Bài 30:

Vụ thi hành án vô lý đến kỳ quặc giữa thủ đô: Tiền thi hành án “bặt vô âm tín” suốt 14 năm!

(Dân trí) - Liên quan đến việc kê biên, bán đấu giá căn nhà tại số 14B, tổ 1, khối 3C, thị trấn Đông Anh để đảm bảo thi hành án, sau 14 năm kể từ thời điểm tài sản được bán đấu giá thành, người mua trúng đấu giá và người được thi hành án vẫn “ngơ ngác” bởi số tiền thi hành án “bặt vô âm tín” suốt 14 năm.

Như dân trí đã đưa tin, theo Bản án sơ thẩm số 32/DSST ngày 22/4/1999 của TAND huyện Đông Anh và Quyết định công nhận sự thoả thuận giữa các đương sự ngày 31/5/1999, bà Nguyễn Thị Xuân và ông Phạm Hùng Dương có trách nhiệm trả cho bà Thành số tiền gốc là 50.563.000 đồng trong hai tháng kể từ ngày 31/5/1999 – 31/7/1999. Về số tiền lãi 25.306.000 đồng, bà Xuân và ông Dương có trách nhiệm thanh toán cho bà Thành trong 8 tháng (từ ngày 31/5/1999 – 31/01/2000); kê biên nhà, đất tại số 14B, tổ 1, khối 3C, thị trấn Đông Anh để đảm bảo thi hành án.

Do ông Dương và bà Xuân không trả tiền cho bà Thành nên bà Thành đã có đơn yêu cầu thi hành án và ngày 13/06/2001, Đội THADS huyện Đông Anh đã ra Quyết định số 03/QĐ-THA để kê biên nhà đất trên và tiến hành thủ tục định giá, bán đấu giá tài sản này.

Sau khi THADS huyện Đông Anh ký hợp đồng ủy quyền bán đấu giá tài sản với Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản – Sở Tư pháp Hà Nội, ngày 15/7/2002, Trung tâm này đã tổ chức bán đấu giá tài sản và người mua trúng đấu giá là bà Lê Thị Hồng Hạnh (tổ 53 (nay là tổ 24), Thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội). Ngày 17/07/2002, bà Hạnh đã chuyển toàn bộ số tiền mua tài sản là 88.523.720 đồng cho Trung tâm bán đấu giá tài sản – Sở Tư pháp Hà Nội. Tuy nhiên, kể từ khi bà Hạnh nộp đủ tiền mua tài sản trúng đấu giá, bà Hạnh chưa được bàn giao nhà đất trúng đấu giá và bà Thành cũng chưa được chi trả tiền thi hành án.

Vụ thi hành án vô lý đến kỳ quặc giữa thủ đô: Tiền thi hành án “bặt vô âm tín” suốt 14 năm! - 1

Người dân nộp hơn 80 triệu đồng sau khi trúng đấu giá tài sản từ năm 2002 nhưng sau 10 năm vẫn chưa được nhận bàn giao tài sản.

Người dân nộp hơn 80 triệu đồng sau khi trúng đấu giá tài sản từ năm 2002 nhưng sau 10 năm vẫn chưa được nhận bàn giao tài sản.

Bức xúc trước cách làm việc tắc trách, vi phạm pháp luật của Chi cục THADS huyện Đông Anh, ngày 11/5/2017, bà Thành có Đơn yêu cầu chi trả tiền thi hành án gửi Chi cục THADS huyện Đông Anh đồng thời có Đơn đề nghị về việc chi trả tiền thi hành án gửi Trưởng Ban chỉ đạo THADS huyện Đông Anh và Trưởng Ban chỉ đạo THADS thành phố Hà Nội. Mặc dù vậy, cho tới thời điểm này bà Thành vẫn chưa nhận được thông tin phản hồi nào từ các cơ quan chức năng.

Vậy việc chậm chi trả tiền thi hành án cho người được thi hành án của Chi cục THADS huyện Đông Anh đã vi phạm các quy định pháp luật như thế nào và trách nhiệm của cơ quan này trong việc chậm chi trả tiền cho người được thi hành án ra sao? Chúng tôi đã có buổi trao đổi với luật sư Kiều Diễm Phúc (Văn phòng luật sư KP) để làm rõ hơn về vấn đề này.

PV: Thưa luật sư, xin luật sư cho biết pháp luật quy định như thế nào về việc chi trả tiền cho người được thi hành án và luật sư có đánh giá như thế nào về việc chậm chi trả tiền trong vụ việc này của cơ quan thi hành án?

