1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Bất ngờ chuyện vác cả bao tải, chở ô tô đầy tiền đi mua bất động sản

(Dân trí) - Đất Đông Anh sốt đất độ nào khi đón sóng từ dự án tỷ USD; Giá đất ngoại thành Thủ đô "nhảy múa"; Bất ngờ chuyện vác bao tải, chở ô tô đầy tiền đi mua bất động sản... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Bất ngờ chuyện vác cả bao tải, chở ô tô đầy tiền đi mua bất động sản - 1

Các đợt sóng bất động sản ở Đông Anh khởi nguồn từ những biến động về quy hoạch và hạ tầng giao thông ở khu vực...

Đông Anh sốt đất... độ nào?

Chỉ cần một thao tác tìm kiếm, người mua dễ dàng tìm thấy một tin rao bán mảnh đất nằm ở thôn Hải Bối, xã Hải Bối kèm thông tin cách dự án Thành phố thông minh 500m, có giá 65 triệu đồng/m2...

Theo khảo sát, tại huyện Đông Anh, giá đất nền được rao bán 100-120 triệu đồng/m2. Ở khu vực Tiên Dương, giá đất thổ cư tại mặt đường lớn dao động 30-35 triệu đồng/m2. Tại nhiều con ngõ rộng tầm 3m dọc trục đường Võ Nguyên Giáp, đoạn thuộc xã Vĩnh Ngọc, lên đến 60 triệu đồng/m2; một số ngõ nhỏ hơn có giá 30- 40 triệu đồng/m2. Các khu vực xa hơn như Bắc Hồng, giá đất cũng lên đến 10-12 triệu đồng/m2, cao gấp 4 lần so với thời điểm sốt đất tại Đông Anh năm 2008.

Một cò đất trên địa bàn huyện Đông Anh tiết lộ, những năm qua, khu vực này cũng chứng kiến nhiều đợt “sốt” đất mỗi khi được khởi động đầu tư mới về hệ thống hạ tầng giao thông. Nhưng sau mỗi đợt “sốt” đất, không ít nhà đầu cơ khóc dở mếu dở do thị trường “đóng băng”.

Cũng như Đông Anh, giá đất tại 3 huyện Hoài Đức, Gia Lâm, Thanh Trì cũng đang biến động không ngừng, sau khi có thông tin Hà Nội xin cơ chế đặc thù để đưa các huyện này lên quận.

Huy động vốn “khủng” từ trái phiếu, loạt công ty địa ốc báo lỗ ầm ầm

Báo cáo tài chính của một số doanh nghiệp cho thấy, nhiều công ty bất động sản đã huy động vốn “khủng” lên tới cả nghìn tỷ đồng từ kênh trái phiếu nhưng kết quả kinh doanh lại bết bát.

Như trường hợp Công ty TNHH Bất động sản Hoa Anh Đào; tại kỳ báo cáo tính đến hết 30/6/2019, doanh nghiệp này báo lỗ 28,47 tỷ đồng; công ty TNHH bất động sản Hoa Phượng báo lỗ 27,54 tỷ đồng; Bất động sản Lan Việt cũng báo lỗ hơn 21 tỷ đồng.

Bất ngờ chuyện vác cả bao tải, chở ô tô đầy tiền đi mua bất động sản - 2
Nhiều công ty bất động sản đã huy động vốn “khủng” lên tới cả nghìn tỷ đồng từ kênh trái phiếu nhưng kết quả kinh doanh lại bết bát.

Trước đó, vào thời điểm cuối năm 2018, cả ba công ty bất động sản Hoa Anh Đào; Bất động sản Hoa Phượng; Bất động sản Lan Việt mỗi doanh nghiệp huy động thành công 466 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Tổng cộng cả 3 thu về 1.398 tỷ đồng.

Những "vua tiền mặt": Vác bao tải, chở ô tô đầy… tiền đi mua bất động sản

Ông Phạm Đức Toản, chủ một doanh nghiệp môi giới bất động sản cho biết, hiện nay xu hướng giao dịch tiền mặt trong mua bán bất động sản đã giảm nhưng tỷ lệ vẫn còn khá cao.

Việc thanh toán bằng ngân hàng thường diễn ra nhiều ở trường hợp khách hàng mua trực tiếp từ các chủ đầu tư, tiền mặt chỉ chiếm khoảng 30-40%. Còn đối với các trường hợp mua bán thứ cấp, sang tay thì lượng giao dịch tiền mặt rất lớn, tới 80%.

Khá thú vị, ông Toản cho biết có những trường hợp mang cả bao tiền, 4-5 người hộ tống đi và di chuyển một quãng đường dài đến mua nhà. Thậm chí, trước có trường hợp mua một căn biệt thự ở Trung Yên giá mấy chục tỷ đồng còn phải dùng xe bán tải đi chở… tiền.

Trao đổi với Dân trí, TS. Căn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, tỷ lệ thanh toán bằng tiền mặt ở Việt Nam còn tương đối cao so với các nước trong khu vực. Trong đó, có nguyên nhân cả từ 3 phía, người tiêu dùng, các tổ chức cung cấp thanh toán và cơ quan quản lý nhà nước.

Bất ngờ chuyện vác cả bao tải, chở ô tô đầy tiền đi mua bất động sản - 3
Mang bao tải đi mua bất động sản. Ảnh: VTC.

“Nếu người bán muốn nhận vào tài khoản ngân hàng thì có thể yêu cầu người người mua chuyển khoản. Nhưng nhiều trường hợp, người bán lại thích “tiền tươi thóc thật”. Việc xách cả bao tải tiền để đi giao dịch như vậy rất rủi ro . Vừa lo phải tiền giả, lại lo cướp bóc, mất trộm, nguy hiểm rình rập…”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói.

Thanh tra Chính phủ bị giục báo cáo việc chuyển nhượng "đất vàng" ở TP.HCM

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản đề nghị Thanh tra Chính phủ (TTCP) báo cáo Thủ tướng kết quả kiểm tra, rà soát việc bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại số 8A Mạc Đĩnh Chi (Quận 1, TP.HCM).

Được biết, khu đất số 8A Mạc Đĩnh Chi ở phường Bến Nghé (Quận 1, TP.HCM), là trụ sở của Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ thuộc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia (Bộ Tài Nguyên-Môi trường). Nơi đây là biểu tượng của ngành; nhân chứng lịch sử từ khi thành lập ngành...

Loạt đại gia địa ốc kinh doanh lao dốc, ảm đạm vì thua lỗ

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản đã công bố báo cáo tài chính quý III/2019. Trong số này, nhiều doanh nghiệp có doanh thu cùng lợi nhuận "rủ nhau" lao dốc, một số doanh nghiệp khác báo lỗ.

Bất ngờ chuyện vác cả bao tải, chở ô tô đầy tiền đi mua bất động sản - 4
Hình minh hoạ.

Nhận xét về thị trường bất động sản nói chung trong một báo cáo vừa công bố, Hiệp hội bất động sản TP.HCM - Horea cho rằng, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản TP.HCM hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị “ách tắc, đứng hình” dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm, nhất là thiếu loại căn hộ nhà ở thương mại có giá bán vừa túi tiền, nhà ở xã hội...

Nguyễn Khánh