Những “đại gia” địa ốc có lợi nhuận sa sút, lượng tồn kho chất cao

(Dân trí) - Kết thúc quý I/2019, bên cạnh những doanh nghiệp có mức tăng trưởng tốt, nhiều công ty báo lãi sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Cùng với đó là những nỗi lo xung quanh câu chuyện tồn kho kéo dài.

Những “đại gia” địa ốc có lợi nhuận sa sút, lượng tồn kho chất cao - 1
Lợi nhuận sau thuế của IDC âm 1,7 tỷ đồng.

TDC báo lỗ, nhiều dự án “dở dang dài hạn”

Kết thúc quý I/2019, một loạt các doanh nghiệp địa ốc đã hoàn thành việc công bố kết quả sản xuất kinh doanh 3 tháng đầu năm.

Bên cạnh những doanh nghiệp có mức tăng trưởng tốt, nhiều công ty báo lãi sụt giảm mạnh, thậm chí thua lỗ. Cùng với đó là những nỗi lo xung quanh câu chuyện tồn kho kéo dài.

Trong số này có Công ty CP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã CK: TDC). Báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố cho thấy doanh thu bán hàng quý I của TDC đạt 201 tỷ đồng; giảm 45% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận sau thuế âm 1,7 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 8,1 tỷ đồng. Theo lãnh đạo TDC, tổng doanh thu giảm trong đó chủ yếu là doanh thu bất động sản, sức mua của thị trường giảm khiến doanh thu quý I giảm.

Đáng lưu ý, lượng hàng tồn kho của TDC là rất lớn, tính đến hết quý I/2019 là 3.587 tỷ đồng. Trong đó có một số dự án nẳm trong danh sách “dở dang dài hạn” như dự án phố Sông Cấm (403 tỷ đồng); Dự án TDC Plaza (534 tỷ đồng), Dự án Unitown – giai đoạn 2 (552 tỷ đồng). Các dự án này bị trì hoãn do Tập đoàn đang thiếu vốn để tiếp tục thực hiện.

Tại ĐHCĐ thường niên năm 2019 vừa diễn ra, cổ đông cũng bày tỏ băn khoăn xung quanh vấn đề tồn kho của TDC. Một cổ đông cho biết, trong báo cáo tài chính năm 2018 thì khoản chi phí sản xuất dở dang là 3.090 tỷ đồng, tăng so với đầu năm khoảng 2.200 tỷ đồng.

Làm rõ thắc mắc của cổ đông, lãng đạo TDC cho hay, chí phí dở dang tập trung chủ yếu ở hàng tồn kho, hiện tại hàng tồn kho của công ty trên 5.000 tỷ đồng theo đối chiếu hoá đơn giá trị gia tăng của các đơn vị cung ứng đã xuất cho công ty.

Riêng đối với dự án Gragon Hill, TDC đã mua năm 2014 với giá 5.000 tỷ đồng nhưng đơn vị cưng ứng mới xuất hoá đơn VAT 1.000 tỷ đồng theo đúng giá trị công ty đã thanh toán.

“Sau khi xem xét lại phân khúc thị trường và đánh giá tiềm năng dự án, công ty đã quyết định hoàn trả lại dự án này cho đơn vị cung ứng và Công ty TDC phải xuất hơn đơn hoàn trả lại giá trị tương ứng nên dẫn đến chi phí xây dựng dở dang của báo cáo tài chính là hơn 1.000 tỷ đồng”, lãnh đạo công ty cho biết.

Năm 2019, Công ty này đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.894 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 154,7 tỷ đồng. Tuy nhiên với kết quả khá ảm đạm đạt được trong quý đầu năm, chặng đường về “đích” của TDC còn dài và chật vật.

Lợi nhuận lao dốc, dự án 22 năm vẫn chưa xong

Còn tại Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nhà – Intresco (mã CK: ITC), báo cáo tài chính hợp nhất quý I vừa công bố cho thấy, doanh thu của Intresco đạt 61,5 tỷ đồng; giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn hơn 400 triệu đồng, giảm mạnh tới 95% so vời cùng kỳ.

Đáng lưu ý, Intresco có lượng hàng tồn kho rất lớn, tính đến cuối tháng 3/2019 con số này là 2.889 tỷ đồng, tăng 55 tỷ đồng so với đầu năm.

Trong cơ cấu hàng tồn kho của Intresco, chủ yếu nằm ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án: Dự án Lý Chính Thắng (1.853 tỷ đồng), Dự án Long Thới (548 tỷ đồng); dự án khu 6A…

Trong đó, dự án Terra Royal Lý Chính Thắng có tổng vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng. Thời gian đầu tư dự kiến 2016-2020. Còn Dự án Khu dân cư Long Thới Star Village có tổng vốn đầu tư 7.600 tỷ đồng; diệc tích 55.4 ha.

Riêng về dự án Khu dân cư Intresco 6A thuộc khu vực huyện Bình Chánh, TP.HCM, tính đến hiện tại dự án này đã kéo dài 16 năm mà vẫn chưa có tiến triển. Trả lời những bức xúc của cổ đông tại ĐHCĐ năm 2018 về dự án này, lãnh đạo Intresco cho biết phải chờ kết luận từ thanh tra Chính phủ để Công ty tuân thủ theo, thực sự dự án này đang “ngoài tầm tay của Công ty”.

Cùng cảnh doanh thu và lợi nhuận lao dốc, bức tranh kinh doanh của Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC) cũng không mấy sáng sủa. Doanh thu bán hàng quý I của DIC đạt 317,2 tỷ đồng; giảm 14% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 2,97 tỷ đồng; giảm tới 67% so với cùng kỳ.

Hàng tồn kho tính đến cuối quý I/2019 là 3.199 tỷ đồng, có chiều hướng tăng so với đầu năm. Chủ yếu nằm ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại các dự án Khu đô thị du lịch Sinh Thái Đại Phước (764 tỷ đồng); Dự án chung cư B13 0 Vũng Tàu Gateway (509 tỷ đồng); Dự án khu đô thị mới Nam Vĩnh Yên (485 tỷ đồng); Dự án khách sạn DIC Star Vĩnh Yên (264 tỷ đồng); Dự án Block B Pullman (266 tỷ đồng)…

Trong đó có dự án kéo dài đã 22 năm, với nhiều lần điều chỉnh quy hoạch và gia hạn dự án, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành như dự án Trung tâm đô thị Chí Linh (TP Vũng Tàu).

Nguyễn Mạnh