1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Chết chưa hết lo vì bất động sản "âm phủ"… tăng giá

Cũng giống như đất nền, thời gian gần đây nhiều người tìm mua sẵn đất nghĩa trang phù hợp phong thủy, nhưng cũng có không ít người mua để đầu tư chờ tăng giá.

Tại nhiều dự án bất động sản nghĩa trang, nhân viên kinh doanh còn thẳng thắn cho rằng đổ tiền vào đất âm phần là hướng đi khôn ngoan trong đầu tư bất động sản hiện nay, thậm chí có nơi đầu tư cơ hội sinh lời lên tới 200%.

Chết chưa hết lo vì bất động sản âm phủ… tăng giá - 1

Nhiều mộ phần được mua đi bán lại như đất nền

Ghi nhận tại một số website giới thiệu về dự án đất nghĩa trang lân cận TP Hà Nội, cho thấy giá bán lẻ mộ phần tại các nghĩa trang được rao bán dao động quanh mốc 9 triệu đến 20 triệu đồng/m2, kèm theo một số lưu ý: “Thanh toán 100% tại thời điểm ký hợp đồng, Bảng giá trên đã bao gồm 10 năm dịch vụ; những lô giáp đường lớn, vườn cảnh quan, 2 mặt tiền sẽ tăng thêm từ 2.000.000đ…”

Tương tự, giá bán lẻ mộ phần tại các nghĩa trang lân cận TP.HCM dao động quanh mốc 200 triệu đồng/mộ đơn trọn gói (bao gồm phần mộ và chi phí bảo dưỡng…). Mộ gia đình hoặc gia tộc có giá trung bình 25 triệu đồng/m2, bao gồm đất và cảnh quan.

Tại Đồng Nai, thời gian vừa qua người dân cũng đã phản ánh về vấn đề giá đất nghĩa trang của địa phương bị đẩy lên cao. Giá cả phần mộ đơn của nghĩa trang TP.Phan Thiết đã bị thổi lên khoảng 130 - 150 triệu đồng/lô/100m2. Còn các lô bên trong, xa đường lớn thì tùy thuộc vị trí mà có giá khác nhau, nhưng cũng không dưới 30 - 50 triệu đồng/lô.

Trên thực tế, tại một số nghĩa trang tình trạng người mua để đầu tư chờ sinh lời nhiều hơn người mua có nhu cầu thực sự. Minh chứng rõ ràng có thể thấy, mặc dù nhiều khu của dự án của nghĩa trang dù đã có thông báo “hết hàng” nhưng hình ảnh mộ chờ thì vẫn còn la liệt.

Trong khi đó, tại một số nước phát triển, cũng là nghĩa trang nhưng kiến trúc của những ngôi mộ rất đồng bộ và tinh tế, giúp người đi tảo mộ có cảm giác thoải mái.

Nói về thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho biết, dù không biết những người mua đi bán lại đất nghĩa trang được hưởng lời lãi như thế nào nhưng nhiều đất nghĩa trang được bán với giá rất cao. Đất nghĩa trang khi giải tỏa đền bù giá rất thấp vì thường là đất hoang hóa, đất ruộng, chủ đầu tư làm thêm đường, công viên cây xanh, một số công trình xã hội như nhà thờ, chùa..., đẩy giá bán lên ngất ngưởng.

“Việc mua một lô đất nền, một căn hộ rồi bán lại từng được coi là không hợp lý, thiếu  tính nhân văn. Giờ người ta còn mua cả đất nghĩa trang để bán lại thì mới thấy tính nhân văn đã xuống quá thấp” – ông Đực nhấn mạnh.

Cũng theo ông Đực, nhiều chủ dự án nghĩa trang sau khi bỏ một số tiền lớn để đầu tư dự án, họ cần huy động vốn nên "bán lúa non". Sau khi chủ dự án bán cho nhà đầu tư thứ cấp, những người này lại mua đi bán lại, đẩy nhu cầu lên cao.

"Tôi biết một số nghĩa trang trước đây vẫn có hiện tượng này nhưng không rầm rộ như hiện nay. Phần đông người mua có nhu cầu thực, muốn mua đất nghĩa trang để dành cho cha mẹ, người thân. Thế nhưng giờ đây là mua đi bán lại để kiếm lời và việc bán giá chợ đen "chuyến tàu suốt" cuối đời là điều cực kỳ phản cảm", ông Đực thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Tương tự, một Tổng Giám đốc công ty về lĩnh vực BĐS cũng cho rằng, BĐS nghĩa trang là thị trường khá đặc biệt. Nếu các dự án dạng này làm ăn đàng hoàng, ngoài đáp ứng nhu cầu thì sẽ mang lại sự yên tâm cho khách hàng, vì ai cũng muốn lo chu toàn cho người đã khuất. Do đó, vị theo chuyên gia này, các dự  án nghĩa trang chỉ nên kinh doanh sau khi hoàn thiện. Bởi lẽ, thực tế đã có nhiều dự án đang xây dựng, nhưng dân kinh doanh BĐS nhảy vào mua bán vô tội vạ, dẫn  đến tình trạng giá bị thổi lên rất cao.

“Hệ lụy là rất thiệt thòi cho người sử dụng thực tế sau này, không mua không được còn mua thì với giá trên trời. Có lẽ nên xem lại, hạn chế việc thổi giá ở các dự án bất động sản nghĩa trang, vì nghĩa tử là nghĩa tận”, vị chuyên gia nói thêm.

Tương tự, theo chuyên gia kinh tế - TS Đinh Thế Hiển, cách làm nghĩa trang đúng nhất là Nhà nước chỉ cho các doanh nghiệp kinh doanh lĩnh vực này bán đất mộ cho gia đình không may vừa có người thân qua đời và chôn cất theo thứ tự, không chọn vị trí, cũng không được mua trước.

“Cách làm cấp đất cho chủ đầu tư để họ làm nghĩa trang rồi bán cho người có mục đích đầu cơ, đầu tư như hiện nay là không đúng. Hình thức đầu tư kinh doanh đất nghĩa trang tại một số dự án như hiện nay là một dạng đầu tư dài hạn và chủ đầu tư yên tâm là không bao giờ sợ lỗ, không sợ ế.

Do đó, đất nghĩa trang dù được xây dựng theo tiêu chuẩn nào cũng không nên bán trước mới đúng tính chất. Hiện tại, để chủ đầu tư bán cho giới đầu cơ rồi mua đi bán lại không khác gì khuyến khích đầu cơ đất nghĩa trang” - TS Hiển nhấn mạnh.

Theo Quỳnh Chi

Dân Việt