Bạn đọc viết:

Xóa bỏ chợ trong đô thị để xây siêu thị - Phú quý giật lùi?

(Dân trí) – Một thành phố sống động vẫn có thể có sự pha trộn của nhịp điệu nhanh và chậm, của các tòa nhà cao tầng và thấp tầng, của các trung tâm thương mại và các khu chợ truyền thống ngoài trời. Tất cả sẽ góp phần làm nên sức sống của một thành phố.

Cái giá của việc “xóa chợ”

Một khi hầu hết các chợ truyền thống trong đô thị đều được nâng cấp để trở thành các trung tâm thương mại, siêu thị hay cửa hàng tiện ích, đương nhiên chúng ta sẽ mất đi những giá trị về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, tinh thần mà chợ đang mang lại.

Bỏ bớt chợ sẽ làm thay đổi cách tiếp cận thực phẩm của người dân. Hình 1 là hiện trạng các chợ ở Hà Nội (tam giác màu xanh). Các vòng tròn màu cam là bán kính 800m quanh chợ (800m là khoảng cách tối đa mà người ta sẽ chọn để đi bộ tới điểm đến). Như vậy, hình 1 cho thấy mặc dù có một số nơi trong thành phố không có chợ, nhưng nhìn chung hầu hết khu vực của Hà Nội đều được mạng lưới chợ phủ khắp và người dân có thể dễ dàng đi bộ đến chợ để mua thực phẩm.
 
Xóa bỏ chợ trong đô thị để xây siêu thị - Phú quý giật lùi?
Mạng lưới chợ hiện tại và tương lai ở Hà Nội.

Hình 2 là mạng lưới chợ Hà Nội trong tương lai theo Dự thảo quy hoạch mạng lưới bán buôn bán lẻ trên địa bàn Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 (bản dự thảo 5/2011). Theo bản dự thảo quy hoạch này, số lượng chợ trong nội thành Hà nội sẽ giảm đi đáng kể và đa phần người dân sẽ không thể đi bộ đến chợ được nữa. Để đến chợ người dân cần phải đi xe, và không phải ai cũng có thể lái xe (nhất là người già và những người thu nhập thấp). Như vậy, rõ ràng chúng ta đã làm hạn chế sự tiếp cận của người dân đến chợ khi loại bỏ chợ truyền thống khỏi khu vực nội đô.

Đối với các siêu thị, về mặt bản chất, cần có bán kính phục vụ khách hàng lớn hơn  so với chợ truyền thống để có thể đảm bảo mục tiêu lợi nhuận. Điều này có nghĩa là các siêu thị cần phân tán, cũng có nghĩa là hầu hết người dân vẫn cần phải lái xe đi mua thực phẩm hàng ngày, khiến nhu cầu giao thông cơ giới gia tăng và gây thêm sức ép lên hệ thống hạ tầng giao thông trong đô thị.

Chuyển từ chợ sang siêu thị cũng dẫn đến thay đổi về sự có mặt của các thực phẩm trong thành phố. Trước kia, những thực phẩm được bày bán chủ yếu là những sản phẩm được trồng và sản xuất trong vùng. Tuy nhiên, với sự gia tăng của toàn cầu hóa, điều này không còn đúng nữa. Ở các nước đang phát triển, siêu thị đã được chứng minh là cách tiếp cận thị trường dễ dàng của các công ty thực phẩm quốc tế muốn mở rộng thị trường.

Ngoài ra, nếu quá tập trung vào phát triển siêu thị, quyền kiểm soát nguồn cung thực phẩm trên thị trường sẽ được giao cho các công ty tư nhân. Cơ quan quản lý của thành phố có thể quy định những nơi mở siêu thị nhưng những công ty điều hành có thể đóng cửa những siêu thị ở những nơi không sinh lời. Như ví dụ của Brazil, sau cuộc khủng hoảng tài chính đầu năm 2000, các công ty đã quyết định đóng cửa 1 loạt siêu thị để đảm bảo lợi nhuận của mình: số lượng các siêu thị giảm từ 3.961 năm 1996 xuống còn 2.962 năm 2002.
 
