Tâm điểm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2019

(Dân trí) - Từ giữa năm 2018 đến nay, thị trường BĐS nghỉ dưỡng phía Nam nổi lên 2 cái tên đáng được chú ý là Bình Thuận và Vũng Tàu, khi hàng loạt nhà đầu tư ồ ạt rót vốn phát triển các dự án quy mô lớn. Trong đó, Bình Thuận chính thức trở thành "chảo lửa" của thị trường bất động sản biển.

Xu hướng sở hữu ngôi nhà thứ 2 tại các điểm nghỉ dưỡng

Theo ông Neil Macgregor - Tổng giám đốc Savills Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng giống như ngôi nhà thứ hai đang ngày càng trở nên hấp dẫn đối với khách hàng trong nước và quốc tế, nhất là khi cơ sở hạ tầng phát triển, có nhiều đường bay thẳng nối các địa điểm nghỉ dưỡng nổi tiếng với nước ngoài.

So sánh với các quốc gia trong khu vực, thị trường này tại Việt Nam có nhiều lợi thế như giá nhà thấp hơn, trong khi lượng khách du lịch ngày càng tăng, đặc biệt là khách quốc tế do có nhiều địa điểm đẹp, ấm áp quanh năm. Điều này tạo tiềm năng tăng giá cao và thu nhập từ cho thuê bất động sản nghỉ dưỡng cũng rất tốt.

Tâm điểm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2019 - 1
Tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ven biển Việt Nam rất lớn

Ông Trần Hiếu - Phó tổng giám đốc DKRA nhận định: "Bất động sản ven biển ngày càng trở nên hấp dẫn nhà đầu tư. Bên cạnh thị trường vốn đã là địa danh du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… thì những thị trường mới nổi giàu tiềm năng du lịch biển, thu hút nguồn vốn đầu tư lớn, đẩy mạnh hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông liên kết như Bình Thuận sẽ trở thành tâm điểm sáng thu hút sự quan tâm của đông đảo giới đầu tư".

Nguyên nhân dẫn đến làn sóng đầu tư bất động sản ven biển tại Việt Nam bùng nổ mạnh mẽ trong một thập niên qua là do các hạ tầng đang trong giai đoạn phát triển tốt với nhiều dự án đường cao tốc, sân bay đua nhau lộ diện. Tổng chiều dài đường cao tốc trên cả nước vẫn đang tiếp tục được mở rộng, nối dài thêm trong vòng vài thập kỷ tới. Đây là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy du lịch nghỉ dưỡng ở các điểm đến chỉ mất vài giờ di chuyển bằng ôtô.

Thị trường BĐS nghỉ dưỡng tại Bình Thuận dậy sóng

Với trường hợp Bình Thuận, nơi có các khu vực sở hữu nhiều lợi thế du lịch như những bãi biển xanh, bờ cát vàng, đồi dương, nền văn hóa Chămpa lâu đời. Nhờ có vị trí thuận lợi nhất Việt Nam để đón xem nhật thực toàn phần cuối cùng của thế kỷ XX vào ngày 24/10/1995, làng chài hoang sơ Mũi Né thu hút lượng lớn khách du lịch khắp nơi đổ về. Sự kiện này cũng đánh dấu thời điểm đánh thức tiềm năng du lịch của làng chài Phan Thiết - Mũi Né.

Tâm điểm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2019 - 2
Bình Thuận trở thành "chảo lửa" của thị trường bất động sản biển 2019

Tiếp đó hàng loạt nhà đầu tư tiến hành thăm dò khảo sát, xây dựng khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp, thay đổi diện mạo hạ tầng du lịch của tỉnh suốt 24 năm qua. Đến 2018, thành phố Phan Thiết đón 5,7 triệu khách, tương đương với lượng khách đến Nha Trang, Đà Nẵng và cao hơn 1,5 lần Phú Quốc. Thống kê cũng cho thấy, từ năm 2015-2018 tỷ lệ tăng trưởng khách du lịch của Mũi Né - Phan Thiết luôn duy trì ở mức hai chữ số.

Đến nay, Bình Thuận có 384 dự án du lịch được chấp thuận với tổng vốn đầu tư hơn 60 nghìn tỷ đồng, gần 200 dự án đã hoạt động kinh doanh. Trong tháng 9 vừa qua, trên địa bàn Bình Thuận tiếp tục có 6 dự án được cấp quyết định chủ trương đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư với tổng diện tích đất 36ha, có tổng vốn đăng ký 302 tỷ đồng.

Lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng được nhiều nhà đầu tư lựa chọn xúc tiến đầu tư tại Bình Thuận theo mời gọi của UBND tỉnh. Điển hình Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né của Tập đoàn Apec Group cũng được UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Bình Thuận 2019.

Tâm điểm thị trường bất động sản nghỉ dưỡng năm 2019 - 3
Dự án Apec Mandala Wyndham Mũi Né tâm điểm đầu tư tại Bình Thuận.

Đánh giá về khả năng thu hút đầu tư của Bình Thuận, các nhà đầu tư nhận định, địa phương này có chỉ số năng lực cạnh tranh và chỉ số đầu tư kinh tế tư nhân rất cao, cho thấy môi trường đầu tư đang được cải thiện nhanh chóng.

Theo công bố chính thức của UBND tỉnh Bình Thuận, sân bay Phan Thiết có tổng vốn đầu tư giai đoạn từ nay đến năm 2020 khoảng 10.272,9 tỷ đồng và giai đoạn đến năm 2030 khoảng 332,5 tỷ đồng. Với quy mô được nâng lên cấp 4E, sân bay Phan Thiết có thể tiếp nhận các loại máy bay dân dụng cỡ lớn.

Sau khi sân bay Phan Thiết đi vào hoạt động, du khách từ TP. HCM, Nha Trang, Đà Nẵng… đến Phan Thiết chỉ mất khoảng 30 phút. Còn đối với du khách các tỉnh, thành phố phía Bắc như Hà Nội, Hải Phòng… vào tới "thủ đô resort" cũng chỉ mất không quá 1,5 giờ bay.

Song với đó, sự kiện thông xe cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây được xem là nguyên nhân đưa nền kinh tế Bình Thuận, mà đặc biệt là bất động sản khởi sắc. Chưa kể, tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh với chiều dài hơn 180km đã được nâng cấp cơ bản hoàn thành, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây sắp được khởi công xây dựng chắc chắn sẽ tạo nên "trục xương sống" đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giao thông đường bộ địa phương.