1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Hà Nội xin cơ chế đặc thù đưa 4 huyện lên quận: Giá đất "phi mã"

Thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù đưa 4 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm lên quận vào năm 2020 khiến giá đất phi mã.

Thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù đưa 4 huyện Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức, Gia Lâm lên quận vào năm 2020 khiến giá đất phi mã.

donganh.jpg

Nhiều lô đất tại Đông Anh tăng giá 50 - 70% trong một thời gian ngắn

 Một số người môi giới tại khu đô thị Nguyên Khê, huyện Đông Anh cho biết, thời điểm sau Tết nguyên đán Kỷ Hợi nhiều lô đất biệt thự, nhà liền kề đang được rao bán 27 triệu/m2 – 30 triệu/m2, trong khi trước đó một năm (đầu năm 2018) vẫn tại khu đô thị này giá đất chỉ dao động 15 triệu – 18 triệu/m2 nhưng ít giao dịch.

Bà Nguyễn Thị Thại – chủ một lô đất có diện tích 216m2 tại khu đô thị Nguyên Khê, cho biết gia đình bà mua thửa đất trên vào thời điểm giữa năm 2017 với mức giá 9 triệu/m2 nhưng đến nay sau hơn 1 năm nhiều thửa đất tương tự đã được giao dịch 28 triệu/m2, những thửa 2 mặt tiền còn được giao 35 – 38 triệu/m2. “Giá đất lên quá nhanh, đã tăng gấp 3 - 4 lần kể từ lúc mua. Dù có rất nhiều khách hàng từ trung tâm Hà Nội sang tìm mua đất, nhưng gia đình tôi cũng chưa bán”, bà Thại nói.

Tương tự, tại khu đất phân lô xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì trong thời gian gần đây cũng tăng “chóng mặt”. Theo khảo sát, mỗi lô đất tại khu vực này hiện được giao dịch ở mức 55 triệu/m2 – 70 triệu/m2 tùy vị trí và diện tích. Trước đó, năm 2017 giá đất ở khu vực này dao động từ 35 triệu/m2 – 50 triệu/m2.

Chị Mai Lan Hương – người dân tại xã Tứ Hiệp cho biết trong vòng 2 năm trở lại đây nhiều lô đất được đấu thầu, sau đó mua đi bán lại, tính ra tăng gấp 2 lần. “Giờ thửa đất đẹp đã lên tới 70 triệu đồng/m2, nếu mua để ở thì tham khảo thêm chứ mua để đầu tư thì thời điểm này muộn rồi”, chị Hương cho biết.

Kể từ khi có thông tin lên quận, ở các xã dọc cao tốc Láng - Hoà Lạc thuộc địa phận huyện Hoài Đức, giá đất nền có dấu hiệu tăng. Theo khảo sát, hiện các lô được chào bán ở An Khánh chủ yếu là đất ngõ, mức giá giao dịch dao động chủ yếu ở ngưỡng 20 - 30 triệu đồng/m2. Một số lô đất cạnh các trục đường có dự án, giá lên đến 40 – 50 triệu đồng/m2. Theo lời một chuyên viên môi giới lâu năm, mức giá này tăng 50 - 70% so với thời điểm chưa có thông tin Hoài Đức lên quận.

Tại thị trấn Trạm Trôi và các xã An Khánh, An Thượng giá đất đang tăng khá mạnh, một số lô đất đẹp có giá trên 40 triệu đồng/m2, thậm chí lên đến cả trăm triệu đồng/m2. Tuy nhiên, giới đầu tư sành sỏi cảnh báo, không ít trong số đó là những lô đất không đảm bảo pháp lý.

dong_anh2.jpg

Giao dịch hiện nay chủ yếu giữa các nhà đầu tư

 Giám đốc Sàn giao dịch Duc Khue Land Vũ Đức Khuê thừa nhận, cách đây một năm, đất khu vực đê tả sông Hồng (thuộc huyện Đông Anh) giá khoảng 17 triệu đồng/m2 nhưng hiện tại đã trên 30 triệu đồng/m2. Giá đất tại nhiều con ngõ rộng tầm 3m dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, đoạn thuộc xã Vĩnh Ngọc lên đến 50 triệu đồng/m2, một số ngõ nhỏ hơn giá đất cũng có thể lên đến 30 triệu đồng/m2.

Một số khu vực xa hơn như Bắc Hồng, giá đất hiện tại cũng có thể lên đến 10-12 triệu đồng/m2, cao gấp 4 lần so với thời điểm sốt đất Đông Anh giai đoạn 2008. Tuy nhiên, hiện tại tâm lý các nhà đầu tư chủ yếu là ôm đất chờ cơ hội tăng giá vào cuối năm.

Đề xuất nâng 4 huyện Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh lên quận còn gây chú ý bởi đây đều là những địa phương đang tập trung rất nhiều những dự án bất động sản lớn. Tại Hoài Đức, đề xuất còn được xem là cứu cánh cho nhiều dự án bất động sản đang bị treo từ nhiều năm nay không thể triển khai.

"Chắc chắn thông tin chuyển từ huyện lên quận sẽ kích thích các nhà đầu tư, tạo ra tâm lý thích đầu tư để hưởng lợi", ông Nguyễn Văn Đính - Tổng thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Đính cũng cảnh báo nhà đầu tư cẩn trọng với các hệ luỵ nhãn tiền, trong đó có ví dụ về cơn sốt đất Đông Anh.

Theo: Hồng Hương

DDDN

banner_chan-bai.gif