LS Kiều Diễm Phúc: Xét tại thời điểm bà Thành có đơn yêu cầu thi hành án và thời điểm bà Hạnh thanh toán tiền mua trúng đấu giá nhà đất, tại Điểm 3 Mục II Thông tư số 67/TT-THA ngày 05/7/1996 của Bộ Tư pháp hướng dẫn một số vấn đề về tổ chức hoạt động thi hành án dân sự, đối với việc nộp và trả tiền thi hành án quy định như sau: “Các khoản tiền thu được phải nhanh chóng giải quyết trong thời hạn không quá 10 ngày”.

Pháp luật thi hành án qua các thời kỳ sau này cũng đều quy định khoản tiền thu được phải chi trả cho các đối tượng được thi hành án theo đúng thứ tự quy định tại Luật thi hành án dân sự trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày thu tiền thi hành án (điểm 3.2, mục 3, phần III Thông tư số 06/2007/TT-BTP ngày 05/7/2007, Điều 10 Thông tư số 22/2011/TT-BTP ngày 02/12/2011 và Điều 17 Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016).

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, khi thu được tiền mua tài sản trúng đấu giá của bà Hạnh, cơ quan thi hành án có trách nhiệm chi trả tiền thi hành án trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tiền thi hành án (tiền bán đấu giá tài sản). Tuy nhiên, theo thông tin từ bà Thành thì cho tới nay, mặc dù tài sản kê biên đã được bán đấu giá thành nhưng bà Thành vẫn chưa nhận được số tiền 75.869.000 đồng mà bà Xuân và ông Dương phải thanh toán theo Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 93/1999/DSPT từ việc bán đấu giá thành tài sản bị kê biên. Trong khi đó, ngày 16/7/2002, bà Hạnh đã nộp tiền mua trúng đấu giá nhà đất.


Ngôi nhà 4 tầng xây trái phép trên đất công nhiên chiếm đoạt đã lọt qua tất cả sự kiểm soát, thách thức pháp luật của hệ thống chính quyền huyện Đông Anh.

Ngôi nhà 4 tầng xây trái phép trên đất công nhiên chiếm đoạt đã lọt qua tất cả sự kiểm soát, thách thức pháp luật của hệ thống chính quyền huyện Đông Anh.


Đề nghị khởi tố vụ án liên quan đến sự việc từ năm 2005 đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Đề nghị khởi tố vụ án liên quan đến sự việc từ năm 2005 đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Trong vụ việc này, bà Hạnh nộp tiền mua tài sản trúng đấu giá (người trúng đấu giá) cho trung tâm bán đấu giá tài sản là hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật, bởi tại Điều 23, Điều 24 Quy chế bán đấu giá tài sản ban hành kèm Nghị định 86/CP ngày 19/12/1996 đã quy định.

Tức là, theo quy định này thì khoản tiền thu được trong quá trình thi hành án (bao gồm cả tiền bán tài sản đấu giá) phải được nộp ngay vào quỹ thi hành án. Điều này cũng có nghĩa là thời điểm bà Hạnh nộp tiền mua trúng đấu giá được xác định là thời điểm thu tiền thi hành án. Việc Chi cục THADS huyện Đông Anh không chi trả ngay khoản tiền này cho người được thi hành án trong vòng 10 ngày kể từ ngày nhận được khoản tiền trên là trái với các quy định pháp luật, xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp của người được thi hành án.

Việc chậm chi trả tiền thi hành án trước hết thuộc về chấp hành viên phụ trách vụ việc, Chi cục THADS huyện Đông Anh bởi công tác bán đấu giá tài sản đã được thực hiện xong và người mua trúng đấu giá tài sản cũng đã nộp tiền mua tài sản nhưng không báo cho người được thi hành án đến nhận tiền. Bên cạnh đó, việc các cơ quan có liên quan như Viện kiểm sát nhân dân huyện Đông Anh, cơ quan thi hành án cấp trên không sát sao trong việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc cán bộ, Chấp hành viên nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật thi hành án dân sự cũng là một trong những nhân tố dẫn tới việc chậm chễ này.

PV: Vậy trách nhiệm của những người có liên quan trong việc chậm chi trả tiền thi hành án trong trường hợp này ra sao thưa luật sư?

LS Kiều Diễm Phúc: Căn cứ quy định pháp luật tại thời điểm kê biên, bán đấu giá tài sản và quy định pháp luật hiện hành đều cho thấy rằng tiền do bán đấu giá mang lại chính là tiền thi hành án (dù có thể tài sản chưa được bàn giao cho người trúng đấu giá). Do vậy, khoản tiền này phải xử lý theo đúng quy định pháp luật trong đó có việc chi trả cho người được thi hành án trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày thu tiền thi hành án.

Trường hợp chấp hành viên, cơ quan thi hành án không chi trả cho người được thi hành án, để xác định trách nhiệm của từng cá nhân, cơ quan, tổ chức cần phải làm rõ các vấn đề bao gồm:

Thứ nhất, việc chậm chi trả tiền xuất phát từ nguyên nhân nào (nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan), ai là người làm cho quá trình chi trả tiền bị chậm chễ?

