Bài 17:

Vụ nam sinh bị kết tội cướp tài sản: Văn phòng Chính phủ đề nghị TAND Tối cao xem xét

(Dân trí) - Liên quan đến vụ việc em Lê Văn Khánh (xã Hà Linh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) vừa học xong lớp 10 bị kết án tội “Cướp tài sản”, mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi đến Tòa án nhân dân Tối cao đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định.

Sau khi xét xử cấp phúc thẩm, em Lê Văn Khánh vẫn bị tòa tuyên án 18 tháng tù giam về tội “cướp tài sản”. Gia đình, dư luận bạn đọc cũng như giới luật sư cho rằng vụ án còn tồn tại nhiều vấn đề: có dấu hiệu oan sai, vi phạm các nguyên tắc về tố tụng, bỏ lọt tội phạm và cần phải điều tra lại vụ án.

PV Dân trí tiếp tục có cuộc phỏng vấn với các luật sư để dư luận bạn đọc hiểu rõ hơn về vụ án.

Luật sư Lê Thị Kim Soa, Công tác tại văn phòng luật sư Lê Trần (thuộc Đoàn luật sư tỉnh Nghệ An) khẳng định hành vi của Lê Văn Khánh không cấu thành tội “Cướp tài sản”, bản án của hai cấp tòa đã tuyên là chưa đúng người đúng tội, chưa khách quan, công bằng.

Nỗi đau đớn tột cùng của người bà khi Khánh phải chịu mức án 18 tháng tù vì tội Cướp tài sản
Nỗi đau đớn tột cùng của người bà khi Khánh phải chịu mức án 18 tháng tù vì tội "Cướp tài sản"

Thứ hai, các cơ quan tố tụng đã bỏ qua nhiều nhân chứng, tình tiết có lợi cho em Khánh. Luật sư Soa cho biết, tại hiện trường khi xảy ra sự việc còn có cả Danh, Linh (những người đi cùng xe với Khánh), Châu Xuân Trinh, Lê Văn Hoàng, Nguyễn Trọng Tùng…. Tuy nhiên, cơ quan điều tra đã không thu thập đầy đủ các chứng cứ có lợi cho bị can mà chỉ có ý chủ quan buộc tội bởi vì tất cả các bị hại, bị cáo và nhân chứng đều khẳng định Khánh không tham gia cướp tài sản của Tý. Và thứ 3 là các cơ quan tố tụng huyện Hương Khê đã bỏ lọt tội “Đánh bạc” đối với Trần Văn Giáp (cán bộ huyện đoàn huyện Hương Khê) và Võ Văn Tý.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ tịch Hội luật gia TPHCM chỉ ra rằng: Pháp luật hình sự Việt Nam quy định việc xử lý người chưa thành niên phạm tội chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Do đó, việc điều tra, xử lý các vụ việc hình sự có liên quan đến người chưa thành niên phải được tiến hành hết sức thận trọng.

Trong trường hợp của Lê Văn Khánh, khi xét xử, nếu em Khánh phạm tội thật nhưng nếu không cần thiết phải áp dụng hình phạt thì Tòa án có thể áp dụng một trong các biện pháp tư pháp có tính giáo dục, phòng ngừa như giáo dục tại xã, phường, thị trấn; hoặc đưa vào trường giáo dưỡng.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội thì cho rằng cần khẩn trương xem xét lại vụ án: Phải đề nghị các đồng chí lãnh đạo TAND, VKSND Tối cao và cấp cao sớm quan tâm xem xét đơn kêu oan của Lê Văn Khánh và ý kiến của cơ quan báo chí đã thông tin về vụ án này nhằm sớm có kết quả trả lời trước công luận, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Rất mong vụ án Lê Văn Khánh kêu oan sớm được kiểm tra, xem xét lại.

Những ngày qua, gia đình em Khánh tiếp tục làm đơn cầu cứu gửi tới Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao để kêu oan cho đứa con trai của mình.


Luật sư Lê Thị Kim Soa khẳng định hành vi của em Lê Văn Khánh không cấu thành tội Cướp tài sản

Luật sư Lê Thị Kim Soa khẳng định hành vi của em Lê Văn Khánh không cấu thành tội "Cướp tài sản"

Sau khi nhận được đơn cầu cứu của gia đình em Lê Văn Khánh, ngày 16/9, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi TAND tối cao đề nghị xem xét, giải quyết theo quy định.

Em Khánh vẫn sống trong tình trạng sợ hãi, hoảng loạn!

Sau khi được hoãn thi hành án 3 tháng, Khánh tiếp tục đến trường đi học. Song tâm trí em vẫn nơm nớp lo sợ, hoảng loạn mỗi khi thấy người lạ xuất hiện.

Ngồi trong lớp học nhưng em Khánh luôn cúi mặt mỗi khi có người lạ xuất hiện
Ngồi trong lớp học nhưng em Khánh luôn cúi mặt mỗi khi có người lạ xuất hiện

Thầy Đoàn Minh Điền, Hiệu trưởng Trường THPT Hàm Nghi cho biết: “Nhà trường không nhận được bất kỳ giấy tờ, văn bản nào liên quan đến vụ án, nên em Khánh vẫn được đi học bình thường. Em Khánh hiện đang học lớp 11. Em vẫn đi học đều đặn và tham gia các hoạt động của trường”.

“Trong những ngày qua các thầy cô, bạn bè đã luôn theo dõi, động viên để em có được tâm lý tốt nhất để học tập”, thầy Điền cho biết thêm.

Một giáo viên bộ môn dạy em Khánh cho biết: “Trên lớp em khá trầm lắng. Mỗi khi thấy có người lạ xuất hiện là em hơi hoảng loạn, bị tâm lý. Chúng tôi đang rất cố gắng để động viên, trấn an tâm lý cho em”.

Gặp Khánh tại gia đình, dù đã gặp nhiều lần nhưng sau một lúc trần tình của người mẹ thì em Khánh mới dám tiếp xúc với chúng tôi.

Em Khánh nói trong hoảng sợ: “Cháu muốn đi học hết cấp ba. Nhưng thực sự cháu không có tâm lý để ngồi học. Lúc nào cháu cũng sợ. Chỉ 2 tháng nữa thôi họ sẽ lại bắt cháu đi tù thôi”.

Chị Nguyễn Thị Nhàn (mẹ em Khánh) dường như sau chuỗi ngày dài đi tìm công lý cho đứa con của mình cũng trở nên tiều tụy, kiệt sức. Chị cho biết: “Ai cũng hy vọng khi được đi học cháu sẽ quên đi cái án đang treo trên đầu. Nhưng dường như cháu không thể tập trung học được. Cháu cứ luôn hoảng sợ. Cứ đi học về là nó lại chạy vào phòng khóa chặt cửa lại”.

“Gia đình cầu mong các cấp xem xét lại vụ án. Cháu còn quá nhỏ dại, tâm lý chưa vững vàng, ổn định, chị sợ nó sẽ không thể vượt qua được”, chị Nhàn nghẹn ngào nói.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này đến bạn đọc.

Xuân Sinh