Chủ nhà tăng giá thời Covid-19: Không chỉ trái đạo đức mà còn vi phạm luật?

(Dân trí) - Theo Luật sư Nguyễn Đạt, Đoàn Luật sư Hà Nội, trong đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể dựa vào Bộ Luật Dân sự 2015, yêu cầu chủ nhà giảm hoặc miễn tiền thuê mặt bằng.

Doanh nghiệp “méo mặt” vì tiền thuê mặt bằng

Đại dịch Covid-19 xảy ra khiến nhiều hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều nhà hàng, khách sạn, quán bar, karaoke, trường học, các cơ sở kinh doanh… phải đóng cửa, số ít còn lại chỉ hoạt động cầm chừng, doanh thu âm liên tục trong nhiều tháng. Thiệt hại cho người kinh doanh càng lớn hơn khi phải gồng gánh khoản phí thuê mặt bằng không nhỏ. 

Chủ nhà tăng giá thời Covid-19: Không chỉ trái đạo đức mà còn vi phạm luật? - 1

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhiều cửa hàng kinh doanh phải đóng cửa, trả mặt bằng vì kinh doanh bết bát

Bên cạnh số ít chủ nhà hỗ trợ doanh nghiệp một phần chi phí để duy trì  thì nhiều nơi vẫn kiên quyết từ chối giảm giá thuê.

 Đơn cử, chị Thu Hương (28 tuổi, Hà Nội) hiện đang kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn chia sẻ, cách đây hơn 1 năm, chị Hương cùng một số người bạn cùng hùn vốn để thuê một ngôi nhà 5 tầng, tại Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) làm khách sạn.

Để có thể hấp dẫn khách thuê, chị Hương đã đầu tư 5 tỷ đồng để cải tạo, sửa chữa ngôi nhà này. Khi đi vào hoạt động, công suất khách sạn luôn đạt 80% lượng khách thuê phòng. Tuy nhiên, sau khi đại dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, hoạt động kinh doanh trở nên đình trệ, số lượng khách đặt phòng giảm tới 95 - 98% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Cho tới ngày 14/3 vừa qua, khách sạn phải tạm ngừng hoạt động. Tuy nhiên,  chị Hương vẫn phải “còng lưng” trả lương cho nhân viên hàng tháng, bên cạnh đó là vô vàn chi phí phát sinh về tiền điện, nước, thuế,... Đặc biệt, chi phí nặng nhất là tiền thuê mặt bằng, mở khách sạn. 

Chủ nhà tăng giá thời Covid-19: Không chỉ trái đạo đức mà còn vi phạm luật? - 2

Trên phố Hàng Ngang, Hàng Đào... nhiều chủ nhà chào bán cho thuê cửa hàng

Với mong muốn duy trì để qua dịch, chị Hương đã có “tâm thư” gửi chủ nhà, chia sẻ khó khăn của doanh nghiệp và mong muốn chủ nhà hỗ trợ một phần chi phí, có thể là giảm giá thuê, hoặc miễn tiền thuê trong giai đoạn khó khăn này. Tuy nhiên, đề nghị này của chị Hương đã không được chủ nhà chấp nhận.

Có cùng chung hoàn cảnh với chị Hương, rất nhiều doanh nghiệp khác cũng đang trong tình cảnh lao đao, nhiều nơi chấp nhận mất cọc "bỏ của chạy lấy người" vì không thể xoay sở tiếp.

Chị Đỗ Kim Xuyến, một doanh nghiệp kinh doanh chuỗi nhà hàng cho biết, theo hợp đồng với chủ nhà, sau 2 năm, giá thuê mặt bằng sẽ tăng thêm 10% giá trị. Năm nay, do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tình hình kinh doanh trở nên khó khăn, bết bát, doanh thu âm nhiều tháng liên tục, vì thế chị Xuyến bày tỏ mong muốn chủ nhà tạo điều kiện cho chậm thời gian tăng giá nhà vào sang năm. 

Tuy nhiên, không những không hỗ trợ, chủ nhà còn yêu cầu chị Xuyến thanh toán tiền thuê 1 năm, kèm 10% tăng giá theo hợp đồng. Nếu trong 15 ngày chị Xuyến không chi trả, chủ nhà sẵn sàng “mời dọn đi chỗ khác”.

