Bình Định:

Xử lý khai thác đá trên núi Hòn Chà liệu có… chấm dứt?

(Dân trí) - Đến nay, giấy phép khai thác đá được Bộ TN&MT và UBND tỉnh Bình Định cấp phép khai thác tại phía Đông núi Hòn Chà (TP Quy Nhơn) đã hết hạn. Thế nhưng, thời gian qua nhiều doanh nghiệp, cá nhân vẫn lén khai thác gây nhiều hệ lụy môi trường, đời sống...

Khai thác đá trên núi Hòn Cha (TP Quy Nhơn, Bình Định) đang diễn ra phức tạp và để lại những hệ lụy
Khai thác đá trên núi Hòn Cha (TP Quy Nhơn, Bình Định) đang diễn ra phức tạp và để lại những hệ lụy

Xác xơ Hòn Chà

Xưa núi Hòn Chà (TP Quy Nhơn, Bình Định) kỳ vĩ đá, đá chông chênh tầng tầng lớp lớp kéo dài như một tấm lá chắn cho thành phố. Giờ đây, những ngọn núi lớn bị khoét sâu, ngổn ngang trông giống như một đại công trường. Đứng ở quốc lộ 1, không dễ nhìn thấy những ngọn núi lớn đã bị xới tung, hầm hố lổn nhổn. Những con đường ngoằn ngoèo được mở lên tận đỉnh núi để phục vụ cho việc khai thác đá.

Mặc dù, trước đó UBND tỉnh Bình Định đã có “lệnh cấm” khai thác đá phía Đông núi Hòn Chà. Thế nhưng, đến nay hoạt động khai thác đá ở núi Hòn Chà vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng việc mở rộng cơ sở sản xuất để khai thác đá trái phép. Việc khai thác đá ồ ạt, gây thất thoát nguồn tài nguyên, làm vỡ cơ cấu đất, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở núi, ảnh hưởng đến khu dân cư, hạ tầng Khu Công nghiệp Phú Tài trong mùa mưa này.

Từ xa chúng ta dễ nhìn thấy những ngọn núi ở Hòn Chà đang bị khai thác đá một cách ồ ạt
Từ xa chúng ta dễ nhìn thấy những ngọn núi ở Hòn Chà đang bị khai thác đá một cách ồ ạt

Nhiều lần tiếp xúc cử tri, người dân ở khu vực này đều phản ánh tình trạng khai thác đá ồ ạt trên núi Hòn Chà, gây ảnh hưởng đến môi trường, đời sống sinh hoạt người dân địa phương. Đến nay, Hòn Chà chờ… ngày khai tử?.

Theo ông Vương Phiêu Linh, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Bình Định (chủ đầu tư hạ tầng KCN Phú Tài) cho biết đến nay, các doanh nghiệp khai thác đá ở phía Đông núi Hòn Chà đã hết hạn giấy phép khai thác. Tuy nhiên, có vài doanh nghiệp được UBND tỉnh cho chủ trương để cải tạo mặt bằng, mở rộng cơ sở sản xuất, song thực chất là “núp bóng” để tiếp tục khai thác đá.

“Việc khai thác vận chuyển đá khiến mặt đường của nhiều trục đường trong KCN bị hư hỏng. Từ đầu năm 2017 đến nay, Công ty đã bỏ ra 7 tỷ đồng để thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng các tuyến đường cũng như nạo vét đất, đá tồn đọng trong các tuyến mương thoát nước. Dù rất bức xúc nhưng chúng tôi không thể làm gì được do không có chức năng xử lý”, ông Linh nói.

Xử lý khai thác đá trên núi Hòn Chà liệu có… chấm dứt? - 3
Một cán bộ thuộc chủ đầu tư hạ tầng KCN Phú Tài dẫn chúng tôi đi để chứng kiến đường hư, mương thoát nước bồi lấp, sạt lở do khai thác đá trên núi Hòn Chà.
Một cán bộ thuộc chủ đầu tư hạ tầng KCN Phú Tài dẫn chúng tôi đi để chứng kiến đường hư, mương thoát nước bồi lấp, sạt lở do khai thác đá trên núi Hòn Chà.

Để hạn chế tình trạng trên, đại diện chủ đầu tư hạ tầng KCN Phú Tài kiến nghị UBND tỉnh Bình Định cần thu hồi chủ trương cho phép các doanh nghiệp mở rộng mặt bằng sản xuất nhà máy chế biến, kết hợp tận thu đá ở phạm vi ngoài KCN Phú Tài. Đồng thời, UBND tỉnh cần chỉ đạo kiên quyết các đơn vị chức năng đẩy mạnh kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác hoặc lợi dụng việc mở rộng cơ sở sản xuất của các doanh nghiệp để khai thác đá trái phép.

Xử lý triệt để

Ông Huỳnh Quang Vinh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Định, nhìn nhận: Hoạt động khai thác đá trên núi Hòn Chà ở 2 phường Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân ít nhiều gây tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường.

Xe bò vàng (xe chở đá lớn -PV) là nguyên nhân khiến một số trục đường trong KCN Phú Tài hư hỏng, xuống cấp.
Xe "bò vàng" (xe chở đá lớn -PV) là nguyên nhân khiến một số trục đường trong KCN Phú Tài hư hỏng, xuống cấp.

Theo ông Vinh, hiện các các doanh nghiệp khai thác đá có giấy phép đều đã quá hạn. UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH Xuân Nguyên, Công ty CP Sản xuất đá Granite Phú Minh Trọng, DNTN Thiên Phú, Công ty TNHH Tân Phước chấm dứt việc tận thu đá tại núi Hòn Chà (phường Trần Quang Diệu). Trước đó, Công ty TNHH Đá Hoa Cương và Công ty TNHH Nam Á (phường Bùi Thị Xuân) đã dừng hoạt động.

“Sau khi UBND tỉnh ban hành các quyết định thu hồi chủ trương giới thiệu địa điểm, hoặc quyết định cho thuê đất đối với các doanh nghiệp, Sở sẽ phối hợp cùng ngành chức năng yêu cầu các doanh nghiệp phải cải tạo, phục hồi môi trường đối với diện tích đã thu hồi nằm ngoài KCN Phú Tài. Bên cạnh đó, lực lượng Thanh tra Sở thường xuyên phối hợp cùng các đơn vị liên quan kiểm tra, xử lý kiên quyết các hoạt động khai thác đá trái phép tại khu vực phía Đông núi Hòn Chà”, ông Vinh khẳng định.

Có doanh nghiệp xin chủ trương UBND tỉnh để cải tạo mặt bằng, mở rộng cơ sở sản xuất, nhưng thực chất là núp bóng để tiếp tục khai thác đá.
Có doanh nghiệp xin chủ trương UBND tỉnh để cải tạo mặt bằng, mở rộng cơ sở sản xuất, nhưng thực chất là "núp bóng" để tiếp tục khai thác đá.

Trong khi đó, ông Hà Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT) Bình Định cho biết, Chi cục đã báo cáo Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh ra quyết định thu hồi chủ trương đầu tư xây dựng, cho thuê đất mở rộng nhà máy đối với 5 doanh nghiệp.

Doãn Công