1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

"Có thể ký nhưng không dám ký": Nguyên nhân khiến hàng trăm dự án BĐS "ách tắc"

(Dân trí) - Chuyên gia chỉ ra rằng, những vướng mắc pháp luật là có nhưng không lớn như hiện nay mà vấn đề nằm ở thực thi ở các địa phương. Trong bối cảnh chống tham nhũng tạo nên các mầm mống "không dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ thực thi".

Có thể ký nhưng không dám ký: Nguyên nhân khiến hàng trăm dự án BĐS ách tắc - 1

Liên quan tới những chồng chéo trong quy định quản lý đất đai và nhà ở gây khó khăn cho doanh nghiệp, tại hội thảo vừa diễn ra, bà Hoàng Thị Vân Anh - Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên Môi trường cho biết, Quốc hội đã đưa dự án Luật Đất đai vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

"Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật Đất đai vào kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá 14 dự kiến khai mạc vào 21/10 tới. Lần sửa đổi bổ sung Luật Đất đai lần này, một trong những mục tiêu đầu tiên mà Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ cố gắng giải quyết những nội dung chưa đồng bộ thống nhất giữa Luật Đất đai với các bộ luật khác liên quan", bà Vân Anh nói.

Bên cạnh đó, bà Vân Anh cũng cho hay, Bộ sẽ giải quyết các nội dung mà các đơn vị phản ánh là những khoảng trống mà pháp luật chưa có điều chỉnh, hoặc những quy định có bất cập, vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn. 

Về phía Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Hoàng Hải – Cục trưởng Cục Công tác phía Nam Bộ Xây dựng cho biết, trong thẩm quyền của Bộ Xây dựng, Bộ đang tiến hành sửa đổi Luật Xây dựng – một trong 9 luật liên quan đến các hoạt động đầu tư xây dựng.

"Liên quan đến việc này, đầu tháng 8 qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp với VCCI tổ chức một Diễn đàn rồi và Luật Xây dựng lần này sẽ được cải cách theo 3 nhóm chính sách: Thứ nhất là cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; thứ hai là đơn giản hóa, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh; thứ ba là phản biện các hệ thống pháp luật, đồng bộ với các pháp luật khác", ông Hải thông tin.

Ông cũng sơ lược một số nội dung chính trong Luật Xây dựng sẽ được tiếp thu, điều chỉnh trong thời gian tới bao gồm: tích hợp các thủ tục thẩm định thiết kế, cấp phép thủ tục xây dựng đối với các công trình sử dụng vốn khác; tích hợp việc thẩm định thiết kế và cấp phép xây dựng, tiến tới có thể là có thể bỏ cấp phép xây dựng. Bên cạnh đó, một số điều kiện kinh doanh, ví dụ như cấp chứng chỉ hành nghề, thiết kế, giám sát các dự án…

Nói về nguyên nhân gây tắc nghẽn trong triển khai các dự án của thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản TPHCM đang khó khăn, không phải do doanh nghiệp, không phải người tiêu dùng, mà khó khăn là do cơ chế, chính sách.

"Khâu thấu hiểu, thực thi pháp luật là vấn đề rất lớn ở TPHCM. Đã có những dự án bị dừng vì chồng chéo luật. Cụ thể, chúng tôi tổng hợp có 170 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa thể triển khai do vướng mắc về quy định pháp luật, trong đó có 120 dự án vướng do liên quan đến đất hỗn hợp", ông nói.

Theo ông Châu, để làm một dự án, doanh nghiệp mất 5 năm giải phóng mặt bằng, chuẩn bị đầu tư 3 năm, thi công 2 năm tổng cộng tất cả là 10 năm. Chưa có doanh thu, áp lực tài chính lớn... chính vì vậy chính sách nên chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp.

Theo bà Hoàng Thị Vân Anh, vấn đề không phải ở Luật mà ở thực thi, ví dụ 1 dự án bất động sản có kênh rạch xen kẽ thì hoàn toàn thẩm quyền của địa phương có thể giải quyết được.

"Các địa phương còn lo ngại đất công phải đấu giá nên lại đẩy văn bản Bộ. Nhưng trường hợp dự án đất công thì phải phù hợp theo từng địa phương, ví dụ đất công xen kẽ 1 chút kênh rạch thì hoàn toàn có thể thu hồi giao cho nhà đầu tư được. Do đó, càn có chấn chỉnh trong kế hoạch thi hành", bà Vân Anh nói. 

Hay như trong trường hợp xin gia hạn sử dụng đất, bà Vân Anh cho hay, khi chiếu luật lại không thuộc diện được cấp thì chỉ cần doanh nghiệp có đơn tích kê khai thời hạn sử dụng thêm là địa phương có thể giải quyết. Địa phương cần có hướng dẫn thực hiện, không thể cứ thẩm quyền của mình nhưng cứ đẩy lên Bộ và mất rất nhiều thời gian trả lời. 

"Về hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, Bộ đã có sửa đổi liên quan đặc biệt đất công sẽ chi tiết hơn để địa phương rộng đường, tự tin quyết định", bà nói.

Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cũng cho rằng, những vướng mắc pháp luật là có nhưng không lớn như hiện nay mà vấn đề nằm ở thực thi ở các địa phương.

"Đặc biệt, hiện nay chúng ta đang đẩy chống tham nhũng lên cao. Nhưng còn mầm mống "không dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ thực thi. Đó là cái làm cho mọi người có thể “ký” được nhưng không dám ký", ông Võ nói.

Theo ông Võ, đây có thể là lý do các dự án của TPHCM, Đà Nẵng hiện đang "vướng" nhiều hơn các địa phương khác. "Nói chung, các địa phương đã xảy ra các vụ việc liên quan đến đất đai đang bị xử lý thì các dự án triển khai đều có dấu hiệu chậm lại", ông nhấn mạnh.

Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

 Phương Dung