Doanh nghiệp có thể yêu cầu chủ nhà miễn tiền thuê nhà 

Khảo sát của Pv Dân trí cho thấy, hiện nay rất nhiều chủ nhà, chủ mặt bằng vẫn có thái độ cố chấp, nhất quyết không chịu giảm giá hỗ trợ hoặc chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.

Trên thực tế các chuyên gia, cho rằng với các trường hợp trên, doanh nghiệp hoàn toàn có thể dựa vào Bộ Luật Dân sự 2015, yêu cầu chủ nhà giảm hoặc miễn tiền thuê mặt bằng trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng.

Chủ nhà tăng giá thời Covid-19: Không chỉ trái đạo đức mà còn vi phạm luật? - 3

Luật sư Nguyễn Đạt, Đoàn Luật sư Hà Nội giải thích, Bộ Luật Dân sự 2015 quy định “sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Trong đó, một số sự kiện được coi là bất khả kháng như thiên tại, dịch bệnh, chiến tranh, (điều kiện i); một số sự kiện không thể lường trước được (điều kiện ii) hoặc một số sự kiện không thể khắc phục được (điều kiện iii).

 “Như vậy, đại dịch Covid-19 thỏa mãn điều kiện (i) và (ii), tuy nhiên điều kiện (iii) thì cần phải được xem xét và phân tích trong các trường hợp cụ thể. Điều kiện (iii) được thỏa mãn và Covid-19 được coi là sự kiện bất khả kháng nếu các bên chứng minh được là không thể khắc phục được tình hình mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng của mình”, Luật sư Đạt nói.

Chủ nhà tăng giá thời Covid-19: Không chỉ trái đạo đức mà còn vi phạm luật? - 4

Theo các chuyên gia, doanh nghiệp hoàn toàn có thể dựa vào Bộ Luật Dân sự 2015, yêu cầu chủ nhà giảm hoặc miễn tiền thuê mặt bằng trong trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng.

Theo ông Đạt, nếu chứng minh được đại dịch Covid-19 thuộc trường hợp bất khả kháng, doanh nghiệp có thể được miễn trừ nghĩa vụ nếu vi phạm hợp đồng theo quy định.

Luật sư Nguyễn Đạt cho rằng, để làm giảm thiệt hại do tác động của dịch Covid-19, trước hết,  doanh nghiệp hoặc các hộ kinh doanh nên xem xét lại hợp đồng thuê để xác định rõ tình trạng pháp lý làm căn cứ giải quyết. 

Thứ hai, doanh nghiệp thu thập chứng cứ chứng minh là đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép nhưng không thể khắc phục được để thỏa mãn điều kiện của sự kiện bất khả kháng.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải thống kê lại số liệu doanh thu trước khi xảy ra đại dịch và những thiệt hại phải gánh chịu kể từ khi xảy ra đại dịch. 

Ngoài ra, doanh nghiệp nên thông báo với bên cho thuê về những khó khăn trong thực hiện hợp đồng, về ảnh hưởng của đại dịch đến việc thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, về những thiệt hại phải gánh chịu khi xảy ra đại dịch, từ đó đàm phán và đề xuất miễn, giảm tiền thuê mặt bằng;

Cuối cùng , trường hợp bên cho thuê không đồng ý miễn, giảm tiền thuê, khi đó có thể xem xét thực hiện các biện pháp pháp lý cần thiết để bảo vệ quyền lợi theo quy định pháp luật.

“Lời kêu gọi của tôi đối với những người có mặt bằng cho thuê, tôi mong họ hãy đồng hành với người thuê, chia sẻ rủi ro kinh doanh và thực hiện miễn, giảm tiền thuê. Đó không chỉ thể hiện tình người, thể hiện trách nhiệm với người hàng tháng mang lợi ích đến cho quý vị, mà xa hơn là thể hiện được được tầm nhìn trong kinh doanh. Cùng phát triển sẽ cùng tạo ra lợi ích”, Luật sư Đạt chia sẻ.

Việt Vũ