc làm sụt giảm nguồn thu ngân sách nhà nước năm 2019, bởi lẽ không chỉ các doanh nghiệp bất động sản bị giảm doanh thu, lợi nhuận, Nhà nước giảm nguồn thu thuế, mà còn có khoảng 95 ngành nghề khác có liên quan thị trường bất động sản cũng bị ảnh hưởng theo”, ông Châu phân tích.

Theo HoREA, một vấn đề rất đáng quan ngại của thị trường bất động sản TPHCM trong năm 2019 đó chính là “câu chuyện” lệch pha cung – cầu.

Các dự án bất động sản mới ra mắt trong năm 2019 sẽ không nhiều và khó có sự “bùng nổ” về nguồn cung. Ảnh: Đại Việt
Các dự án bất động sản mới ra mắt trong năm 2019 sẽ không nhiều và khó có sự “bùng nổ” về nguồn cung. Ảnh: Đại Việt

Năm 2018, tại TPHCM, phân khúc nhà ở cao cấp chiếm 30%, phân khúc trung cấp chiếm 45,3% và phân khúc bình dân chỉ chiếm 24,7%. Thế nhưng, trên thực tế thì tỷ lệ nhà ở cao cấp có thể còn cao hơn nhiều. Bởi theo thống kê của Sở Xây dựng thì phân khúc cao cấp chỉ tính từ mức giá trên 40 triệu đồng/m2. Trong khi đó, trên thị trường, loại căn hộ có giá từ 30 - 40 triệu đồng/m2 thì đã được xếp vào phân khúc căn hộ cao cấp.

Do vậy, nếu tính toán đầy đủ thì sẽ có thêm khoảng phân nửa số lượng nhà trong phân khúc nhà ở trung cấp thuộc phân khúc cao cấp, dẫn đến tỷ trọng phân khúc nhà ở cao cấp có thể còn cao hơn nhiều so với mức 30% nêu trên.

Chính vì vậy, Bộ Xây dựng cũng nhận định rằng, đã có dấu hiệu dư thừa nguồn cung trong phân khúc bất động sản cao cấp và rất thiếu nhà ở trong phân khúc bình dân.

Đại Việt – Công Quang

TPHCM: "Nghẽn" thủ tục hành chính làm sụt giảm nguồn cung dự án BĐS 2019 - 4