1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Dịch bệnh do virus corona đang làm thị trường địa ốc đảo lộn

Cùng với tình hình nguồn cung trong năm 2020 chưa được đánh giá khả quan, dịch bệnh do virus corona đang ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động chào bán, giới thiệu sản phẩm của nhiều doanh nghiệp địa ốc trên thị trường.

Hoãn mở bán, tổ chức sự kiện

Tuần qua, virus corona đang là “từ khóa” hiện diện ở tất cả lĩnh vực đời sống hiện nay. Những lo sợ về một đại dịch đã bước đầu gây những ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh sản xuất của nhiều ngành nghề, và bất động sản cũng không ngoại lệ.

Nói về virus Corona, ông Trần Hiếu, Phó Tổng GĐ Công ty DKRA tỏ ra lo ngại khi nói, nhiều kế hoạch bị đảo lộn, nhất là việc bán hàng, kinh doanh do đặc thù của ngành bất động sản là bán hàng tập trung.

Ông Hiếu cho hay, khoảng 1 tuần, nửa tháng hoặc 1 tháng, nhân viên kinh doanh sẽ đi chào mời sản phẩm với khách hàng. Sau đó sẽ có một ngày bán hàng tập trung, như vậy kinh doanh mới hiệu quả. Thế nhưng, với việc dịch bệnh đang diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại như hiện nay thì việc bán hàng tập trung là không khả thi vì ai cũng lo, không muốn đến chỗ đông người vì sợ lây bệnh.

“Công ty đã dời hoặc hủy nhiều kế hoạch bán hàng tập trung vì khó kêu gọi khách hàng tham dự. Hiện tất cả các kế hoạch kinh doanh đều phải hoãn lại hết, rất khó khăn”, ông Hiếu nói.

Dịch bệnh do virus corona đang làm thị trường địa ốc đảo lộn - 1

Nhiều sự kiện mở bán, giới thiệu dự án bất động sản bị hoãn virus corona. (ảnh minh hoạ)

Với dịch bệnh virus corona, nhiều chuyên gia nhận định, bất động sản nghỉ dưỡng sẽ là phân khúc chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, đến cuối năm 2018, cả nước còn tồn hơn 20.000 căn hộ condotel. Nếu tính cả nguồn cung đang xây dựng, sẽ hoàn thành vào cuối năm 2019, ước tính sẽ khoảng 30.000 căn hộ condotel.

Nhiều khó khăn trên cho thấy, lượng hàng tồn kho Condotel đang lớn dần. Bởi vậy, đã xuất hiện tâm lý e ngại, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch bán hàng của các doanh nghiệp.

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương, du lịch là ngành dễ bị tổn thương do tác động tiêu cực từ dịch bệnh. Trong những tuần qua, các khách sạn đã và đang nhận được một lượng lớn yêu cầu hủy phòng, không chỉ từ các nhóm khách đoàn, khách công tác mà cả các đối tượng khách lẻ.

Thị trường còn nhiều khó khăn

Theo nhận định của DKRA Việt Nam, năm 2020, tình hình thị trường sẽ có nhiều điểm tương đồng năm 2019. Nguồn cung mới không có sự đột biến và không quá dồi dào trong khi sức cầu vẫn cao, đặc biệt ở các phân khúc đất nền, căn hộ, nhà phố, biệt thự. Theo đại diện đơn vị này, với bối cảnh nguồn cung chưa khả quan thì những dự án đủ điều kiện để bung hàng mở bán sẽ có lợi thế nhất định về sức mua, thậm chí có thể về giá bán.

Thị trường trong năm 2020, các phân khúc nhìn chung vẫn tiếp tục khan hiếm. Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung có thể sẽ duy trì ở mức tương đương năm 2019, dao động khoảng 25,000 căn, tập trung ở các dự án có quy mô lớn. Khu Đông và khu Nam của TP. HCM tiếp tục duy trì tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn cung mới. 

Dịch bệnh do virus corona đang làm thị trường địa ốc đảo lộn - 2

Nhiều dự án bất động sản vướng mắc về pháp lý dẫn tới tình trạng đình trệ

Ngoài ra, đa số chuyên gia trong ngành nhận định về thị trường bất động sản năm 2020 đều cho rằng, đất nền và nhà liền thổ vẫn sẽ là kênh hấp dẫn người mua do lợi nhuận cao, và đáp ứng nhu cầu tiết kiệm, để dành khi có nguồn tiền nhàn rỗi. Tuy vậy, thị trường bất động sản 2020 đòi hỏi những đột phá về cải thiện chính sách, pháp lý liên quan đến quy trình, thủ tục phê duyệt hồ sơ dự án… kịp thời tạo điều kiện cho nguồn cung mới ra thị trường.

Điển hình là vướng mắc về pháp lý. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho hàng trăm dự án bị ngưng trệ, không thể triển khai, kéo theo hệ lụy là nguồn cung mới khan hiếm và đẩy giá bán tăng cao. Do đó, trong năm 2020, nếu điểm nghẽn này không được tháo gỡ thì thị trường rất khó trỗi dậy.

Mới đây, một đại gia địa ốc tại TP.HCM - doanh nghiệp đang sở hữu trong tay hàng chục dự án bất động sản lớn - đã phải gửi đơn “cầu cứu” Bộ trưởng Bộ Xây dựng để gỡ khó cho một dự án của doanh nghiệp này đã phải “chôn chân” suốt hai năm vì những vướng mắc về pháp lý. Thậm chí, doanh nghiệp này còn khẳng định, nếu không được sớm triển khai dự án, thì sẽ dẫn tới mất khả năng thanh khoản, tạo ra hệ lụy khó lường.

Theo Minh Khôi

Dân Việt