1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Doanh nghiệp chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc: Bất động sản công nghiệp Việt Nam hưởng lợi

(Dân trí) - CBRE dự báo nguồn cung bất động sản công nghiệp tại Việt Nam ở khắp Việt Nam tăng trưởng để hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc.

Doanh nghiệp chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc: Bất động sản công nghiệp Việt Nam hưởng lợi - 1

Nhà máy dịch chuyển từ Trung Quốc sang sẽ làm gia tăng nguồn cầu về bất động sản công nghiệp .

CBRE vừa có báo cáo về xu hướng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, theo đó chỉ ra hàng loạt những lợi ích cho bất động sản công nghiệp Việt Nam.

Trong năm 2018, CBRE ghi nhận sự gia tăng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam.

Theo hãng nghiên cứu, xu hướng này không quá mới khi chi phí sản xuất tại Trung Quốc tiếp tục tăng, khiến cho việc di dời dường như trở thành một sự lựa chọn khả thi về mặt tài chính đối với nhiều nhà sản xuất. Tuy nhiên, vẫn còn có một số nguyên nhân chính khác đáng để được nhấn mạnh.

Theo kết quả khảo sát được thực hiện bởi UBS Evidence Lab vào tháng 11/2018 đã thống kê một số động cơ chính thúc đẩy sự dịch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc dựa trên phản hồi từ hơn 200 công ty sản xuất có lượng xuất khẩu đáng kể hoặc cung cấp cho các nhà xuất khẩu từ Trung Quốc.

Theo CBRE, trong tương quan đến quy mô kinh tế của các nước ASEAN, Việt Nam có thể sẽ được hưởng lợi từ sự dịch chuyển sản xuất này do các chỉ số kinh tế quan trọng của Việt Nam như tăng trưởng GDP, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, lạm phát vẫn duy trì ở mức tích cực trong khi chính phủ tiếp tục đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng và giúp cho những nhà sản xuất tiếp cận được tốt hơn đến với các thị trường xuất khẩu chính bằng việc tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương.

"Các yếu tố này ngày càng quan trọng hơn trong khi tính cạnh tranh của Việt Nam về chi phí đầu tư đất và lao động so với Trung Quốc và các nước láng giềng khác đã được chỉ ra trong nhiều khảo sát tiếp tục được duy trì", CBRE cho biết.

Trong vài năm trở lại đây, Chính phủ Việt Nam đã chi hàng tỷ USD cho việc cải thiện cơ sở hạ tầng để giúp thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Thực tế, theo thống kê bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á & Bloomberg, đầu tư vào cơ sở hạ tầng của khu vực công và tư của Việt Nam đạt trung bình 5,7% GDP trong những năm gần đây, cao nhất Đông Nam Á.

Xu hướng này cho thấy sự thành công trong việc cải thiện các dự án hạ tầng trọng điểm như những tuyến đường cao tốc mới, mở rộng các cảng biển và sân bay, đã thu hút các chủ đầu tư khu công nghiệp xây dựng mới hoặc mở rộng các khu công nghiệp gần các cơ sở hạ tầng này, và đổi lại, các chủ đầu tư khu công nghiệp có thể giới thiệu các dự án cơ sở hạ tầng mới này như một phần của đề nghị của họ để thu hút các khách thuê từ Trung Quốc (được nêu ở cuộc khảo sát ở trên ví dụ như cơ sở hạ tầng tốt hơn).

Cùng với đó, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định song phương và đa phương với các quốc gia khác nhau giúp xóa bỏ các rào cản thương mại giữa các nước thành viên, giúp thu hút các doanh nghiệp thiết lập quy trình sản xuất tại Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế khi xuất khẩu tới thị trường các nước thành viên.

Dự báo cho các quý còn lại năm 2019 và cả năm 2020, CBRE dự báo nguồn cung bất động sản công nghiệp tại Việt Nam ở khắp Việt Nam tăng trưởng để hưởng lợi từ việc dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc.

Để phục vụ cho nhu cầu ngày càng tăng, các chủ đầu tư bất động sản công nghiệp nước ngoài có thể tìm đến những đối tác trong nước với kinh nghiệm và quỹ đất lớn để giúp quá trình thâm nhập thị trường của họ được diễn ra nhanh.

Ngoài ra, với thị trường và khách thuê đang ngày càng am hiểu thị trường, chủ đầu tư cũng đa dạng sản phẩm cho thuê gồm đất cho thuê, nhà xưởng và kho xây sẵn cho thuê, bán xưởng và bán và cho thuê lại để mang lại nhiều giá trị hơn cho khách hàng.

Tại một số vị trí chiến lược nhất định, CBRE cũng nhận thấy nhà xưởng xây sẵn cũng đang thay đổi, với nguồn cung dịch chuyển từ nhà xưởng một tầng truyền thống thông thường sang nhà xưởng cao tầng, khoảng từ 2 đến 6 tầng. Dù hiện tại nguồn cung nhà xưởng cao tầng còn hạn chế, đây có thể sẽ là một xu hướng mới khi Việt Nam mong muốn thu hút các ngành công nghệ cao và công nghiệp nhẹ vốn đòi hỏi nhà xưởng chất lượng cao.

Phương Dung