1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Giá đất 2019-2024: Kiến nghị giữ nguyên giá tối thiểu, tăng 1/3 mức giá tối đa

(Dân trí) - Theo Hiệp hội bất động sản TPHCM, giá đất hợp lý là khung giá đất ở tối đa 280 triệu đồng/m2; giá đất thương mại, dịch vụ tối đa 223,9 triệu đồng/m2; giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tối đa 167,9 triệu đồng/m2.

Ngày 11/11, Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đã có văn bản gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TPHCM đóng góp ý kiến về khung giá đất cho giai đoạn 2019 – 2024.

Theo đó, HoREA đã nêu ra bất cập trong xây dựng bảng giá đất theo Nghị định 44/2014 như hạn chế tính tự chủ, chủ động, kịp thời và tính chịu trách nhiệm của UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng Bảng giá đất.

Việc không có quy định cho phép UBND cấp tỉnh được quy định mức giá đất thấp hơn so với mức giá tối thiểu của cùng loại đất trong khung giá đất đã dẫn đến một số trường hợp vị trí đất đặc thù trong hẻm sâu của TPHCM kể từ năm 2015 đến nay, khi người dân làm thủ tục xin cấp “sổ đỏ” nhà ở, đã bị tính tiền sử dụng đất ở cao hơn, so với cách tính của năm 2014 trở về trước.

HoREA cho rằng, khi sửa đổi, bổ sung Nghị định 104/2014 để công bố khung giá đất (mới) áp dụng cho giai đoạn từ năm 2019-2024, thì rất cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014 để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ.

Giá đất 2019-2024: Kiến nghị giữ nguyên giá tối thiểu, tăng 1/3 mức giá tối đa - 1
Giá đất giai đoạn 2019-2024: Kiến nghị giữ nguyên giá tối thiểu, tăng 1/3 mức giá tối đa

Qua đó, hiệp hội cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 4 Nghị định 104/2014 về phân vùng kinh tế để xây dựng khung giá đất, thành 12 Vùng, như sau:

Vùng miền núi phía Đông Bắc; Vùng miền núi phía Tây Bắc; Vùng trung du phía Bắc; Vùng đồng bằng sông Hồng; Vùng Bắc Trung bộ; Vùng duyên hải Trung Trung bộ; Vùng duyên hải Nam Trung bộ; Vùng Bắc Tây nguyên; Vùng Nam Tây nguyên; Vùng Đông Nam bộ; Vùng đồng bằng Bắc sông Hậu; Vùng đồng bằng Nam sông Hậu.

Riêng tại TPHCM, HoREA đưa ra 3 phương án kiến nghị khung giá đất đối với loại đô thị đặc biệt. Tuy nhiên, phương án mà HoREA cho là khả thi nhất chính là cần phải giữ nguyên mức giá tối thiểu và tăng khoảng 1/3 mức giá tối đa so với mức giá hiện nay.

Như vậy, khung giá đất ở: Giá tối thiểu: 1,5 triệu đồng/m2; Giá tối đa: 215,4 triệu đồng/m2.

Khung giá đất thương mại, dịch vụ: Giá tối thiểu: 1,2 triệu đồng/m2; Giá tối đa 172,3 triệu đồng/m2.

Khung giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp không phải là đất thương mại, dịch vụ: Giá tối thiểu: 900 nghìn đồng/m2; Giá tối đa 129,2 triệu đồng/m2.

Căn cứ theo phương án này và Nghị định 44/2014, TPHCM có thể quy định bảng giá đất với mức giá đất cao hơn nhưng không quá 30% so với khung giá đất.

Theo đó, giá đất tối đa trong bảng giá đất có thể là: Giá đất ở tối đa 280 triệu đồng/m2; Giá đất thương mại, dịch vụ tối đa 223,9 triệu đồng/m2; Giá đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp tối đa 167,9 triệu đồng/m2.

Quế Sơn