1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Quản lý condotel: GS Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi "quản chặt để làm gì?"

(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, cái đích cần hướng đến là hiệu quả cao của phát triển, quản lý chặt cũng chỉ để phát triển tốt mà bền vững, không phải để xác lập quyền lực của người quản lý.

Quản lý condotel: GS Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi quản chặt để làm gì? - 1

Condotel cần sớm được định danh

Phát biểu tại Diễn đàn “Đầu tư bất động sản 2019: Rủi ro và Cơ hội” do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức sáng nay (22/6), ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) đánh giá, với mục tiêu phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, cơ hội để thị trường bất động sản du lịch tăng trưởng là rất tiềm năng.

Tuy nhiên, theo ông Nam, thời gian qua, nhiều vấn đề được đặt ra đã gây khó khăn cho thị trường này. Trong đó, hiện nay các vấn đề liên quan đến condotel chưa có văn bản nào hướng dẫn, điều chỉnh cụ thể.

Ông Nam cho biết, nhiều vướng mắc đối với mô hình condotel như việc áp dụng tính toán chỉ tiêu kiến trúc kỹ thuật công trình có căn hộ condel hiện chưa rõ ràng; về chỉ tiêu dân số hiện mới có chỉ tiêu với khu vực nhà ở, chưa có đối với condotel, nên nếu không có quy định bổ sung thì sẽ ảnh hưởng tới chỉ tiêu dân số địa phương.

Bên cạnh đó, về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài, đất thương mại dịch vụ có thời hạn là 50 năm, nhưng hiện vẫn chưa có quy định cụ thể liên quan đến condotel là đất thương mại dịch vụ hay đất ở, hoặc cả hai.

Ngoài ra, một số vấn đề với condotel hiện nay còn là các quy định liên quan đến kinh doanh mua bán chuyển nhượng, sản phẩm hình thành trong tương lai, bảo lãnh cho thuê mua và đặc biệt là quy định bán căn hộ cho người nước ngoài cần được tháo gỡ.

Theo đại diện VnREA, tính đến thời điểm hiện tại, việc sở hữu condotel nghỉ dưỡng đã được doanh nghiệp kiến nghị rất nhiều và Hiệp Hội bất động sản Việt Nam cũng đã nhiều lần đề xuất, dự kiến tới cuối năm 2019 sẽ có nghị quyết, hướng dẫn cụ thể.

"Vấn đề bảo trì condotel trong bất động sản nghỉ dưỡng như thế nào, chia sẻ lợi nhuận ra sao vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể trong các văn bản pháp lý của cơ quan Nhà nước. Mỗi một dự án lại có chính sách riêng của mình, không tạo được cơ sở pháp lý chung. Để bảo đảm quyền lợi trách nhiệm của chủ đầu tư cần có sự hướng dẫn của Nhà nước trong các quy định tối thiểu cần phải có", ông Nam đánh giá.

Tại buổi tọa đàm, bà Trần Thị Mỹ Lộc - Phó Tổng giám đốc Công ty CP Vinhomes cho rằng, tuy phát triển mạnh mẽ với các chỉ số tăng trưởng ấn tượng, nhưng ngành du lịch trong nước cũng chỉ mới đang ở giai đoạn phát triển đầu tiên, vẫn còn rất nhiều tiềm năng để khai thác. Số lượng resort cao cấp tích hợp các dịch vụ vui chơi giải trí chưa đủ để đáp ứng và phục vụ lượng du khách khổng lồ trong và ngoài nước, nhất là vào những dịp lễ tết.

Theo bà Lộc, đâu đó hiện nay, mọi người vẫn quan điểm dự án bất động sản nghỉ dưỡng và bất động sản nhà ở na ná như nhau. Tôi có thể huy động một số tiền nào đó thì tôi có thể xây nên một dự án và nó được gọi là dự án, nhưng thực tế hoàn toàn khác biệt.

