1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Rộ lên sau tin đồn, đất Đồng Trúc - Thạch Thất bắt đầu “hạ sốt"

(Dân trí) - Theo ghi nhận Dân trí tại khu vực xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội), lượng người đến xem đất đã giảm hẳn, không còn sôi động với đoàn ô tô “rồng rắn" kéo nhau đến như mấy ngày trước.

Rộ lên sau tin đồn, đất Đồng Trúc - Thạch Thất bắt đầu “hạ sốt - 1
UBND xã Đồng Trúc dán thông báo yêu cầu "cấm tụ tập đông người để phòng chống Covid-19". Lượng người đổ dồn về xã Đồng Trúc cũng giảm bớt theo ghi nhận ngày 26/3.

 Thời gian gần đây, xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất) bất ngờ xuất hiện tình trạng dân tình đổ xô đến xem đất, mặt bằng giá cả cũng theo đó tăng chóng mặt với những lời “cò mồi" hấp dẫn.

Trước tình trạng “bất thường" này, UBND xã Đồng Trúc đã vào cuộc, dán thông báo ở nhiều nơi cảnh báo “nhân dân tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua bán, giao dịch nhà đất”.

Rộ lên sau tin đồn, đất Đồng Trúc - Thạch Thất bắt đầu “hạ sốt - 2
Cảnh báo của chính quyền trước tình trạng "sốt nóng" đất ở Đồng Trúc, Thạch Thất.

Đến chiều 26/3, theo ghi nhận Dân trí tại khu vực xã Đồng Trúc (huyện Thạch Thất, Hà Nội), lượng người đến xem đất đã giảm hẳn, không còn sôi động với đoàn ô tô “rồng rắn" kéo nhau đến.

Rộ lên sau tin đồn, đất Đồng Trúc - Thạch Thất bắt đầu “hạ sốt - 3
Nhiều xe ô tô xếp hàng dài tại khu vực Đồng Trúc trước thông tin sắp có dự án khu đô thị.

Trao đổi với PV, lãnh đạo UBND xã Đồng Trúc cho biết, chính quyền địa phương đã phải cử cán bộ phối hợp với lực lượng công an xã tuyên truyền đảm bảo trật tự trước tình trạng dân đổ xô đến đầu tư, lướt sóng đất.

Đồng thời việc này cũng nhằm thực hiện chủ trương hạn chế tụ tập đông người để thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19. Vị này cho biết, sau khi chính quyền xã vào cuộc, lượng người về Đồng Trúc liên quan đến vấn đề mua bán đất giảm hẳn.

Theo nội dung thông báo dán nhiều nơi, xã đồng Trúc cho biết: “Thời gian gần đây khu vực xã Đồng Trúc có rất đông người tới môi giới mua bán nhà đất và đưa thông tin không chính xác về dự án đô thị khu vực này.

UBND xã thông báo, hiện nay chưa có dự án nào được phê duyệt quy hoạch tại xã Đồng Trúc. Đề nghị nhân dân tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua bán, giao dịch nhà đất. Tránh bị các đối tượng cò mồi, môi giới đất đưa thông tin sai sự thật, lợi dụng trục lợi".

Ngoài những tờ dán thông báo cảnh báo để tránh người dân bị “trục lợi" từ tin đồn,UBND xã cũng dán yêu cầu "Cấm tụ tập đông người để phòng, chống dịch" ở nhiều nơi.

Trước đó, như Dân trí đã đưa tin, khu vực xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất, Hà Nội đông đúc, nhộn nhịp các nhà đầu tư đến tìm kiếm mua đất bất chấp nhiều cảnh báo từ các chuyên gia việc “lướt sóng" ở những khu vực có tin đồn dự án như thế này.

Trong khi đó, theo thông tin từ phía tập đoàn bất động sản đang có ý định đầu tư vào khu vực Thạch Thất cũng khẳng định, “dự án mới chỉ là đề xuất từ phía doanh nghiệp". Hiện chưa có bất kỳ động thái gì cho thấy dự án được triển khai mà mới chỉ tồn tại ở dạng “ý tưởng".

Nói với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam nhận xét: Đây là kiểu đầu tư “nghe tin đồn". Nó là hiện tượng lặp lại của rất nhiều vụ, đã có rất nhiều bài học cho lối đầu tư kiểu “nghe ngóng", đám đông như vậy.

Theo ông Đính, nếu nhảy vào thời điểm sốt nóng trong khi giá không đúng với bản chất là giá trị đầu tư tăng thì dễ ngậm trái đắng. “Ở khu vực Đồng Trúc bây giờ cũng vậy, khu vực đó chưa có đầu tư gì lớn để tạo ra giá trị tăng. Đất đai tỷ lệ thuận với giá trị đầu tư, có đầu tư hạ tầng xã hội dịch vụ thì mới tăng được giá trị chứ”, ông Đính cho biết.

Theo lời khuyên của chuyên gia, trước khi “xuống tiền" mua đất nền, cần tìm hiểu thông tin về mảnh đất (vị trí, pháp lý, quy hoạch khu vực, hạ tầng…).

Tránh mua đất chưa có sổ đỏ hoặc đất sổ chung. Nên chọn mua đất có Giấy chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ) hợp pháp để tránh tranh chấp và dễ dàng hơn trong việc đền bù nếu đất bị thu hồi. So sánh diện tích đất thực với diện tích đất trong sổ đỏ để đảm bảo không có sự chênh lệch.

Nghiên cứu kỹ hợp đồng mua bán đất (các điều khoản, thỏa thuận…) trước khi xuống tiền để tránh “tiền mất tật mang”.

Nguyễn Mạnh