1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu: “Giải phóng mặt bằng không thể tính hoàn thành bằng tỷ lệ phần trăm”

(Dân trí) - Hôm qua (7/6), Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu chủ trì hội nghị chuyên đề về công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh này. Hàng loạt nguyên nhân vì sao công tác này còn vướng mắc đã được đưa ra “mổ xẻ”, với sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu tỉnh.

Khâu giải phóng mặt bằng còn là "nút thắt", "điểm nghẽn"

Tại hội nghị, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh Bạc Liêu- ông Phạm Quốc Nam đã có báo cáo sơ bộ về tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), những thuận lợi, khó khăn và giải pháp thực hiện trong 6 tháng đầu năm 2019.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu: “Giải phóng mặt bằng không thể tính hoàn thành bằng tỷ lệ phần trăm” - 1

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu- ông Nguyễn Quang Dương chỉ đạo tại hội nghị công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Sau phần báo cáo của lãnh đạo Sở TN&MT, ông Nguyễn Quang Dương- Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho rằng, công tác GPMB của tỉnh qua vài năm gần đây và kể cả trong một thời gian dài thì đây là một khâu yếu.

Theo Bí thư Dương, đây là “nút thắt” trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh. Để phát huy hết tiềm năng lợi thế của tỉnh thì đây chính là “điểm nghẽn”. Cho nên, năm nay tỉnh xác định đây là khâu trọng điểm, đột phá của phát triển kinh tế xã hội.

Do đó, từ đầu năm, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai rất quyết liệt, có cả hội nghị chuyên đề. “Tuy nhiên, đến giờ này vẫn xoay quanh báo cáo của Sở Tài nguyên chỉ là cơ bản, khó khăn, kiến nghị,... Và nếu nói gọn lại là “không có gì”, Bí thư Dương nói thẳng.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu cho biết, Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã thấy được điều này, nên triệu tập thêm cuộc họp chuyên đề, với thành phần đầy đủ lãnh đạo các sở, ngành, cơ quan chuyên môn, Bí thư, Chủ tịch các địa phương,… để thấy rằng tầm quan trọng của công tác này.

“Vì sao vừa rồi chúng ta không thực hiện được, trách nhiệm ở đâu, có phải là chưa có phương pháp, cách làm đúng, chưa bám sát vào phương châm hành động của năm nay không, hay trách nhiệm của đội ngũ cán bộ chưa đến nơi đến chốn, hay nguyên nhân gì khác,… thì dứt khoát phải làm rõ”, Bí thư Dương yêu cầu quyết liệt.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu: “Giải phóng mặt bằng không thể tính hoàn thành bằng tỷ lệ phần trăm” - 2

Ông Phạm Quốc Nam- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tại hội nghị.

Qua báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Bạc Liêu, với các dự án được triển khai trước năm 2019 (khoảng 38 dự án), thống kê từ các địa phương cho thấy, còn ít nhất 336 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng, nên đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án.

Theo Chủ tịch UBND các huyện, thị, thành phố, nguyên nhân còn vướng hầu hết do hộ dân còn khiếu nại, chưa đồng ý nhận tiền bồi thường, yêu cầu nâng giá bồi thường về đất, tài sản trên đất, giá trị nhà, tái định cư, hỗ trợ công san lắp, tranh chấp đất, hoặc đã nhận tiền nhưng yêu cầu hỗ trợ thêm,…

Trong các dự án nói trên thì TP Bạc Liêu đã chiếm hơn một nửa. Ông Lưu Hoàng Ly- Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu cho biết, có một số dự án đã được thẩm định, hoàn thành GPMB từ khoảng 80-90%.

Sau phát biểu của ông Ly, Bí thư Nguyễn Quang Dương cho rằng: “Giải phóng mặt bằng không thể đánh giá hoàn thành bằng tỷ lệ phần trăm được, còn một người cũng chưa giải quyết được, không có ý nghĩa gì cả”.

Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu thừa nhận, thời gian vừa qua, cả hệ thống chính trị TP vào cuộc rất quyết liệt nhưng kết quả chưa như mong muốn, chưa đạt kỳ vọng như Tỉnh ủy, Ủy ban tỉnh giao. Ông Ly cũng nêu ra một số nguyên nhân như công tác thẩm định, phê duyệt giá còn chậm; giá đất tái định cư thay đổi,… dẫn đến còn gặp khó khăn trong công tác GPMB.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu: “Giải phóng mặt bằng không thể tính hoàn thành bằng tỷ lệ phần trăm” - 3

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu- ông Vưu Nghị Bình cho rằng, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến vướng trong công tác giải phóng mặt bằng.

Phải quyết liệt, triệt để, dứt điểm...

Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bạc Liêu- ông Vưu Nghị Bình đánh giá, phương án rất nhiều nhưng không sát, bởi thường người dân khiếu nại giá bồi thường. “Ở đây là trách nhiệm đơn vị tư vấn, bởi phương án không chất lượng thì người dân khiếu nại hoài, đôi lúc khiếu nại đúng nên kéo dài dự án”, ông Bình nói.

