Vụ gia đình liệt sĩ hơn 30 năm đi đòi lại đất: Lại mòn mỏi chờ đợi!

(Dân trí) - Xung quanh vụ một gia đình liệt sĩ ở thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng) khiếu nại yêu cầu giải quyết trả lại đất bị chiếm, đại diện gia đình cho biết đã gửi đơn khiếu nại khẩn cấp đề nghị lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo chính quyền thị xã Ngã Năm sửa sai dứt điểm vụ tranh chấp đất kéo dài đã hơn 30 năm.

Như Dân trí đã phản ánh, gia đình ông Quách Phước Thọ có phần đất diện tích 2.321m2 tọa lạc tại phường 1, thị xã Ngã Năm (tỉnh Sóc Trăng). Đây là phần đất của gia tộc, được giao cho ông Nguyễn Thành Em (cha vợ ông Thọ) quản lý, sử dụng từ trước những năm 1968 và cho ông Nguyễn Thanh Quý cất nhà ở. Năm 1983, ông Quý đi bộ đội nên phần đất trên giao lại cho bà Nguyễn Thị Mai (chị vợ ông Em) coi sóc.

Đến năm 1984, ông Cao Tuấn Thanh (Trưởng ấp) cho ông Chế Công Toàn và ông Diệp Tấn Hưng mượn làm nhà ở (không có giấy tờ mà chỉ nói miệng) và có thông báo khi nào chủ yêu cầu trả lại thì phải trả. Sau đó, ông Hưng lại cho ông Lê Thanh Hải đến cất nhà ở trên nền nhà của ông Quý và ông Hải bao chiếm thêm phần đất kế bên.

Đến năm 1987, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về, thấy đất mình bị chiếm, ông Nguyễn Thanh Quý làm đơn khiếu nại đòi lại đất nhưng không được giải quyết.

Vụ gia đình liệt sĩ hơn 30 năm đi đòi lại đất: Lại mòn mỏi chờ đợi! - 1

Toàn bộ diện tích đất bị chiếm và sang bán qua nhiều người.

Năm 1994, UBND huyện Thạnh Trị (sau này tách ra thêm huyện Ngã Năm) cấp GCNQSDĐ cho hộ ông Chế Công Toàn (diện tích 1.140m2) và hộ ông Lê Thanh Hải (diện tích 1.181m2), với lý do “phần đất trên trước ngày giải phóng đã bị chế độ cũ chiếm để xây dựng văn phòng quận, đóng đồn. Do vậy, đất này đã bị ngụy quân, ngụy quyền chiếm đoạt”.

Vụ việc chưa giải quyết xong, ông Toàn đã bán phần lớn đất cho hộ ông Dương Văn Lý và bà Trần Thị Nở; còn ông Hải bán hết cho bà Nguyễn Lệ Thủy. Ông Nguyễn Thành Em khiếu nại lên UBND tỉnh Sóc Trăng.

Vụ việc được nhiều cơ quan ở thị xã Ngã Năm và tỉnh Sóc Trăng vào cuộc, đến ngày 23/9/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng có Công văn 166/CTUBND-KN chỉ đạo Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm ra quyết định hủy bỏ 2 GCNQSDĐ đã cấp sai, để cấp cho đúng chủ đất là gia đình ông Thọ. Tuy nhiên, vụ việc cũng “án binh bất động”, cho đến khi ông Nguyễn Thành Em già yếu và mất, ông Thọ được gia tộc ủy quyền tiếp tục đi tìm công lý.

Trong 10 năm thực hiện Công văn 166/CTUBND-KN với nội dung chỉ đạo cụ thể vừa nêu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng và ban, ngành ở tỉnh ra thêm 4 quyết định, công văn đôn đốc; Chủ tịch UBND và ban, ngành thị xã Ngã Năm có 25 quyết định, công văn giải quyết; TAND tỉnh và thị xã có 5 bản án dân sự; TAND tối cao có 1 công văn hướng dẫn. Ngoài ra, còn có rất nhiều cuộc họp từ cơ sở đến tỉnh nhưng vụ việc vẫn dậm chân tại chỗ.

