1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Chủ tịch HoREA: Cán bộ còn nhũng nhiễu doanh nghiệp, sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm

(Dân trí) - HoREA chỉ ra rằng, trách nhiệm thi hành công vụ và năng lực của một số cán bộ công chức nhà nước chưa đạt yêu cầu, trong giải quyết hồ sơ dự án bất động sản.

Chủ tịch HoREA: Cán bộ còn nhũng nhiễu doanh nghiệp, sợ sai, đùn đẩy trách nhiệm - 1

Đánh giá về sự phát triển của thị trường bất động sản, tại Diễn đàn Kinh tế tư nhân vừa diễn ra, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, quy mô thị trường đã tăng trưởng gấp đôi trong 10 năm qua với sự đóng góp chủ yếu của khối doanh nghiệp tư nhân. Trong đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước đang dẫn dắt và thống lĩnh thị trường bất động sản hiện nay.

Tuy nhiên, theo ông Châu, lĩnh vực bất động sản vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, hạn chế. Đầu tiên phải kể tới, môi trường kinh doanh có chuyển biến theo hướng tích cực, nhưng vẫn chưa thật sự minh bạch, lành mạnh, công bằng, bình đẳng.

"Những năm trước đây, đã có hiện tượng hình thành nhóm lợi ích trong lĩnh vực bất động sản, kể cả một số dự án BT được thanh toán đối ứng bằng quỹ đất đô thị, dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền phải thực hiện đợt rà soát, thanh tra, kiểm toán rất quyết liệt trong thời gian vừa qua", ông Châu cho hay.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, doanh nghiệp bất động sản vẫn đang phải đối diện với nhiều rủi ro, thách thức, thậm chí có nguy cơ dẫn đến có thể bị phá sản, do tính thiếu ổn định, khó đoán định về chính sách; do hiện tượng áp dụng “hồi tố” đối với một số trường hợp trong thời gian gần đây.

Hoặc doanh nghiệp không tiên lượng được về chi phí trước khi ra quyết định đầu tư, mà điển hình là tiền sử dụng đất dự án, doanh nghiệp không thể dự đoán được số tiền phải nộp, hoặc lúc nào được nộp...

Đáng lưu ý, ông Châu cho hay, thị trường bất động sản bị giảm quy mô, bị sụt giảm nguồn cung dự án dẫn đến sụt giảm nguồn cung căn hộ, nhà ở, giá cả có xu thế tăng do quy luật cung-cầu (cung ít, cầu nhiều).

Từ tháng 3/2017 đến nay, thị trường bất động sản TPHCM liên tục bị sụt giảm: Năm 2018, quy mô thị trường giảm 34% so với năm 2017. Quý 1/2019, số lượng dự án được Sở Xây dựng phê duyệt giảm đến 67%. Theo Savills, số lượng căn hộ giảm 57% so với quý 1/2018; Thu ngân sách từ tiền sử dụng đất giảm khoảng 70%.

Về nguyên nhân, ông Châu nói: "Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra 3 điểm nghẽn của nền kinh tế là: Điểm nghẽn thể chế; Điểm nghẽn cơ sở hạ tầng; Điểm nghẽn nguồn nhân lực. Đây cũng là những điểm nghẽn của thị trường bất động sản".

Theo đại diện Hiệp hội Bất động sản TPHCM, hệ thống pháp luật chưa thật đồng bộ, còn chồng chéo, mâu thuẫn, chưa đảm bảo tính hệ thống, thống nhất. Ví dụ: Luật Đầu tư ghi tên “Nhà đầu tư” nhưng Luật Quy hoạch đô thị yêu cầu phải là “chủ đầu tư”. Hoặc Luật Đất đai quy định doanh nghiệp có quỹ “đất” thì được thực hiện dự án, nhưng Luật Nhà ở lại quy định phải là “đất ở” mới được công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở.

Ngoài ra, một nguyên nhân nữa còn do công tác thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế, chưa đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Cùng một hệ thống pháp luật như nhau, nhưng có địa phương bị vướng, nhiều địa phương khác lại không bị vướng. Nên hiện nay, nhiều doanh nghiệp có xu thế rời thành phố lớn, chuyển hướng đầu tư về các tỉnh.

Thủ tục hành chính, quy trình hành chính cũng được chỉ ra là còn nhiêu khê, trùng lắp. Ví dụ: Quy trình cấp phép xây dựng lẽ ra phải bao gồm trong đó cả công tác thẩm định thiết kế, nhưng theo Luật Xây dựng và Nghị định 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ lại bị tách ra thành hai quy trình riêng biệt; Lại thêm điểm bất hợp lý nữa là công trình cấp 1 trên 24 tầng, thì “Cục Quản lý các hoạt động xây dựng” Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế cơ sở và thẩm định thiết kế kỹ thuật, nhưng lại phải đưa về Sở Xây dựng cấp phép xây dựng (lẽ ra nên miễn giấy phép xây dựng).

Trách nhiệm thi hành công vụ và năng lực của một số cán bộ công chức nhà nước chưa đạt yêu cầu, trong giải quyết hồ sơ dự án bất động sản. Tình trạng sợ trách nhiệm, sợ sai, đùn đẩy, chuyển lòng vòng, không nêu rõ chính kiến khá phổ biến. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng làm khó, nhũng nhiễu doanh nghiệp.

"TPHCM có một điển hình rất hay là một dự án khu đô thị rất lớn, quy mô hơn 200 ha, mọi thủ tục hành chính được các cơ quan nhà nước từ cấp sở, ngành đến các bộ, ngành trung ương giải quyết rất nhanh, chỉ trong 14 tháng đã có Giấy phép xây dựng, nhưng nhiều dự án khác lại bị chậm trễ. Hiệp hội đề nghị nhân rộng cách làm này để các dự án nhỏ của các doanh nghiệp nhỏ hơn được nhờ và đảm bảo sự công bằng, bình đẳng", ông nói thêm.

Phương Dung