1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Doanh nghiệp xây nhà cho người lao động ở rồi khấu trừ tiền lương: Tại sao không?

(Dân trí) - Nhằm tạo điều kiện cho người lao động có điều kiện sở hữu nhà ở và yên tâm làm việc, ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Phong Phú đề xuất các doanh nghiệp hỗ trợ thanh toán bằng nhiều hình thức như đóng trước 20% đến 30%, phần còn lại trừ vào lương theo tiến độ nhiều năm để người lao động có đủ tiền vừa trả tiền nhà vừa trang trải cuộc sống.

Vay ngân hàng khó trả nợ “đúng hẹn”

Tại hội thảo "Giải pháp an cư cho công nhân lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam" vừa được tổ chức tại TPHCM, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TPHCM cho rằng, ở các đô thị lớn, người lao động nhập cư chiếm phần đông dân số điển hình như TPHCM hay các tỉnh thành lân cận có các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN – KCX) lớn như Long An, Đồng Nai, Bình Dương… vấn đề sở hữu nhà ở trở thành một trong những vấn đề bức thiết, nhất là đối với lực lượng công nhân lao động đông đảo.

Tuy nhiên, với khả năng tài chính hạn chế và mức phí sinh hoạt đắt đỏ tại các đô thị, cơ hội để công nhân lao động có thể sở hữu nhà ở là rất ít. Cụ thể, TPHCM hiện có khoảng 187.000 doanh nghiệp, trong đó có 1.100 doanh nghiệp với 377.000 công nhân lao động đang làm việc trong 17 khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và 21 cụm công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay Thành phố mới chỉ giải quyết được 15% nhu cầu về nhà ở của công nhân. 

Doanh nghiệp xây nhà cho người lao động ở rồi khấu trừ tiền lương: Tại sao không? - 1
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, với mức sinh hoạt phí đắt đỏ tại các đô thị lớn, thu nhập chỉ ở mức trung bình của công nhân lao động thường không đảm bảo được khả năng trả nợ theo kế hoạch cho ngân hàng nếu họ vay vốn ngân hàng.

Tương tự, tỉnh Long An có 16 khu công nghiệp, 20 cụm công nghiệp đang hoạt động, với hơn 10.100 doanh nghiệp và khoảng 300 ngàn lao động trong, ngoài tỉnh. Thế nhưng, việc xây dựng nhà ở cho công nhân đáp ứng chưa được 2 - 3% nhu cầu.

Theo ông Minh, thực tế cho thấy nguồn cung nhà ở xã hội dành cho đối tượng công nhân lao động hiện nay chỉ mới đáp ứng được một phần nhu cầu thực tế của thị trường. Trong khi đó, việc triển khai xây dựng các dự án nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp vẫn còn chậm, do các chính sách đối với đối tượng này mới được hoàn thiện, cần thời gian để phổ biến và đi vào thực tế, cần nguồn lực tài chính lớn phải huy động xã hội hóa.

Mặt khác, một trong những nguyên nhân cơ bản gây khó khăn cho người lao động tại các đô thị trong việc sở hữu nhà ở là khó khăn về điều kiện và khả năng kinh tế. Một bộ phận khá lớn công nhân lao động không có đủ khả năng tài chính để đầu tư sở hữu những tài sản có giá trị lớn như nhà ở. Do đó, người lao động có thể chọn giải pháp vay vốn ngân hàng để mua nhà.

“Một giải pháp phổ biến có thể cân nhắc là vay vốn ngân hàng, tuy nhiên với mức sinh hoạt phí đắt đỏ tại các đô thị lớn, thu nhập chỉ ở mức trung bình của công nhân lao động thường không đảm bảo được khả năng trả nợ theo kế hoạch cho ngân hàng”, ông Minh nói.

Đề xuất bán nhà khấu trừ tiền lương

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Trình, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Phong Phú (Tổng công ty) cho rằng, tình trạng công nhân thiếu chỗ ở ổn định đang ngày càng gia tăng mạnh mẽ theo tốc độ phát triển công nghiệp tại Việt Nam.

Trong khi đó, chỗ ở tạm bợ, không bảo đảm điều kiện sống tối thiểu gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của công nhân và gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội tại nhiều khu công nghiệp. Chính vì vậy, việc giải quyết, đáp ứng chỗ ở ổn định cho công nhân lao động là rất cấp bách và cần thiết.

Lấy ví dụ thực tế tại công ty mình, ông Trình cho hay, để tạo động lực giữ chân người lao động gắn bó lâu dài nên từ năm 2007, Tổng công ty đã đầu tư xây dựng chung cư Nhân Phú có tổng cộng 197 căn hộ, có diện tích từ 50m 2 đến 65m 2 để bán ưu đãi cho CBCNV với giá 9 triệu đồng/m2.

Doanh nghiệp xây nhà cho người lao động ở rồi khấu trừ tiền lương: Tại sao không? - 2
Ông Phạm Xuân Trình đề xuất doanh nghiệp hỗ trợ thanh toán bằng nhiều hình thức như đóng trước 20% đến 30%, phần còn lại trừ vào lương theo tiến độ nhiều năm để người lao động có đủ tiền vừa trả tiền nhà vừa trang trải cuộc sống.

Theo đó, người lao động tại công ty này chỉ cần thanh toán 20% nhận nhà, 80% còn lại Tổng Công ty đứng ra bảo lãnh vay ưu đãi ngân hàng, cho công nhân lao động trả dần từ 10 đến 15 năm tùy theo thu nhập để bảo đảm số còn lại đủ trang trải cuộc sống. Còn đối với một số trường hợp công nhân không đủ tiền mua nhà theo chế độ ưu đãi, Tổng Công ty hỗ trợ giải quyết cho thuê ở ổn định lâu dài với chi phí thấp.

Qua đó, ông Trình cũng đề xuất các doanh nghiệp cần xem xét hỗ trợ thanh toán cho người lao động, nhằm tạo điều kiện cho họ có điều kiện sở hữu nhà ở và yên tâm làm việc.

“Hỗ trợ thanh toán bằng nhiều hình thức như đóng trước 20% đến 30%, phần còn lại trừ vào lương theo tiến độ nhiều năm để người lao động có đủ tiền vừa trả tiền nhà vừa trang trải cuộc sống. Đồng thời, doanh nghiệp phải tìm vốn vay giá rẻ dài hạn, bảo lãnh cho công nhân vay giá rẻ dài hạn, bảo lãnh cho công nhân vay thông qua ngân hàng (nếu cần)”, ông Trình nói

Tuy nhiên, theo ông Trình, song song với việc hỗ trợ người lao động mua nhà thì các doanh nghiệp cũng phải xây dựng tiêu chuẩn và điều kiện được mua nhà, thời gian làm việc của công nhân được mua nhà với doanh nghiệp.

Quế Sơn