Cho đến đầu năm 2017, 2 sổ đỏ cấp sai cho ông Chế Công Toàn và ông Lê Thanh Hải mới được thu hồi, hủy bỏ. Tuy nhiên, lý do thu hồi trong quyết định là “không đúng diện tích đất, không đúng mục đích sử dụng đất”, chứ chưa phải là không đúng đối tượng như chỉ đạo của UBND tỉnh Sóc Trăng. Cho nên, vợ ông Chế Công Toàn (ông Toàn đã qua đời) và ông Lê Thanh Hải có đơn xin cấp lại sổ đỏ; ông Quách Phước Thọ cũng có đơn xin cấp sổ đỏ cho diện tích đất.

Cuối năm 2018, việc tranh chấp được đưa về hòa giải ở phường. Chủ tịch Hội đồng hòa giải phường 1 là ông Lê Tuấn Danh cho biết, buổi hòa giải tập trung vào hướng trả khu vực có mồ mả cho ông Thọ, cùng đường đi vào rộng 4m. Tuy nhiên, hộ ông Hải và hộ ông Toàn cho rằng, trước đây cấp sai diện tích và mục đích sử dụng thì nay cấp lại cho đúng, họ đã sử dụng ổn định nhiều năm nên không trả đất cho ông Thọ. Còn ông Thọ chỉ đồng ý cho mỗi gia đình kia một nền đã xây nhà để ổn định chỗ ở, diện tích đất còn lại phải trả ông.

Hòa giải ở phường bất thành, vụ tranh chấp được chuyển lên UBND thị xã Ngã Năm. Ngày 27/12/2018, khối nội chính thị xã họp để xem xét thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào. Cuộc họp có Viện trưởng Viện KSND, Chánh án TAND, Chánh thanh tra, Trưởng phòng Tư pháp, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã, đều cho rằng “căn cứ khoản a, Điều 203, Luật Đất đai năm 2013, thẩm quyền giải quyết thuộc tòa án”.

Tuy nhiên, phía ông Thọ cho rằng, thẩm quyền giải quyết thuộc UBND thị xã Ngã Năm, với lý do sổ đỏ đã bị thu hồi, hủy bỏ thì mặc định tên trên đất trong sổ đăng ký ruộng đất và sổ địa chính không còn giá trị pháp lý. Theo khoản b, Điều 203, Luật Đất đai 2013, ông Thọ được chọn một trong 2 hình thức giải quyết tranh chấp là gửi đơn yêu cầu UBND thị xã hoặc khởi kiện ra tòa án.

Vì thế, ông Thọ chọn khiếu nại yêu cầu thị xã Ngã Năm giải quyết. Sau nhiều đơn không được thị xã xem xét, cuối tháng 3/2019, ông gửi đơn khiếu nại khẩn cấp đến Bí thư và Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND và HĐND tỉnh Sóc Trăng.

Ông Thọ bức xúc: “UBND thị xã Ngã Năm nhiều lần mời tôi lên làm việc và trả lời cho tôi là thẩm quyền giải quyết thuộc về tòa án. Tôi không đồng ý với hành vi thoái thác đùn đẩy trách nhiệm của UBND thị xã. Việc tôi lựa chọn UBND thị xã Ngã Năm, cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với trường hợp tranh chấp đất của gia tộc tôi là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật, nên UBND thị xã Ngã Năm phải tôn trọng sự lựa chọn của tôi và giải quyết theo quy định pháp luật”.

Ông Thọ cho biết thêm: “Đất hương hỏa của gia tộc chúng tôi, trên đất còn có mộ của chủ đất là cha và mẹ của liệt sĩ Nguyễn Bá Tước (nguyên Tỉnh ủy viên, Tỉnh đội phó tỉnh Gò Công hy sinh năm 1968). Theo Nghị định số 01/NĐ/75 ngày 05/3/1975 tại điểm 4 nêu: “Đối với ruộng đất của gia đình liệt sĩ, tử sĩ, thương binh, bệnh binh, chiến sĩ, cán bộ nếu chính quyền địa phương nào lấy sai, lấy bớt của đối tượng trên thì phải trả lại đầy đủ”.

“Qua 32 năm, nhiều thế hệ gia đình chúng tôi luôn đấu tranh để giữ lấy mảnh đất cha ông, sự thật đã rõ ràng qua nhiều lần xác minh nhưng đến nay UBND thị xã Ngã Năm vẫn không giải quyết là không thể chấp nhận. Chính vì vậy, tôi đề nghị các vị lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo UBND thị xã Ngã Năm sửa sai dứt điểm vụ việc đã được kết luận từ chục năm trước, không kéo dài thêm nữa, cụ thể là “công nhận quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho gia tộc tôi”, ông Thọ nói.

Bạch Dương