Thứ hai, số tiền hiện tại được quản lý tại đâu, có được quản lý, sử dụng theo đúng quy định pháp luật hay không?

Tại Thông tư số 67/TT-THA, Thông tư số 06/2007/TT-BTP, Thông tư số 22/2011/TT-BTP và Thông tư 01/2016/TT-BTP đều quy định nguyên tắc chung về thu – chi tiền thi hành án đó là tất cả hoạt động thu – chi về thi hành án phản được phản ánh kịp thời, đầy đủ chính xác vào sổ sách theo dõi hoạt động thu – chi và đặc biệt “Không được sử dụng tiền thi hành án cho cơ quan hay cá nhân vay mượn hoặc sử dụng vào mục đích khác.”.

Vụ thi hành án vô lý đến kỳ quặc giữa thủ đô: Tiền thi hành án “bặt vô âm tín” suốt 14 năm! - 5

Quyết định của Toà án từ năm 1999, đến nay bà Nguyễn Thị Thành vẫn chưa nhận được tiền thi hành án.

Quyết định của Toà án từ năm 1999, đến nay bà Nguyễn Thị Thành vẫn chưa nhận được tiền thi hành án.

Như vậy, theo quy định của pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm, chấp hành viên phụ trách vụ việc và các cán bộ, công chức, viên chức có liên quan khác của cơ quan thi hành án có thể bị xử lý hành chính theo Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về một trong số các tội phạm về chức vụ, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp…

Ngoài ra, khi có văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hành vi của người thi hành công vụ là trái pháp luật, bà Thành có quyền yêu cầu được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 598 BLDS 2015 về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra vì rõ ràng việc chậm chi trả tiền thi hành án (kéo dài đã hơn 14 năm) đã gây ra thiệt hại cho bà Thành. Việc bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra được thực hiện theo quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (TNBTNN). Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 40 Luật TNBTNN năm 2009 thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường trong hoạt động THADS là cơ quan thi hành án dân sự trực tiếp quản lý người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây ra thiệt hại. Cụ thể hơn, tại Khoản 3 Điều 7 Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BTP-BQP ngày 07/12/2015 quy định: “ Trường hợp người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là công chức của Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, Phòng Thi hành án cấp quân khu thì cơ quan có trách nhiệm bồi thường là Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện, Phòng Thi hành án cấp quân khu”.

Trước đó, trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Hùng Lân - Chi cục trưởng Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đông Anh xác nhận việc bà Thành chưa nhận được tiền và việc bà Thành có đơn đề nghị cơ quan thi hành án giải quyết dứt điểm.

Chính ông Lân cũng bày tỏ sự bất bình khi chị Hạnh, người trúng đấu giá ngay tình là một người dân “thấp cổ bé họng” với số phận bất hạnh khi chồng mất sớm, cảnh mẹ goá con côi trong khi vụ việc sáng rõ như ban ngày mà người dân vẫn phải khản giọng kêu cứu. Theo thông tin từ ông Lân, hiện ban chỉ đạo thi hành án huyện Đông Anh đang vào cuộc quyết liệt, liên tục họp bàn giải quyết. "Vụ việc này đã được Bí thư Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo, Ban chỉ đạo thi hành án TP Hà Nội chỉ đạo phải giải quyết xong trong tháng 6/2017. Nếu không những cá nhân không làm tròn chức trách, nhiệm vụ sẽ bị xử lý kỷ luật", ông Lân cho biết.

Ông Lân cho biết, cơ quan thi hành án xác định người đang sống trên mảnh đất mà chị Hạnh trúng đấu giá từ 15 năm trước tên Tuấn, công tác tại Công ty cổ phần xích líp Đông Anh. “Hành vi của ông Tuấn khi sống trên mảnh đất này là vi phạm pháp luật nghiêm trọng, thách thức pháp luật. Tuy nhiên, chúng tôi đã liên hệ nhiều lần với lãnh đạo Công ty cổ phần xích líp Đông Anh để làm rõ nhưng công ty này rất thờ ơ, không phối hợp. Chúng tôi gọi điện cho lãnh đạo không nghe máy, đến tận nơi làm việc thì họ không phối hợp”, ông Lân nói.

Hơn mười bốn năm “om” tài sản trúng đấu giá của người trúng đấu giá và cũng “om” số tiền thi hành án của người được thi hành án. Đây là sai phạm nghiêm trọng của cơ quan thi hành án và các cơ quan có liên quan tại huyện Đông Anh (Hà Nội). Dư luận đang đặc biệt quan tâm việc các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc như thế nào để làm rõ sai phạm và giải quyết vụ việc triệt để, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế