Bài 14:

Vụ học sinh bị kết tội “Cướp tài sản”: “Cần xem xét lại toàn bộ vụ án, tránh oan sai”

(Dân trí) - Sau khi VKSND Tối cao yêu cầu VKSND cấp cao tại Hà Nội và VKSND tỉnh Hà Tĩnh xem xét lại vụ án “Cướp tài sản” liên quan đến em Lê Văn Khánh (học sinh lớp 11 ở Hà Tĩnh) kêu oan, đang gây bức xúc dư luận, PV Dân trí đã có buổi làm việc với luật sư Nguyễn Văn Chiến - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội về vấn đề này.

PV: Thưa ông, ông có đánh giá gì về yêu cầu của VKSND Tối cao đề nghị xem xét lại vụ án “Cướp tài sản” đối với học sinh Lê Văn Khánh đang kêu oan?

LS Nguyễn Văn Chiến: Tôi đồng tình với quan điểm của VKSND Tối cao về việc yêu cầu VKSND cấp cao tại Hà Nội và VKSND tỉnh Hà Tĩnh xem xét lại vụ án này vì đây là vụ án hình sự liên quan đến sinh mệnh chính trị của một con người. Điều 274 Bộ luật TTHS 2003 và Điều 372 quy định “Người bị kết án, cơ quan, tổ chức và mọi công dân có quyền phát hiện những vi phạm pháp luật trong các bản án và quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và thông báo cho người có quyền kháng nghị...”.

Các bản án hình sự sơ thẩm của huyện Hương Khê và bản án hình sự phúc thẩm của tỉnh Hà Tĩnh có đơn khiếu nại kêu oan, xã hội cũng như công luận báo chí phát hiện, phản ánh có dấu hiệu kết tội oan người dân do vi phạm nghiêm trọng tố tụng, kết luận trong bản án của tòa án không phù hợp với tình tiết khách quan của vụ án, có sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật tố tụng hình sự. Đặc biệt trong vụ án này, đối tượng kêu oan là người chưa thành niên mới học hết phổ thông, tương lai của em còn ở phía trước thì người có quyền kháng nghị càng phải hết sức khẩn trương xem xét và quyết định.


Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Luật sư Nguyễn Văn Chiến - Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Qua thông tin về quá trình giải quyết vụ án cho thấy, bản thân người trong cuộc Lê Văn Khánh, gia đình Khánh trong quá trình giải quyết vụ án từ cấp sơ thẩm, phúc thẩm và cho đến nay đều có đơn kêu oan. Điểm đáng lưu ý trong vụ án này là các bị can, bị cáo, nhân chứng khác trong vụ án cũng đều có ý kiến cho rằng Lê Văn Khánh không phạm tội (Khánh chỉ cầm hộ tiền ở giai đoạn sau khi các bị can khác đã lấy xong tiền của người bị hại, giai đoạn trước đó Khánh không được bàn bạc và tham gia nhưng lại bị khởi tố và xử lý về tội "Cướp tài sản" với vai trò đồng phạm), thậm chí các luật sư, chuyên gia luật đã có những ý kiến phân tích về vụ án có dấu hiệu kết tội oan cho người dân, báo chí cũng đã vào cuộc đăng tải những thông tin quan trọng liên quan đến việc các cơ quan tố tụng không khách quan, vi phạm nguyên tắc của Hiến pháp, pháp luật tố tụng vì hồ sơ vụ án thể hiện ba ngành Công an, Viện kiểm sát và Tòa án đã họp thống nhất kết tội bị can ngay từ giai đoạn điều tra vụ án.

Nếu có căn cứ xác định quá trình điều tra, truy tố và xét xử đã có vi phạm nghiêm trọng tố tụng, ngoài những thông tin vi phạm như đã phản ánh, cần kiểm tra, xem xét các cơ quan tố tụng này ngay từ đầu có tuân thủ quy định bắt buộc về quyền có người bào chữa cho Khánh theo các Điều 57, Điều 58 và Điều 305 BLTTHS 2003 và Điều 9 Thông tư liên ngành số 01/VKSTC-BCA-BTP-BLĐTBXH ngày 12/07/2011 hướng dẫn chi tiết về vấn đề này hay không. Mặt khác, quá trình tố tụng vụ án cần đánh giá việc thu thập, xem xét đánh giá chứng cứ có phiến diện, thiếu khách quan dẫn đến các bản án có thể không chính xác, có dấu hiệu oan…đều cần xem xét lại. Theo tôi, người có thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm sớm xem xét lại vụ án nhằm bảo vệ công lý chống án oan, giảm án sai, bảo vệ tối đa và kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.


Mẹ của em Khánh đau đớn khi tòa tuyên án con 18 tháng tù giam vì tội Cướp tài sản.

Mẹ của em Khánh đau đớn khi tòa tuyên án con 18 tháng tù giam vì tội "Cướp tài sản".

PV: Luật sư có suy nghĩ gì về việc Lê Văn Khánh cùng gia đình và Luật sư của Khánh đang đấu tranh kêu oan?

LS Nguyễn Văn Chiến: Nếu thông tin vụ án đúng như báo chí phản ánh là có việc không thu thập đầy đủ lời khai của người làm chứng, Tòa án tham gia “họp bàn ba ngành” để thống nhất tội danh đối với Khánh, thì việc bỏ qua các lời khai của các bị cáo, người bị hại cũng như những tình tiết có lợi cho bị cáo Khánh tại phiên tòa là hệ quả tất yếu của hoạt động tố tụng “họp ba ngành” thống nhất trước quan điểm “giải quyết vụ án”. Thực tế, khi ấy các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử sau này chỉ còn một việc là củng cố “chứng cứ buộc” để kết thúc vụ án.

Do vậy, cho dù Lê Văn Khánh, gia đình người thân của Khánh, thậm chí các bị cáo khác, người bị hại có nhiều lời khai khẳng định Khánh không có hành vi, chẳng có vai trò gì trong quá trình thực hiện tội phạm của họ cũng sẽ không được xem xét, vì thẩm phán xét xử sẽ không dám quyết định trái quan điểm của ba ngành đã thống nhất. Trong tiến trình cải cách tư pháp, thực trạng hoạt động này nếu còn tồn tại thì nó là nguyên nhân làm gia tăng các vụ án oan và sai của ngành Tòa án.

Qua đây, phải đề nghị các đồng chí lãnh đạo Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao và cấp cao sớm quan tâm xem xét đơn kêu oan của Lê Văn Khánh và ý kiến của cơ quan báo chí đã thông tin về vụ án này nhằm sớm có kết quả trả lời trước công luận, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Với trách nhiệm của một Đại biểu dân cử, trong chương trình hành động chủ đạo của mình tại Quốc hội khóa XIV về “chống án oan, giảm án sai”, tôi rất quan tâm đến các vụ án mà dư luận, báo chí phản ánh như thế này. Rất mong vụ án Lê Văn Khánh kêu oan sớm được kiểm tra, xem xét lại.


Chưa mở phiên xét xử, song 3 ngành đã họp và thống nhất kết luận Khánh có tội!

Chưa mở phiên xét xử, song 3 ngành đã họp và thống nhất kết luận Khánh có tội!

PV: Quan điểm của Luật sư về xử lý trách nhiệm hình sự có đặt ra đối với Lê Văn Khánh trong vụ án này hay không?

LS Nguyễn Văn Chiến: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Một người nếu có hành vi phạm tội thì phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi của mình gây ra. Tuy nhiên việc kết tội phải dựa trên những chứng cứ vững chắc được thu thập khách quan và hợp pháp. Hành vi của họ sai đến đâu, ở mức độ nào thì xử lý đến đó. Nếu có đủ căn cứ chứng minh họ phạm tội thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với tính chất, mức độ của hành vi phạm tội của họ. Đồng thời phải xem xét đến nguyên nhân, điều kiện và hoàn cảnh phạm tội, nhân thân người phạm tội là trẻ em hay người già để áp dụng chính sách đặc biệt của pháp luật khoan hồng đối với họ.

Về trách nhiệm hình sự có đặt ra đối với Lê Văn Khánh trong vụ án này hay không còn tùy thuộc vào việc kiểm tra lại toàn bộ hồ sơ, quá trình tố tụng, hoạt động thu thập chứng cứ và tài liệu phản ảnh diễn biến vụ án của cơ quan tiến hành tố tụng ở Hà Tĩnh có đầy đủ căn cứ vững chắc và hợp pháp để chứng minh hành vi “cướp tài sản” của Khánh hay không, trên cơ sở xem xét đánh giá toàn diện các hoạt động tố tụng từ khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử vụ án có bảo đảm tuân thủ các nguyên tắc và quy định của Bộ luật TTHS hay không.


Bị cáo Phạm Hồng Tuấn cho rằng đã bị điều tra viên mớm cung. Đồng thời cho những việc đưa những nhân chứng như Giáp, Tý (là những người phạm tội đánh bạc) ra làm chứng là không khách quan. Trong khi vụ việc xảy ra có rất nhiều nhân chứng, điều này khiến các bị cáo thấy bất lợi cho mình

Bị cáo Phạm Hồng Tuấn cho rằng đã bị điều tra viên mớm cung. Đồng thời cho những việc đưa những nhân chứng như Giáp, Tý (là những người phạm tội đánh bạc) ra làm chứng là không khách quan. Trong khi vụ việc xảy ra có rất nhiều nhân chứng, điều này khiến các bị cáo thấy bất lợi cho mình

Toàn bộ quan điểm kêu oan của bị can Khánh, các bản khai, ý kiến của các bị can khác, người bị hại, người làm chứng… trong vụ án có được thể hiện đầy đủ trong hồ sơ hay không để giúp quá trình giải quyết vụ án được khách quan, toàn diện, đánh giá xem xét cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội đối với Khánh. Hoạt động này sẽ được xem xét một cách khách quan và thận trọng khi bản án buộc tội đối với Lê Văn Khánh bị hủy đi để điều tra, xét xử lại.

Trong vụ án này, kết tội Khánh với vai trò đồng phạm thì cần phải làm rõ ý thức chủ quan, thời điểm tham gia và cầm tiền hộ của Khánh có thỏa mãn yếu tố đồng phạm quy định tại Điều 20 Bộ luật Hình sự hay không, Lê Văn Khánh có cùng với Phạm Hồng Tuấn và Phan Văn Đạt cùng cố ý thực hiện tội phạm “cướp tài sản” hay không. Đặc biệt, trong vụ án này phải lưu tâm xem xét lời khai của người bị hại, tại thời điểm họ bị tê liệt ý chí phải để cho Phạm Hồng Tuấn và Phan Văn Đạt chiếm đoạt tiền có vai trò giúp sức nào của Lê Văn Khánh hay không để xác định có hay không vai trò đồng phạm giúp sức hành vi “cướp tài sản” của Khánh, từ đó mới xác định có hay không trách nhiệm hình sự đối với Lê Văn Khánh trong vụ án này.

Xin cảm ơn Luật sư!

Anh Thế (thực hiện)