Gửi đơn kêu cứu, người phụ nữ vẫn bị thiêu sống, cơ quan chức năng có vô can?

(Dân trí) - Theo gia đình nạn nhân, việc chị Bé bị tẩm xăng và thiêu sống là do ông Hùng gây ra, thế nhưng sự việc đã được cảnh báo từ trước và có thể được ngăn chặn. Được biết, trước ngày xảy ra sự việc 1 tháng, nữ nạn nhân đã gửi đơn tố cáo lên cơ quan công an và nhiều cơ quan khác của tỉnh Đắk Nông.

Gửi đơn cầu cứu vẫn bị thiêu sống

Rạng sáng 16/9, khi vừa mở cửa để bán hàng, chị Trần Thị Bé (SN 1978, tạm trú thôn 6, xã Kiến Thành, huyện Đắk R’lấp) bất ngờ bị Nguyễn Việt Hùng (SN 1973, trú xã Đắk Sin, huyện Đắk R’lấp) xông vào ôm chặt, đồng thời dùng xăng đổ lên người cả hai rồi châm lửa đốt. Sự việc khiến chị Bé bị bỏng trên 90%, ông Hùng bị bỏng khoảng hơn 80%. Đến ngày 14/10, do vết bỏng quá nặng, chị Bé đã tử vong.

Theo gia đình nữ nạn nhân, từ tháng 8/2017, chị Bé có quan hệ tình cảm với Hùng nhưng trong khoảng thời gian này, Hùng hay ghen tuông vô cớ, thường xuyên đánh đập.

Gửi đơn kêu cứu, người phụ nữ vẫn bị thiêu sống, cơ quan chức năng có vô can? - Ảnh 1.

Chị Bé bị đánh đập, bẻ gãy tay và phải điều trị bệnh viện ngày 19/8

Ngày 18/8/2018, chị Bé đến phòng trọ của Hùng để nói chuyện, chia tay trong ôn hòa. Tuy nhiên, tại đây, đối tượng này đã khóa trái cửa đồng thời nắm tóc, đập đầu chị Bé xuống nền nhà và bẻ gãy ngón tay. Đến 3 giờ sáng, chị Bé tỉnh dậy xin Hùng mở cửa để đi bệnh viện điều trị thì Hùng không đồng ý, đồng thời ép buộc chị này quan hệ tình dục.

Sáng 19/8, chị Bé đã nhờ người thân viết đơn gửi Công an huyện Đắk R’lấp tố cáo toàn bộ hành vi của Hùng.  Sau khi có đơn trình báo, Công an huyện Đắk R’lấp đã đưa chị đi giám định thương tật. Ngoài ra, cơ quan chức năng còn thu giữ tang vật là 1 can xăng, can axít, bộ quần áo tẩm xăng…

Gửi đơn kêu cứu, người phụ nữ vẫn bị thiêu sống, cơ quan chức năng có vô can? - Ảnh 2.

Nữ nạn nhân bị bỏng hơn 90% sau vụ việc ngày 16/9

Từ 19/8- 10/9, chị Bé tiếp tục gửi đơn khiếu kiện, cầu cứu lên các cơ quan chức năng của tỉnh Đắk Nông. Tuy nhiên, 28 ngày sau khi bị đánh đập, đối tượng Hùng vẫn còn nhắn tin dọa giết, chửi bới nữ nạn nhân.

Trách nhiệm của cơ quan chức năng

Bức xúc trước cái chết của chị mình, anh Trần Bình (em trai chị Bé) cho rằng cơ quan công an đã chậm trễ nên đối tượng Hùng có cơ hội sát hại chị gái. "Gia đình tôi mong muốn ngoài việc trừng trị kẻ gây ra cái chết cho chị tôi thì phải làm rõ trách nhiệm của cán bộ điều tra", anh Bình nói. Bà Trương Thị Kính, mẹ đẻ của nạn nhân, ban đầu cơ quan chức năng chỉ giám định thương tật việc con gái bà bị bẻ gãy tay, hơn 20 ngày sau (tức ngày 14/9), cán bộ điều tra mới yêu cầu con gái bà đi giám định có bị hiếp dâm không.

Gửi đơn kêu cứu, người phụ nữ vẫn bị thiêu sống, cơ quan chức năng có vô can? - Ảnh 3.

