Sóc Trăng:

Vụ tranh chấp bến phà sang sông: Không phân xử được thì đóng luôn bến?

(Dân trí) - Do một trong hai chủ phà không chấp hành pháp luật dẫn tới mâu thuẫn kéo dài nhiều năm, thay vì giải quyết mâu thuẫn để đảm bảo quyền lợi của người dân thì Giám đốc Sở GT-VT tỉnh Trà Vinh lại ban hành quyết định đóng bến phà khiến cho hàng ngàn người dân lâm cảnh bế tắc vì không có phương tiện qua sông.

Ông Hứa Văn Lến (ngụ xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, người khai thác bến phà khách ngang sông Hậu từ huyện Kế Sách sang huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) phản ánh: Năm 2005, ông Lến và ông Ngô Văn Chót (ngụ tại huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) hợp tác với nhau mở tuyến phà từ Nhơn Mỹ (huyện Kế Sách) sang huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh). Hai bên thống nhất theo hình thức đối lưu trên nguyên tắc ông Chót xin giấy phép hoạt động phía huyện Cầu Kè, còn ông Lến xin phép hoạt động đầu bến phía huyện Kế Sách. Tỉnh Trà Vinh cấp phép cho ông Chót hoạt động phía bờ Trà Vinh (bến phà phía bên Trà Vinh là của Nhà nước chứ không phải của ông Chót), còn tỉnh Sóc Trăng cấp phép hoạt động cho ông Lến phía bờ Sóc Trăng.

Người dân chờ phà qua sông giữa Sóc Trăng và Trà Vinh.
Người dân chờ phà qua sông giữa Sóc Trăng và Trà Vinh.

Giữa tháng 4/2011, hợp đồng thuê bến của mình chấm dứt, chủ đất không cho thuê nên ông Lến đã thuê đất của một người dân khác cách bến cũ khoảng 50m mở bến mới và được cấp giấy phép.

Tuy nhiên, sau đó, ông Chót lại thuê đất nơi bến cũ và cũng được UBND huyện Kế Sách cấp phép. Việc cấp phép mở bến cho ông Chót bị người dân phản ứng vì gây khó khăn cho người dân và cho ông Lến. Vì vậy, Sở GT-VT Sóc Trăng đã khảo sát và có Công văn gửi UBND huyện Kế Sách với nội dung: “Đề nghị UBND huyện Kế Sách chỉ đạo Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cần nghiên cứu trong việc tổ chức quản lý hoạt động bến khách ngang sông Trà Ếch - Đường Đức theo hướng hợp nhất 2 bến nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo thuận lợi cho hành khách qua lại”.

Ngày 20/6/2013, Sở GT-VT Sóc Trăng và UBND huyện Kế Sách họp với ông Lến và ông Chót, thống nhất sáp nhập vào một bến do ông Lến chịu trách nhiệm thuê đất và ông Chót cũng đồng ý. Sau đó, UBND huyện Kế Sách không cấp phép hoạt động cho bến của ông Chót. Tuy nhiên, ông Chót lại làm ngược khi vẫn tiếp tục sử dụng bến không được cấp phép hoạt động.

Tiếp đó, ngày 21/5/2014, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kế Sách đã họp với ông Chót và ông Lến để triển khai ý kiến của Sở GT-VT Sóc Trăng và UBND huyện Kế Sách là “Thống nhất mở một bến tại vị trí bến do ông Lến đầu tư xây dựng để quản lý cho tốt”. Đồng thời, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Kế Sách cũng tham mưu UBND huyện không cấp phép mở bến cho ông Chót ở phía bờ Sóc Trăng.

Thế nhưng, việc hợp nhất bến vẫn không thành do ông Chót chây ì không chịu đưa phà của mình vào hoạt động tại bến của ông Lến, mà tiếp tục đưa đón khách ở bến không được cấp phép cho đến tận bây giờ, nhưng không một cơ quan nào xử lý.

Điều đáng nói, khi ông Chót chưa bị xử lý với hành vi hoạt động tại bến không phép, thì ông này có tác động với gia đình ông Lê Công Dũng (người cho ông Lến thuê đất mở bến đến năm 2021 hết hợp đồng) “bẻ kèo”, kiện ông Lến ra tòa yêu cầu hủy hợp đồng cho thuê đất, để ông Chót hợp thức hóa việc không sáp nhập bến và độc quyền khai thác bến do ông thuê.

Tại 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, ông Lê Công Dũng bị tòa bác yêu cầu khởi kiện vì không có cơ sở để chấp nhận.

Mặc dù bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng ông Lê Công Dũng tiếp tục thực hiện hành vi cản trở việc thực hiện quyền sử dụng đất của ông Lến. Ông Dũng liên tục có hành vi vi phạm pháp luật, ngăn cản các hoạt động liên quan đến việc kinh doanh vận tải hành khách qua sông, không cho ông Lến sửa chữa đường dẫn lên xuống phà do bị hư hỏng.

Bị ông Dũng ngăn cản, ông Lến khởi kiện ra tòa án. Qua 2 cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm, tòa tuyên buộc ông Dũng phải chấm dứt hành vi cản trở ông Lến sửa chữa đoạn đường dẫn lên xuống phà trên phần đất ông Lến thuê của ông Dũng.

Tuy nhiên, phía ông Lê Công Dũng vẫn ngang nhiên ngăn cản việc thực hiện quyền sử dụng đất của ông Lến, khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của ông Lến gặp khó khăn, thiệt hại rất nhiều. Bị phía ông Dũng ngăn cản, ông Lến trình báo với chính quyền địa phương nhưng đều không được can thiệp.

