Đại diện Bộ Xây dựng: "Pháp luật Việt Nam không có thuật ngữ condotel hay officetel"

(Dân trí) - Theo đại diện Bộ Xây dựng, condotel hay officetel là thuật ngữ 'lai" nước ngoài mà chúng ta thường quen gọi, hiện hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam không có thuật ngữ này.

Đại diện Bộ Xây dựng: Pháp luật Việt Nam không có thuật ngữ condotel hay officetel - 1

Pháp lý dành cho những "đứa con lai" như condotel hay officetel vẫn còn bỏ ngỏ.

Tại Họp báo quý I của Bộ Xây dựng diễn ra chiều 9/4, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (BĐS) cho biết, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hay các văn bản, nghị định, thông tư của Việt Nam hiện không có thuật ngữ condotel, officetel.

“Đây là thuật ngữ 'lai" nước ngoài mà chúng ta thường quen gọi”, ông Ninh nói.

Theo ông Ninh, căn hộ nghỉ dưỡng (còn gọi là condotel) hay biệt thự nghỉ dưỡng được xếp vào loại hình cơ sở lưu trú du lịch và được quản lý theo pháp luật về du lịch, cơ quan chủ quản là Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch.

“Những tổ chức, cá nhân kinh doanh căn hộ du lịch và biệt thự du lịch là kinh doanh có điều kiện và phải được cấp phép của Tổng cục du lịch mới được kinh doanh”, ông Nguyễn Trọng Ninh nhấn mạnh.

Về phía Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Trọng Ninh cho biết, Bộ Xây dựng có trách nhiệm nghiên cứu về quy chuẩn tiêu chuẩn của những loại hình bất động sản mới này.

"Bộ đang nghiên cứu quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn của loại hình này để ban hành trong thời gian tới. Còn liên quan đến những vướng mắc, bất cập trong thời gian qua về chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận cho căn hộ nghỉ dưỡng hay căn hộ văn phòng, Chính phủ đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì để nghiên cứu vấn đề này”, ông nói thêm.

Tại một diễn đàn bất động sản tổ chức tuần trước, ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VnREA) đánh giá, cho đến thời điểm này, vấn đề pháp lý cho "đứa con lai" condotel vẫn chưa được giải quyết là rào cản rất lớn đang ảnh hưởng đến lĩnh vực du lịch và phát triển bất động sản du lịch.

"Nhiều hội thảo bàn về tính pháp lý cho condotel được diễn ra. Nhiều kiến nghị đã được đặt lên bàn của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan. Điều trớ trêu là các bộ, ngành đều đồng ý nhưng không ông nào chịu ra văn bản, ông này đùn đẩy cho ông khác", ông Nam nói.

Ông cũng chia sẻ: "Đến thời điểm năm 2018 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng có chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch… giải quyết vấn đề này, nhưng khi được chúng tôi hỏi lại thì đều trả lời: đang xem xét. Ngày 1/4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký văn bản, trong đó có giao Bộ Xây dựng giải quyết thủ tục pháp lý cho các loại hình condotel, officetel… Tuy nhiên, cách đây vài ngày, khi gọi điện cho Bộ Xây dựng thì Bộ nói chưa nhận được".

Hơn nữa, mới đây, Chính phủ vừa xin lùi trình dự án sửa đổi Luật Đất đai khiến nhiều nhà đầu tư tiếp tục lo ngại cho số phận của condotel (căn hộ khách sạn) bởi dù phát triển nhiều năm nay nhưng loại hình này vẫn chưa có khung pháp lý rõ ràng. 

Trao đổi với báo chí trước đó, đại diện Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, về bản chất condotel là một loại khách sạn. Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, sở hữu với những công trình khách sạn phải theo tính chất sử dụng đất mà bất động sản đứng chân.

Đại diện Bộ Xây dựng cũng cho hay, đang triển khai nhằm sớm đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn đối với các loại hình bất động sản nêu trên. Hiện tại, các dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Quy hoạch đô thị, trong đó đã có đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý, kinh doanh các loại hình căn hộ này.

Đánh giá về loại hình bất động sản này, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, lợi nhuận đầu tư, kinh doanh condotel hiện rất cao nhưng lại không đảm bảo tính pháp lý nên quyền lợi người mua yếu, rủi ro rất cao. Chủ đầu tư bán condotel là bán nhà ở hình thành trong tương lai nhưng trên khía cạnh pháp lý, trách nhiệm chủ đầu tư chưa được ràng buộc. Luật Đất đai đã quy định rõ về thời gian giao đất, cho thuê đất đối với các tổ chức để thực hiện các dự án đầu tư không quá 50 năm.

“Dự án du lịch nghỉ dưỡng, căn hộ condotel thuộc đối tượng được sử dụng đất có thời hạn vì không phải là dự án nhà ở.  Do vậy, chủ đầu tư cam kết với khách hàng sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài đối với condotel là không phù hợp quy định của Luật Đất đai”, ông Châu nói.

Trong khi chờ đợi sửa đổi bổ sung một số điều về Luật Đất đai 2013, theo ông Châu, Bộ Xây dựng phải có biện pháp yêu cầu chủ đầu tư dự án condotel có trách nhiệm công khai đầy đủ thông tin về dự án, về quyền sở hữu condotel và quyền sử dụng đất có thời hạn khi bán condotel cho nhà đầu tư thứ cấp để tránh nhầm lẫn.  

Phương Dung