Cũng theo ông Bình, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành chức năng chưa chặt chẽ, đôi lúc còn đùn đẩy nhau. Ngoài ra, việc chưa điều chỉnh, bổ sung cơ chế chính sách kịp thời, chính điều đó nên vướng rất nhiều.

“Như phương án xây dựng năm 2018, chúng ta áp giá từ 2018 kéo dài đến 2019 thì dân không chịu là đúng thôi. Do đó, các cơ quan liên quan nên theo dõi, cập nhật thường xuyên chính sách, để đề xuất UBND tỉnh điều chỉnh kịp thời”, Giám đốc Sở Tư pháp đề nghị.

Còn Đại tá Nguyễn Văn Hận- Phó Giám đốc Công an tỉnh Bạc Liêu, đề nghị cần quan tâm đến công tác hậu cưỡng chế, có phương án bảo vệ để tránh tình trạng mặt bằng bị tái chiếm lại, điều này sẽ làm mất thêm thời gian cho cơ quan chức năng, nhà đầu tư khi triển khai dự án.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu: “Giải phóng mặt bằng không thể tính hoàn thành bằng tỷ lệ phần trăm” - 4

Một dự án (sau hàng rào) được cho là có tiến độ chậm trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu- ông Nguyễn Quang Dương nhấn mạnh, trong công tác GPMB, mọi việc phải được triển khai quyết liệt, triệt để, dứt điểm và coi đây là mục tiêu. “Muốn dứt điểm thì phải có kế hoạch rõ ràng, cả hệ thống chính trị vào cuộc ngay từ đầu. Lực lượng công an phải tính đến khâu cuối cùng là cưỡng chế, dù không cưỡng chế thì cũng phải kiểm tra các hồ sơ, chính sách để tránh tiêu cực xảy ra”, ông Dương yêu cầu ngành công an.

Bí thư Nguyễn Quang Dương đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ nghiên cứu xem tổ chức bộ máy hiện nay có gì bất cập, chồng chéo giữa chức năng nhiệm vụ hay không, bởi hiện nay còn hơi nhùng nhằng. Bên cạnh đó, chỗ nào thiếu cán bộ mà nhiều việc quá thì thì cũng nên tính toán tăng cường.

“Đi đôi với đó là việc xem xét xử lý trách nhiệm của cán bộ cả về phẩm chất đạo đức, tinh thần trách nhiệm trong thực hiện các dự án, trong đó có khâu giải phóng mặt bằng. Các cơ quan chức năng cần chú ý thanh tra công vụ, kiểm tra, giám sát để xử lý”, Bí thư Dương yêu cầu rõ.

Đối với những hộ gia đình cán bộ, đảng viên có liên quan đến mặt bằng dự án, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu quán triệt, đúng thì phải bảo vệ, nhưng sai mà không gương mẫu chấp hành thì xử lý nghiêm. Không có chuyện cán bộ, đảng viên không gương mẫu chấp hành pháp luật, chứ chưa nói là không thực hiện.

Với những mặt bằng sạch, theo Bí thư Nguyễn Quang Dương, cần mời gọi đầu tư kịp thời, bởi khi giải phóng xong mà bỏ không thì sẽ sinh ra rất nhiều chuyện. Song song đó, khi đã cấp chủ trương, cấp giấy phép thì phải có cam kết, nếu không thực hiện thì cũng xử lý kiên quyết chủ đầu tư.

"Giải phóng mặt bằng khổ sở đến mức như thế nhưng chủ đầu tư không làm thì thu hồi thôi”, Bí thư Dương nêu quan điểm.

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đã "truy vấn" gắt gao Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu về một dự án.

Ông Lưu Hoàng Ly- Chủ tịch UBND TP Bạc Liêu cho biết: "Có 4 dự án đã được thẩm định, như khu Công viên Trần Huỳnh mặt nào đó đã có kết quả, dù người dân còn thắc mắc nhưng nếu áp giá quy hoạch 1/500, đấu giá là bình thường…”, ông Ly báo cáo.

Bí thư Tỉnh ủy- ông Nguyễn Quang Dương bất ngờ “truy vấn”: “Tôi hỏi ông Ly này, bây giờ nói có dự án xong rồi thì cái nào có thể triển khai đấu giá được?”.

Chủ tịch Ly nói: “Báo với Bí thư như khu Công viên Trần Huỳnh, qua nắm được thì khâu giải phóng mặt bằng cơ bản đã xong”.

Bí thư Dương hỏi tiếp: “Triển khai được chưa?”, thì Chủ tịch Ly cho biết còn Sở TN&MT chưa có áp giá cụ thể vì khâu này còn một đơn vị nữa.

Bí thư Dương hỏi ngay Giám đốc Sở TN&MT Phạm Quốc Nam: “Nếu ông Ly nói xong rồi, vậy tuần sau thông báo đấu giá được chưa?". Ông Nam trả lời là không được vì lý do mặt bằng chưa xong.

Huỳnh Hải