Đại gia Việt "bỏ phố, về quê", xây nhà bạc tỷ để hưởng thụ

(Dân trí) - Không khí ô nhiễm, hạ tầng giao thông quá tải trong nội đô khiến không ít đại gia Việt sẵn sàng chi vài chục tỷ đồng, mua đất, làm nhà ở ngoại thành, tận hưởng môi trường trong lành, ít khói bụi.

"Nhà giàu cũng bỏ phố về quê"

Ở 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM đang hình thành một xu hướng dịch chuyển dân cư khá kỳ lạ. Theo đó, tầng lớp có thu nhập thấp đang đổ xô về thành phố để kiếm việc làm. Ngược lại, tầng lớp có thu nhập cao lại có xu hướng ngược lại “bỏ phố về quê”.

Cụ thể, với tầng lớp thượng lưu mới, nhu cầu ở không chỉ dừng lại một căn biệt thự sang trọng trong trung tâm thành phố xa hoa, mà họ còn có yêu cầu cao hơn nữa là được sống hưởng thụ với không khí trong lành, được thư giãn sau những ngày làm việc căng thẳng.

Trao đổi với PV báo Dân Trí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam nhận định, đây là xu hướng chuyển dịch tất yếu của đời sống, xã hội.

Trong tương lai, thị trường bất động sản khu vực ngoại thành các thành phố lớn sẽ có nhiều cơ hội phát triển và bứt phá.

Đại gia Việt bỏ phố, về quê, xây nhà bạc tỷ để hưởng thụ - 1

Với tầng lớp thượng lưu mới, nhu cầu ở không chỉ dừng lại một căn biệt thự sang trọng trong trung tâm thành phố xa hoa, mà họ còn có yêu cầu cao hơn nữa là được sống hưởng thụ với không khí trong lành Ảnh: V.V

Ông Nguyễn Thành Đang (62 tuổi), một doanh nhân trong lĩnh vực cơ khí có cùng quan điểm như trên. Vào những ngày đầu tuần, ông Đang vẫn ở trong căn biệt thự sang trọng tại quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) để tiện phục vụ trong công việc công sở hằng ngày.

Tuy nhiên, vào tối thứ 6 hàng tuần, ông Đang cùng vợ lại trở về nhà vườn ở Thạch Thất để nghỉ ngơi, hòa mình vào cuộc sống bình yên, với hàng cây xanh, chim chóc.

Đại gia Việt bỏ phố, về quê, xây nhà bạc tỷ để hưởng thụ - 2

Nhiều khu đô thị xanh ven đô với không gian sống trong lành, chan hòa với thiên nhiên cũng được nhiều người chọn lựa

Trong khu vườn “nhỏ” gần 1.000 m2 của ông Đang, 4 bề đều có cây trái, từ các giống cây rau, cho tới hàng cây ăn quả. Trong vườn, ông Đang còn thả vài chục con gà, đào ao thả cá. Nhiều người thấy ông Đang làm nông, không ai nghĩ ông là một "sếp" lớn.

“Nếu ở trong thành phố, rất khó có tìm được mảnh đất rộng 1.000 m2 để làm vườn và chăn nuôi”, ông Đang khẳng định.

Không chỉ ông Đang, rất nhiều đại gia ở nhiều lĩnh vực, độ tuổi khác nhau cũng đang có xu hướng mua thêm nhà thứ 2, thứ 3 để cuối tuần về nghỉ ngơi.

Anh Hoàng Dũng (SN 1989), một doanh nhân thành đạt trong lĩnh vực công nghệ cao cũng vừa “tậu” cho gia đình một thửa đất gần 800 m2 tại Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 40 km.

Vào ngày đầu tuần, anh Dũng thuê 1 người giúp việc để quét dọn và 1 người bảo vệ 24/24 giờ với mức lương 5 triệu đồng/ tháng.

"Sau một thời gian trải nghiệm không khí nông thôn, tôi cảm thấy rất thích và có thể một ngày nào đó sẽ chuyển hẳn về đây sinh sống thay vì chỉ về vào cuối tuần”, anh Dũng quả quyết.

Quan điểm “chỉ nhà nghèo mới về quê ở” là sai lầm

Bà Hoàng Nhung, một chuyên viên tư vấn bất động sản cho biết, ở các thành phố lớn hiện nay đang quá tải, mật độ đô thị, giao thông dày đặc, không khí ô nhiễm nên xu hướng mua thêm nhà ở nông thôn, cuối tuần về nghỉ ngơi là điều tất yếu.

Đại gia Việt bỏ phố, về quê, xây nhà bạc tỷ để hưởng thụ - 3

Quan điểm “chỉ có nhà nghèo mới về quê ở” là sai lầm.

Trong đó, giới nhà giàu Hà Nội hiện có 2 xu hướng mua nhà. Thứ nhất là mua đất nền xây dựng nhà cửa ở các khu vực Sơn Tây, Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai, Thạch Thất,... do đáp ứng được tiêu chí "họa sơn, hướng thủy" có sông, có núi.

“Với xu hướng này, đa phần là các doanh nhân trung tuổi. Họ không nhất thiết là ở trong ngôi nhà quá đắt tiền, có thể chỉ là ngôi nhà cấp 4, tuy nhiên vườn tược là điều nhất quyết phải có, để làm vườn, trồng rau”, bà Nhung nói.

Thứ hai là tìm tới các dự án bất động sản cao cấp, bất động sản nhà vườn ở các khu vực như Gia Lâm, Thanh Trì, Hoài Đức.

“Đối với tiêu chí thứ 2, đa phần là các doanh nhân trẻ, họ mong muốn được sống hưởng thụ đúng nghĩa, bên cạnh biệt thự hạng sang cao cấp, giới thượng lưu trẻ luôn cần các tiện ích đi kèm như khu vui chơi, giải trí, quán bar,...”, bà Nhung nói thêm.

Đồng quan điểm, KTS Hoàng Sang cho rằng, quan điểm “chỉ có nhà nghèo mới về quê ở” là sai lầm.

Theo khảo sát, giá nhà đất tại các quận trung tâm Hà Nội trong 4 năm (từ 2015 - 2018) tăng bình quân 7 - 17%, trong khi các huyện ven đô như Hà Đông, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm Đông Anh, Gia Lâm đã tăng 19%. 

“Hiện nay, đất ở vùng nông thôn đã không còn rẻ như 5 - 10 năm trước. Nếu như trước đây, ở vùng Quốc Oai, mỗi m2 đất chỉ có vài triệu đồng, thì nay đã tăng lên 5 - 10 triệu đồng/ m2, thậm chí có nơi giá đất còn tương đương trong thành phố. Như thế thì không thể gọi là nghèo”, ông Sang nói.

Việt Vũ