Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa: Ở Việt Nam, không cho vay bất động sản thì cho cái gì vay?

(Dân trí) - “Nhiều nhà quản trị ngân hàng nói với tôi rằng, nếu không cho vay bất động sản thì cho vay gì? Các thị trường khác rủi ro lớn hơn rất nhiều", TS. Lê Xuân Nghĩa nói tại diễn đàn Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020.

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa: Ở Việt Nam, không cho vay bất động sản thì cho cái gì vay? - 1
Ông Lê Xuân Nghĩa: Nguồn vốn ngân hàng thực sự vẫn rất quan trọng với bất động sản.

Quan ngại vốn tín dụng đang chảy mạnh vào bất động sản sẽ tạo rủi ro cho nền kinh tế, Ngân hàng Nhà nước nhanh chóng điều chỉnh cơ cấu cho vay bất động sản theo hướng siết chặt hơn.

Nhiều quan điểm cho rằng động thái này là cần thiết để bớt rủi ro cho thị trường. Tuy nhiên, TS. Lê Xuân Nghĩa – một chuyên gia kinh tế - lại không cho rằng như vậy.

Tại diễn đàn Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020 do VnEconomy tổ chức diễn ra sáng nay (19/12), ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, bất động sản có cơ hội lớn và dài hạn. Nếu không cho lĩnh vực này vay thì cho ai vay?

Ông Nghĩa lý giải, một nghiên cứu cho thấy nếu tính độ mở của nền kinh tế Việt Nam là rất cao, thuộc hàng đầu trên thế giới. Do đó khó có ngành hàng công nghiệp nào có thể cạnh tranh được với các đối thủ từ bên ngoài.

Những "mảnh vải" còn lại, theo ông Nghĩa, còn nhiều cơ hội, lợi thế đó là bất động sản, hàng không và viễn thông. Trong đó, bất động sản là cơ hội lớn và dài hạn, còn lại ít ỏi trong cuộc cạnh tranh khốc liệt để giành thị trường của Việt Nam.

Chuyên gia: Ở Việt Nam, không cho vay bất động sản thì cho vay gì?

“Nhiều nhà quản trị ngân hàng nói với tôi rằng, nếu không cho vay bất động sản thì cho vay gì? Các thị trường khác rủi ro lớn hơn rất nhiều. Còn một vài thị trường chưa mở toang là bất động sản, viễn thông, hàng không, những lĩnh vực này cạnh tranh với nước ngoài còn thấp. Nên ngân hàng không nếu không cho 3 lĩnh vực này vay thì cho ai vay?”, ông Nghĩa nêu vấn đề.

Ông Nghĩa nhấn mạnh, nguồn vốn ngân hàng thực sự vẫn rất quan trọng với bất động sản.

Phát biểu tại diễn đàn về chủ đề siết vốn vay vào bất động sản, chuyên gia Cấn Văn Lực cho biết thời gian qua có khá nhiều ý kiến băn khoăn về Thông tư 22 của Ngân hàng Nhà nước.

“Chính tôi là người đề xuất phải có một thông tư như thế này. Thứ nhất, để định hướng tín dụng vào những chỗ bất động sản gắn với thực tiễn, bớt đầu cơ”, ông Lực nói.

Theo ông Lực, về lâu dài cũng giúp thị trường lành mạnh hơn, bởi Thông tư này sẽ cực kỳ khuyến khích cho vay xay nhà, mua nhà, chữa nhà.

Tuy nhiên đáp lại ý kiến của ông Lực, ông Lê Xuân Nghĩa vẫn cho rằng tỷ lệ vay vào bất động sản hơi thấp. Tiền cho vay mua nhà khoảng 50 tỷ USD, còn nếu cộng các dòng vốn ngoại lai ngoài ngân hàng như kiều hối, trái phiếu… khoảng 11 tỷ USD.

“Chúng ta cần phải coi trọng dòng vốn ngân hàng vào bất động sản, vì đây là dòng vốn dài hạn, đảm bảo cho hệ thống ngân hàng và bất động sản có thể tồn tại được với nhau một cách ổn định. Tất nhiên là ngân hàng phải có sự giám sát chặt chẽ”, ông Nghĩa nói.

Được biết, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, lộ trình "siết" tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản bắt đầu từ năm 2019 với việc giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn dùng cho vay trung, dài hạn từ 45% xuống 40%; tăng hệ số rủi ro từ 150% lên 200%.

Những năm tiếp theo, theo lộ trình dự kiến, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ tiếp tục giảm còn 35% vào năm 2020 và 30% ở năm kế tiếp, đồng thời nâng hệ số rủi ro của ngành này lên 250 - 300%.

Nguyễn Mạnh

Chuyên gia Lê Xuân Nghĩa: Ở Việt Nam, không cho vay bất động sản thì cho cái gì vay? - 2