Ông Hứa Văn Lến nói: “Tôi làm ăn hợp pháp, được pháp luật bảo hộ nhưng khi bị ông Chót và ông Dũng gây khó khăn, dù tôi đã gửi đơn kêu cứu khắp nơi từ xã, huyện cho tới tỉnh nhưng đều không được giải quyết. Với kiểu hành xử này, tôi thấy làm ăn lương thiện, chân chính sao khó quá”.

Bến phà phía ông Lến được cấp phép và hoạt động chính đáng.
Bến phà phía ông Lến được cấp phép và hoạt động chính đáng.

Ngày 4/5/2017, tại UBND tỉnh Sóc Trăng, ông Huỳnh Văn Sum- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sóc Trăng và ông Lê Thành Trí- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng, đã chủ trì cuộc họp để giải quyết một số vướng mắc trong hoạt động của bến khách ngang sông do ông Hứa Văn Lến phụ trách.

Theo báo cáo của Sở GT-VT Sóc Trăng, tại huyện Kế Sách có 2 bến phà khách Trà Ếch - Đường Đức tồn tại song song và chỉ cách nhau 50m (đường dẫn xuống bến cách khoảng 2 - 3m) của ông Ngô Văn Chót và Hứa Văn Lến, nhưng 2 ông này có mâu thuẫn, tranh chấp nhau gây khó khăn cho hành khách trong việc đi lại. Sau đó, do bến khách của ông Chót không còn phép hoạt động và để đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại nên các ngành chức năng đã có biện pháp sáp nhập 2 bến này thành một bến của ông Lến. Tuy nhiên, ông Chót không chấp hành đúng thỏa thuận và tiếp tục hoạt động bến khách của mình, nên mâu thuẫn giữa 2 bên càng tăng, gây khó khăn cho chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng. Hiện nay, các ngành chức năng đang xem xét các biện pháp để giải quyết vụ việc.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng Lê Thành Trí đề nghị Sở GT-VT Sóc Trăng xem xét tất cả các phương án để nhanh chóng giải quyết; đề nghị huyện Kế Sách phối hợp với các đơn vị chức năng tỉnh và tiến hành làm các thủ tục theo quy định của pháp luật; riêng đối với phương tiện của ông Hứa Văn Lến vẫn được quyền hoạt động tại bến khách ngang sông Trà Ếch - Đường Đức.

Quyết định đình chỉ bến phà của Sở GT-VT Trà Vinh.
Quyết định đình chỉ bến phà của Sở GT-VT Trà Vinh.

Tuy nhiên, trước đó, ngày 3/5/2017, Giám đốc Sở GT-VT Trà Vinh Phan Anh Quốc đã ký Quyết định số 62/QĐ-SGTVT, với nội dung: Chấm dứt hoạt động đối với bến khách ngang sông bến Đường Đức của ông Ngô Văn Chót, lý do là chủ bến chấm dứt hoạt động; xóa tên bến phà khách ngang sông bến Đường Đức trong danh mục cảng, bến thủy nội địa lưu giữ tại bộ phận quản lý cảng, bến thủy nội địa của Sở GT-VT Trà Vinh, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; hủy bỏ giấy phép hoạt động bến khách ngang sông ngày 20/3/2017 do Sở GT-VT Trà Vinh cấp cho ông Chót.

Việc Giám đốc Sở GT-VT Trà Vinh ban hành quyết định đóng bến phà nói trên đã gây bức xúc trong dư luận người dân ở một số địa phương của các tỉnh Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Người dân kiến nghị xem xét mở lại bến phà phía Trà Vinh.
Người dân kiến nghị xem xét mở lại bến phà phía Trà Vinh.

Ông Nguyễn Văn Út (ngụ huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cho biết: “Bà con chúng tôi là dân làm ăn luôn sử dụng phà Đường Đức - Trà Ếch để qua lại. Nay Sở GT-VT đóng bến Đường Đức đã gây rất nhiều khó khăn cho người dân chúng tôi. Bây giờ muốn đi Sóc Trăng, Bạc Liêu chúng tôi phải vòng xuống Cầu Quan dài hơn 20km, phải qua thêm 2 chuyến phà là phà Cầu Quan - Cù Lao Dung và phà Cù Lao Dung - Đại Ngãi. Theo chúng tôi, ông Chót không hoạt động thì cho ông nghỉ chứ tại sao lại đóng cửa bến phà Đường Đức bởi bến phà này là của Nhà nước, có từ mấy chục năm nay. Chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh Trà Vinh yêu cầu Giám đốc Sở GT-VT Trà Vinh hủy bỏ quyết định và mở lại bến phà Đường Đức phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Không vì một cá nhân ông Chót mà làm khổ hàng ngàn người dân chúng tôi”.

Còn anh Nguyễn Thái Duy (ngụ xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Tôi là kỹ sư thủy sản nhà ở Trà Ôn, thường qua lại tuyến phá Đường Đức - Trà Ếch để sang Sóc Trăng, Bạc Liêu làm ăn vì gần hơn rất nhiều. Nay bến Đường Đức bị đóng cửa, việc đi lại khó khăn, chi phí tốn kém hơn rất nhiều. Thiết nghĩ tỉnh Trà Vinh nên mở lại bến này, ông Chót không hoạt động thì vẫn còn ông Lến và bến phà phía Sóc Trăng vẫn hoạt động. Vừa qua tôi thấy có một số người dân dùng phương tiện xuồng nhỏ qua sông rất nguy hiểm”.

Thiết nghĩ, vì nhu cầu đi lại chính đáng của hàng ngàn người dân, đề nghị Giám đốc Sở GT-VT Trà Vinh xem xét xử lý việc này sao cho hợp lý nhất.

Bạch Dương