"Khi chúng ta có thể ký kết một hợp đồng quản lý nào đó, với một công ty quản lý chúng ta có thể làm được một dự án nghỉ dưỡng. Nhưng sau đó sẽ là việc chúng ta cam kết thực hiện những lời nói đó như thế nào? những điều mà chúng ta đã vẽ ra để thu hút khách hàng? Để giữ được điều đó, việc cần thiết không phải chỉ là lời nói mà còn phải là hành động", bà Lộc nói.

"Quản chặt để làm gì?"

GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng chia sẻ: "Khi còn làm quản lý ở Bộ, tôi thường nghe thấy câu nói quen thuộc của anh chị em rằng cần phải tìm cách quản lý cho thật chặt. Đã đành là làm gì cũng phải làm cho thật chặt chẽ, nhưng tôi vẫn nói rằng đó không phải là mục tiêu cuối cùng, câu hỏi chính cần đặt ra là "quản lý chặt để làm gì?".

Ông Võ cho rằng, cái đích cần hướng đến là hiệu quả cao của phát triển, quản lý chặt cũng chỉ để phát triển tốt mà bền vững, không phải để xác lập quyền lực của người quản lý. Trong phát triển bất động sản du lịch, cái đích ở đây là đưa kinh tế du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Quản lý condotel: GS Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi quản chặt để làm gì? - 2

Diễn đàn thu hút nhiều chuyên gia kinh tế, chuyên gia bất động sản có tiếng tham dự 

Theo ông Võ, khái niệm bất động sản đa công năng không phải là điều gì mới ở Việt Nam. Ông dẫn chứng, một chung cư thường có vài tầng dưới cùng làm siêu thị, cửa hàng, văn phòng và các tầng trên làm nơi ở. Vậy thì một số tầng làm nơi cho thuê lưu trú cũng đâu có làm thay đổi chung cư này. Một chung cư cao cấp cần một doanh nghiệp quản lý và một khách sạn cũng cần một doanh nghiệp quản lý, chẳng có gì khác nhau.

"Mọi nhà ở tại đô thị Việt Nam cũng vừa để ở, vừa để làm cửa hàng. Hình thức shophouse hay shopvilla cũng chẳng có gì khác với nhà mặt phố hiện nay. Như vậy, vấn đề trọng tâm không phải là hình thức tên gọi mà là cần hoàn chỉnh khung pháp luật để quản lý và phát triển các bất động sản đa công năng", ông nói.

Theo đó, vị chuyên gia cho rằng, giải pháp cần làm là hãy bổ sung các quy định vào Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản về phương thức quản lý các bất động sản đa công năng.

Về đất đai, ông Võ kiến nghị, cho phép các chủ đầu tư dự án bất động sản có mục tiêu phục vụ kinh doanh du lịch được quyền lựa chọn hình thức sử dụng đất lâu dài gắn với nộp tiền sử dụng đất ở hoặc hình thức sử dụng đất có thời hạn gắn với nộp tiền thuê đất kinh doanh - dịch vụ, tương ứng với từng phần diện tích đất đai phù hợp của dự án. Về quản lý bất động sản, cần đưa quy định về nguyên tắc chấp nhận một số công năng được phép và yêu cầu đối với các bất động sản đa công năng.

Ông Nguyễn Trần Nam – Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam nói về cơ hội và rủi ro đầu tư bất động sản. (Nguồn: DDDN).

Riêng khung pháp lý, ông Đỗ Huy Hoàng – Đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng khẳng định Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 11/CT-TTg về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, trong đó, yêu cầu Bộ Xây dựng phải bổ sung quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đối với các loại hình nhà ở chung cư, công trình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch (resort villa), văn phòng kết hợp lưu trú ngắn hạn (officetel)...

Hiện, Bộ Xây dựng đang nghiên cứu để sửa đổi các quy định Thông tư 02/2016/TT-BXD về quy chế quản lý sử dụng Nhà chung cư; các quy chuẩn về xây dựng; quy chế quản lý kinh doanh condotel; officetel... Dự kiến cuối năm 2019 sẽ ban hành. 

Phương Dung

Quản lý condotel: GS Đặng Hùng Võ đặt câu hỏi quản chặt để làm gì? - 3