1. Dòng sự kiện:
  2. Chuyển động bất động sản 2024

Bất động sản "thấm đòn": Nhiều sàn đóng cửa, chủ mặt bằng cho thuê gặp khó

(Dân trí) - Covid-19 khiến kinh tế chao đảo, chủ mặt bằng cho thuê qua thời “hét giá"; Bất động sản “ngấm đòn”, hàng trăm sàn phải đóng cửa vì khó khăn... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.

Covid-19 khiến kinh tế chao đảo, chủ mặt bằng cho thuê qua thời “hét giá"

Theo ghi nhận của Dân trí, vừa qua nhiều cửa hàng tại Hà Nội đã phải tạm nghỉ , sang nhượng mặt bằng hay thậm chí phải đóng cửa do giá tiền thuê mặt bằng cao, trong khi lượng khách mua hàng giảm mạnh vì dịch Covid – 19.

Không chỉ ở khu vực Hà Nội, TP.HCM cũng chịu cảnh tương tự. Theo thống kê của một đơn vị cho thuê mặt bằng bán lẻ tại TP. HCM, lượng khách đến các trung tâm thương mại, siêu thị trong đợt dịch Covid-19 giảm tới 40-50% so với thời điểm dịch bệnh chưa bùng phát. Doanh thu tại các cửa hàng tiện lợi, shopping mall giảm tới 40%.

Khách hàng sụt giảm nghiêm trọng khiến doanh thu cũng lao dốc không phanh.

Không chỉ các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ, ngay đối với một doanh nghiệp lớn như Tổng công ty May 10 với 250 điểm kinh doanh trên cả nước cũng đang “oằn mình" với các khoản chi phí sản xuất kinh doanh, trong đó có tiền thuê mặt bằng.

Bất động sản thấm đòn: Nhiều sàn đóng cửa, chủ mặt bằng cho thuê gặp khó - 1

Kinh doanh ế ẩm, hàng loạt cửa hàng ở Hà Nội đóng cửa trả mặt bằng.

Sợ Covid-19, chung cư Hà Nội nghĩ “độc chiêu” đối phó nơi dễ lây nhất

Thang máy vốn là nơi nhiều người chạm tay, nguy cơ lây nhiễm dịch viêm phổi ở khu vực này là cực kỳ lớn. Để hạn chế nguy cơ này xảy ra, một chung cư ở Hà Nội đã trang bị... tăm cho mọi người khi bấm thang máy.

Tấm thông báo nêu rõ: “Tăm bấm thang máy. Nhằm hạn chế tới mức tối đa việc tiếp xúc với corona virus, quý cư dân, quý khách hàng vui lòng sử dụng tăm để bấm thang máy”.

Ngoài việc trang bị tăm xỉa, hầu hết các chung cư đều dán thông tin hướng dẫn phòng dịch, cách rửa tay, sử dụng khẩu trang ở thang máy, sảnh lớn, trang bị nước rửa tay sát khuẩn, yêu cầu mọi người không nói chuyện trong thang máy...

Bất động sản thấm đòn: Nhiều sàn đóng cửa, chủ mặt bằng cho thuê gặp khó - 2

Một chung cư "sáng tạo" nghĩ ra cách dùng tăm để bấm thang máy...

Bất động sản “ngấm đòn”, hàng trăm sàn phải đóng cửa vì khó khăn

Trong cuộc trò chuyện với Dân trí, ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết những con số khá sốc về thị trường bất động sản hiện nay.

Với tác động “kép" từ chính những khó khăn mang tính nội tại của thị trường bất động sản năm vừa qua cùng với cú “bồi” từ dịch Covid-19 đã khiến khoảng 300 sàn giao dịch bất động sản buộc phải đóng cửa.

Ông Đính cho biết, đó là những con số thống kê chưa đầy đủ, mang tính chất tương đối nhưng cũng phản ánh được sự khó khăn thị trường bất động sản là rất lớn thời điểm này.

Chưa kể theo vị này, nhiều doanh nghiệp địa ốc đang phải hoạt động cầm chừng, tạm dừng một phần để gồng mình lên chống tác động từ dịch Covid-19 và loạt những khó khăn khác.

Bất động sản thấm đòn: Nhiều sàn đóng cửa, chủ mặt bằng cho thuê gặp khó - 3

Bất động sản "thấm đòn" vì đại dịch.

Lại “nóng” tình trạng phân lô bán nền, “hô biến” đất nông nghiệp

Theo lời chào mời trên một số trang mạng, chúng tôi đi tìm cái gọi là “khu dân cư Diên Hòa B” đang được quảng cáo rầm rộ là “tạo nên một cơn sốt đất lan ra cả các khu vực lân cận” ở huyện Diên Khánh, Khánh Hòa.

Thế nhưng, đều trớ trêu là đi hỏi người dân nào cũng không ai biết về tên gọi “Diên Hòa B”. Một người dân cho biết, khu đất này nằm trên địa bàn thôn Bình Khánh (xã Diên Hòa) và trên địa giới hành chính không có tên gọi nào là “Diên Hòa B”.

Theo một môi giới bất động sản, hiện nay một sàn giao dịch bất động sản ở Nha Trang đang phân phối độc quyền đất nền khu “Diên Hòa B”. Khu này có 60 lô, diện tích từ 70-150m2. Khi băn khoăn về tính pháp lý, nhân viên môi giới xua tay, ra sức thuyết phục: “Bọn em bán đất nền thổ cư, chứ không bán đất trồng cây!”.

Sau thời gian tạm lắng thì hiện nay tại Khánh Hòa lại “nóng” tình trạng phân lô bán nền , tự ý đặt tên dự án và rao bán tràn lan trên một số trang mạng bất động sản, tiềm ẩn nhiều hệ lụy có thể xảy ra.

Bất động sản thấm đòn: Nhiều sàn đóng cửa, chủ mặt bằng cho thuê gặp khó - 4
Tình trạng phân lô bán nền tràn lan gây nhiều hệ luỵ.

Chung cư cao cấp ế, vì sao?

Trong các báo cáo từ các đơn vị nghiên cứu thị trường, các hiệp hội và Bộ Xây dựng, giao dịch phân khúc chung cư cao cấp sụt giảm nghiêm trọng. Cuối năm 2019, nhiều dự án chung cư cao cấp “sốt ruột” buộc phải hạ giá bán.

Tuy nhiên, mức hạ giá chưa nhiều và chưa phù hợp với tài chính của nhiều người dân đô thị nên mức tiêu thụ không tăng. Đầu năm 2020, thị trường BĐS tiếp tục nhận được tin xấu khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, tín dụng BĐS bị siết, nhiều chủ đầu tư thực sự ngấm đòn.

Một lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc, chủ đầu tư dự án chung cư cao cấp lại quận Cầu Giấy ngậm ngùi cho biết, dự án mới đưa ra thị trường được vài tháng nhưng cứ đà này, doanh nghiệp tính đến phương án giảm giá. “Bản thân là doanh nghiệp lớn thực hiện đến nay 7 dự án lớn và cũng trải qua thời kỳ BĐS đóng băng năm 2010. Thời điểm đóng băng trước, doanh nghiệp đã giảm giá dự án chung cư cao cấp chỉ ở mức 24 triệu đồng/m2. Chỉ sau vài năm, khi  thị trường ấm lại, dự án lên tới 50 triệu đồng/m2”, vị này nói.

Nguyễn Khánh (Tổng hợp)