Chị Bé và lá đơn cầu cứu trước ngày bị mưu sát

Luật sư Nguyễn Thanh Huy, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Nông phân tích, ông Hùng đã có hành vi giữ người trái pháp luật (điều 157, BLHS 2015); hành vi đe dọa giết người (điều 133, BLHS 2015) và có thể có cả hành vi hiếp dâm.

Theo ông Huy, trong những hành vi trên, hành vi giữ người trái pháp luật và đe dọa giết người đã có dấu hiệu phạm tội rõ, sau khi thực hiện phạm tội đã bị phát giác. Đáng lẽ, khi bà Bé đã có đơn tố cáo gửi cơ quan công an, cơ quan này phải áp dụng các biện pháp ngăn chặn đối với ông Hùng và phải thực hiện ngay việc giám định thương tật, giám định xem có hành vi hiếp dâm hay không. Nếu xét thấy có hậu quả xấu có thể xảy ra, để ngăn chặn hậu quả thì có thể khởi tố vụ án và tạm giam đối tượng.

Gửi đơn kêu cứu, người phụ nữ vẫn bị thiêu sống, cơ quan chức năng có vô can? - Ảnh 4.

Theo điều 147, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015), thông thường nếu có dấu hiệu phạm tội rõ, trong thời gian không quá 20 ngày cơ quan công an phải có quyết định khởi tố hay không khởi tố. Tuy nhiên, hơn 20 ngày sau khi gửi đơn tố cáo, cơ quan công an vẫn chưa trình các quyết định để Viện KSND huyện Đắk R’lấp phê chuẩn nên đã vi phạm về thời hạn.

Ông Huy cũng phân tích, đối với việc tố bị hiếp dâm, theo quy định tại điều 206 và 208, BLTTHS 2015, đây là trường hợp bắt buộc phải giám định và thời hạn không quá 9 ngày kể từ ngày nhận được đơn trình báo. Tuy nhiên hơn 20 ngày sau khi trình báo và nhiều lần yêu cầu giám định lại, cơ quan điều tra mới cho bà Bé đi giám định pháp y, đây là việc làm quá trễ và trên thực tế là không còn chứng cứ để chứng minh.

“Rõ ràng hậu quả mà bà Bé và hai người khác bị bỏng xăng do ông Hùng gây ra thì trách nhiệm trực tiếp thuộc về ông Hùng, song gián tiếp thì có một phần trách nhiệm của cơ quan công an vì chưa làm đúng quy định của pháp luật tố tụng, chưa áp dụng biện pháp ngăn chặn phù hợp. Đối với vụ việc này, nếu cơ quan công an khởi tố và áp dụng biện pháp ngăn chặn kịp thời, quyết liệt thì rõ ràng hậu quả xấu không xảy ra”, ông Huy nhận định.

Theo một lãnh đạo Công an huyện Đắk R’lấp, sau khi nhận được đơn tố cáo của chị Bé ngày 19/8, công an huyện đã tiến hành điều tra, làm rõ. Ngày 13/9, Cơ quan CSĐT Công an huyện Đắk R’lấp đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Viết Hùng về tội "Đe dọa giết người". Tuy nhiên, khi chưa thực hiện lệnh bắt thì đến ngày 16/9, ông Hùng tiếp tục gây án.

Gửi đơn kêu cứu, người phụ nữ vẫn bị thiêu sống, cơ quan chức năng có vô can? - Ảnh 5.

Một phần nội dung lá đơn của chị Bé được gửi đến các cơ quan chức năng trước ngày gặp nạn

VKSND huyện Đắk R’lấp khẳng định, sau khi nhận đơn của bà Bé, nhận thấy hành vi của ông Hùng có dấu hiệu của tội "Đe dọa giết người" nên ngày 12/9, VKSND huyện đã ban hành văn bản số 04/YC-VKS-ĐL yêu cầu Công an huyện Đắk R’Lấp khởi tố vụ án hình sự về tội “Đe dọa giết người”.

Liên quan đến đơn đề nghị bảo vệ của bà Bé, vị lãnh đạo này cho rằng đã triệu tập đối tượng lên làm việc hằng ngày và yêu cầu cam kết không được tiếp tục vi phạm. Công an cũng giải thích cho bà Bé phải phòng ngừa và kịp thời báo với chính quyền địa phương nếu xảy ra tình huống xấu.

"Cơ quan điều tra không thể xuống canh nhà ông Hùng, cũng không thể xuống ôm cô này ngủ! Chúng tôi đã làm hết biện pháp, làm hết trách nhiệm", cán bộ này cho biết

Dương Phong