Cấp "sổ đỏ" cho condotel: Hy vọng từ luồng gió mới

Sự phát triển quá nóng của condotel (căn hộ khách sạn) trong khi khung pháp lý chưa có khiến chủ đầu tư và người mua gặp trái đắng.

Mới đây, Bộ Tài Nguyên & Môi trường có văn bản hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình (tạm gọi là sổ đỏ) cho condotel.

Cấp sổ đỏ cho condotel: Hy vọng từ luồng gió mới - 1

Thị trường condotel bùng phát từ vài năm nay. Ảnh: Lữ Hồ

Những dự án nào đủ điều kiện?

Ngày 14/2, Bộ TN&MT có văn bản (số 703) về việc: “Hướng dẫn về chế độ sử dụng đất và việc chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải nhà ở đối với căn hộ du lịch, biệt thự du lịch”. Theo đó, thời hạn cho thuê đất với công trình sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ có thể dao động trong khoảng từ 50 - 70 năm. Nếu hết thời hạn muốn tiếp tục sử dụng sẽ được xem xét gia hạn đối với các dự án đảm bảo điều kiện.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Mai Văn Phấn, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, văn bản của bộ nhằm thống nhất vấn đề tranh cãi lâu nay về việc có cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình cho condotel hay không? Trước nay, các quy định về cấp giấy chứng nhận rõ ràng, chế độ sử dụng đất giao cho dự án condotel là đất gì thì cấp giấy theo đất đấy. Cụ thể, giao đất sản xuất kinh doanh sẽ cấp theo sản xuất kinh doanh dịch vụ, chứ không thể cấp sang đất ở được.

 “Cơ bản là theo nguồn gốc đất được giao. Theo đó, từ giấy phép xây dựng dự án, bán căn hộ đều căn cứ theo Luật kinh doanh bất động sản. Khi có hồ sơ hoàn công cuối cùng sẽ được cấp giấy chứng nhận, miễn sao quản trị, quản lý condotel không phá vỡ theo quy hoạch đã được duyệt”, ông Phấn nói.

Tuy vậy, trên thực tế, sau một thời gian “bùng nổ” phát triển, tại nhiều địa phương xuất hiện tình trạng cấp phép tràn lan cho các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Điều này đã gây ra hệ lụy là rất nhiều dự án gặp vấn đề về pháp lý hoặc không đúng quy định về giao đất.

Đối với các trường hợp này, ông Phấn cho biết: “Cơ quan có thẩm quyền phải rà soát lại, đủ điều kiện hay không đủ điều kiện? Nếu không đủ thì rà soát quy hoạch xem có điều chỉnh quy hoạch được hay không, và việc thu bổ sung nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư như thế nào… Những vấn đề này cần được xem xét với từng dự án cụ thể để có phương án xử lý
phù hợp”.

Liên quan việc cấp “sổ đỏ” cho condotel, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội  Bất động sản TPHCM cho biết, đối với condotel, khi chủ đầu tư bán cho khách hàng thì cần phải xác định được diện tích thuộc sở hữu riêng, diện tích thuộc sở hữu chung, có thể áp dụng tương tự như cách tính sở hữu riêng theo pháp luật về nhà ở đã quy định. Tuy nhiên, tại văn bản “Quy chuẩn xây dựng” của Bộ Xây dựng chỉ quy định cách tính diện tích sử dụng condotel theo kích thước thông thủy, nhưng Bộ Xây dựng chưa đề xuất Chính phủ để hướng dẫn cách tính phần diện tích của condotel thuộc sở hữu riêng, để làm căn cứ cấp “sổ đỏ”.

Ðiểm sáng mới

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam đánh giá, đây là dấu hiệu tích cực của cơ quan quản lý, thổi luồng gió mới, tạo niềm tin hy vọng cho các nhà đầu tư khi tham gia vào lĩnh vực này, có lẽ cũng là điểm sáng đầu năm 2020 trong bối cảnh thị trường đang “nằm thở” trước thiên tai dịch bệnh. Tuy nhiên, ông Đính đánh giá, về mặt giá trị của văn bản chưa hẳn cao lắm vì Bộ mới viện dẫn các vấn đề đã quy định trong luật, chứ không có điều gì mới.

“Văn bản định hướng cho Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương làm căn cứ để xem xét, rà soát. Tại sao không nói trước cách đây 4-5 năm để địa phương dễ làm, bây giờ mới nói thì nhiều địa phương đã thực hiện các dự án rồi lại thành ra việc đi rà soát lại các dự án”, ông Đính nêu.

Theo ông Đính, cơ quan chức năng vẫn phải tiếp tục giúp các địa phương làm rõ hơn, các dự án trước đây đã phát triển nhưng chưa có sự hướng dẫn của cơ quan chức năng thì cần điều chỉnh như thế nào... như vậy sẽ kín kẽ, tích cực hơn cho việc xử lý.

Nói về sự khủng hoảng condotel thời gian qua, ông Lê Hoàng Châu cho rằng, sự ra đời của condotel cách đây 5 năm với mục đích ban đầu là xây dựng những căn hộ du lịch. Loại hình này phát triển mạnh mẽ tại những thành phố du lịch biển như: Nha Trang, Phú Quốc, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Quảng Ninh… Tuy nhiên, condotel dần biến tướng khi có chủ đầu tư “bẫy” khách hàng bằng cam kết lợi nhuận trên trời lên tới 22%/năm.

Không ít chủ đầu tư còn hứa hẹn có “sổ đỏ” vĩnh viễn cho loại hình bất động sản này, dù chưa có văn bản nào quy định rõ. Số lượng condotel từ năm 2015 đến nay được Bộ Xây dựng thống kê khoảng 30.000 căn hộ.

Ông Châu cho rằng, ngoài vấn đề về “sổ đỏ”, condotel gặp phải vướng mắc bởi chưa có quy định về các điều kiện huy động vốn, bán condotel hình thành trong tương lai. “Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng xem xét đề xuất Chính phủ quy định các điều kiện về huy động vốn, bán condotel hình thành trong tương lai, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của khách hàng (nhà đầu tư thứ cấp), và đảm bảo sự phát triển minh bạch, ổn định, bền vững của thị trường bất động sản, trong đó có thị trường bất động sản du lịch”, ông Châu kiến nghị.

Theo báo cáo của một trang web chuyên về bất động sản cho thấy, năm 2018 giá trung bình condotel cả nước tiệm cận mốc 40 triệu đồng mỗi m2 nhưng đến quý IV/2019 chỉ ghi nhận 35 triệu đồng, giảm 8%. - Số lượng condotel từ năm 2015 đến nay được Bộ Xây dựng thống kê khoảng 30.000 căn hộ.

Theo Ngọc Mai

Tiền Phong