Nhà cổ 200 năm của quan triều Nguyễn giàu nức tiếng một thời ở Quảng Bình

(Dân trí) - Căn nhà được xây dựng theo lối truyền thống 3 gian 2 chái của người Việt, từng là sở hữu của một vị quan triều Nguyễn.

Ngôi nhà cổ có tuổi đời khoảng 200 năm, được xây dựng theo lối nhà rường truyền thống 3 gian 2 chái của người Việt xưa. Công trình là sở hữu của gia đình ông Nguyễn Xuân Cúc (thị trấn Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình).

Nhà cổ 200 năm của quan triều Nguyễn giàu nức tiếng một thời ở Quảng Bình - 1

Ngôi nhà cổ 200 tuổi tại Quảng Bình được làm theo lối nhà cổ truyền thống của người Việt xưa. Ảnh: NVCC

Theo anh Phạm Đức Minh, con rể của ông Nguyễn Cúc, ban đầu, ngôi nhà này thuộc về một vị quan triều Nguyễn, từng giữ chức Bố chánh tỉnh Khánh Hòa, quê gốc của vị quan này ở huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).

Sang năm 1932, ngôi nhà được một người họ hàng của ông Cúc mua lại với giá 200 đồng Đông Dương và tiếp tục sử dụng cho tới ngày nay. Sau hàng trăm năm sử dụng dù một số hạng mục như: mái, tường… đã có dấu hiệu xuống cấp nhưng hệ thống khung, cột, chèo… của ngôi nhà vẫn còn rất tốt và chắc chắn.

Nhà cổ 200 năm của quan triều Nguyễn giàu nức tiếng một thời ở Quảng Bình - 2

Hệ thống cột kèo của ngôi nhà vẫn rất chắc chắn và được chạm trổ hoa văn tinh xảo. Ảnh: NVCC

Cũng giống như nhiều căn nhà cổ truyền thống của người Việt, căn nhà ở Quảng Bình có hệ thống kết cấu cột kèo được liên kết với nhau bằng chốt, mộng gỗ mà không dùng đinh.

Ở gian giữa nổi bật với bức hoành phi có chữ "Lạc Thiện Đường", nghĩa là nơi an lạc của những người có thiện tâm.

Hệ thống cột, kèo trong nhà tuân theo quy luật “thượng chua, hạ chát”, tức là trên làm bằng gỗ chua, ở dưới là gỗ gõ, đồng thời được chạm trổ hoa văn tinh xảo. Với lối xây dựng này khiến cho ngôi nhà luôn mát vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.

Nhà cổ 200 năm của quan triều Nguyễn giàu nức tiếng một thời ở Quảng Bình - 3

Hiện trong nhà vẫn còn giữ được một vài vật dụng cổ được truyền lại từ thế hệ trước. Ảnh: NVCC

Bao phủ ngôi nhà là hệ thống tường được xây bằng đá ong, trộn vữa từ mật mía xỉ đá, cát, có tác dụng cách nhiệt. Sau gần 200 năm, bức tường này mới chỉ hư hỏng nhẹ.

Theo anh Minh, trước đây từng có nhiều người tới tham quan ngôi nhà và trả giá cao để sang nhượng nhưng cha anh ông Nguyễn Cúc không đồng ý, vì muốn giữ lại cho thế hệ mai sau.

Nhà cổ 200 năm của quan triều Nguyễn giàu nức tiếng một thời ở Quảng Bình - 4

Hoa văn của nhà cổ trước đây được những người thợ tài hoa bậc nhất thực hiện. Ảnh: NVCC

Tuy nhiên, do thời gian sử dụng đã quá lâu, ngôi nhà đã bắt đầu có hiện tượng xuống cấp, thấm dột, nhưng gia đình không có khả năng chi trả chi phí bảo dưỡng trùng tu. Ngoài ra, sức khỏe ông Cúc cũng đã cao, không còn đủ sức chăm sóc ngôi nhà 200 năm tuổi nên mới đây gia đình đã quyết định rao bán lại ngôi nhà cổ.

“Khi quyết định bán ngôi nhà này, chúng tôi ai cũng tiếc. Tuy nhiên, nếu cứ để như vậy, mà không chăm sóc, trùng tu thì cũng phí”, anh Minh nói.

“Trước đây, từng có người trả giá căn nhà cả bạc tỷ, nhưng hiện tại, chúng tôi chỉ bán với giá 250 triệu đồng. Với mức giá này, gia đình không đặt nặng vấn đề tài chính, mà chỉ cần tìm người am hiểu về nhà cổ, biết trân trọng giá trị truyền thống”, anh Minh chia sẻ thêm.

Nhà cổ 200 năm của quan triều Nguyễn giàu nức tiếng một thời ở Quảng Bình - 5

Phần khung ngôi nhà hiện vẫn còn khá tốt

Nhà cổ 200 năm của quan triều Nguyễn giàu nức tiếng một thời ở Quảng Bình - 6

Hệ thống cửa của căn nhà cổ

Ngoài căn nhà của gia đình ông Nguyễn Xuân Cúc, ở Ba Đồn (Quảng Bình) hiện vẫn còn khá nhiều căn nhà cổ, có tuổi đời hàng trăm năm, đặc trưng cho lối kiến trúc nhà truyền thống của người Việt. Tuy nhiên, trải qua những năm tháng thăng trầm của lịch sử, nhiều căn trong số này đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp do không được tu bổ.

Việt Vũ