Xóa bỏ chợ trong đô thị để xây siêu thị - Phú quý giật lùi?
Khung cảnh sống động ở chợ Hàng Bè, Hà Nội.

Trong khi đó, các chợ truyền thống đã hoạt động hàng trăm năm và khó bị đóng cửa bởi lý do khủng hoảng kinh tế. Những hộ kinh doanh nhỏ trong chợ cần ít lượng khách hàng hơn so với các siêu thị để duy trì lợi nhuận. Có thể có những người phải nghỉ bán, nhưng rất khó để toàn chợ đóng cửa vì lý do đó. Vì vậy nếu chợ được duy trì, chúng ta sẽ vẫn có thể đảm bảo cho người dân có được sự tiếp cận với thực phẩm.

Hiện đại hóa hay đang đi giật lùi?

Văn minh, hiện đại có thể đang được dùng như một cái cớ để người ta từ bỏ các không gian truyền thống quen thuộc vốn tạo nên bản sắc và linh hồn thành phố. Hãy cân nhắc thận trọng trước khi tiến hành mỗi sự đổi thay diễn ra theo sự điều chỉnh kinh tế thị trường. Chắc chắn vẫn có những cách để thực hiện các thay đổi tích cực trong khi vẫn tôn trọng các giá trị truyền thống đẹp đẽ. Một thành phố sống động vẫn có thể có sự pha trộn của nhịp điệu nhanh và chậm, của các tòa nhà cao tầng và thấp tầng, của các trung tâm thương mại và các khu chợ truyền thống ngoài trời cung cấp các thực phẩm tươi sống và các sản vật địa phương khác. Tất cả sẽ góp phần làm nên sức sống của một thành phố.
 
Xóa bỏ chợ trong đô thị để xây siêu thị - Phú quý giật lùi?
Một khu chợ hoa quả ở thành phố Nice, Pháp.

Cũng với ý nghĩa đó chợ cần được nhìn nhận như một địa điểm trung tâm của mỗi khu dân cư, một không gian công cộng quan trọng trong thành phố, vừa là nơi mua bán phục vụ đời sống hàng ngày vừa là địa điểm văn hóa đặc trưng hấp dẫn và là không gian để người dân giao tiếp và hiểu biết hơn về cộng đồng. Hãy làm sạch thay vì xóa bỏ các chợ để thay thế chúng bằng những siêu thị hay các chuỗi cửa hàng tiện ích lạnh lùng, vô cảm. Để đảm bảo các chợ dân sinh thực hiện chức năng hỗ trợ tốt cho cấu trúc kinh tế xã hội trong thành phố, điều quan trọng là tiếng nói của người bán hàng và khách hàng cần được lắng nghe khi xây dựng các kế hoạch cải tạo lại chợ. Ho cần được tham gia công bằng vào các quá trình thương lượng, quy hoạch, thiết kế và xây dựng lại chợ.

Sau cùng, hãy lưu ý đến những bài học kinh nghiệm ở nhiều nước phát triển phương tây: Pháp, Canada, Úc, Anh… sau nhiều thập kỷ từ bỏ chợ, đến nay các quốc gia này đã phải quay trở lại mô hình chợ truyền thống. Tại các nước này, các siêu thị đang nhường dần thị phần cho chợ thực phẩm, cho các thực phẩm nông nghiệp mua trực tiếp từ nông dân, cho các khu vườn cộng đồng. Việt Nam hãy cân nhắc kỹ lưỡng trước khi ra đưa ra những kế hoạch xóa bỏ hay nâng cấp chợ truyền thống trong đô thị thành các trung tâm thương mại hay siêu thị, bởi thực tế đã cho thấy những gì mất đi sẽ rất khó có thể lấy lại được hoặc sẽ chỉ có thể lấy lại được với một giá rất đắt.

Trần Thị Kiều Thanh Hà