Thanh Hóa:

Vụ đánh nhau náo loạn khu du lịch Hải Tiến: Cần làm rõ có oan khuất hay không?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ hàng chục người mang theo hung khí kéo đến nhà hàng Hưng Thịnh 1 (xã Hoằng Tiến, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) gây gổ, đánh nhau khiến nhân viên nhà hàng chống trả tự vệ cũng phải đối mặt với tội danh “Gây rối trật tự công cộng”, ngày 8/1 tới đây phiên tòa sẽ được diễn ra và dự kiến xử trong vòng 3 ngày.

Từ tự vệ đến phải đi tù?

Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Thanh Hóa, xuất phát từ việc mâu thuẫn giữa Lê Văn Sỹ và Trần Văn Cường, Sỹ đã chạy vào nhà hàng Hưng Thịnh 1 nên vào 0h 40 phút ngày 9/6/2019, nhóm người thôn Tiền Thôn đã mang theo nhiều loại hung khí tập trung tại ngã tư cổng chào resort Hải Tiến để chửi bới, thách thức, ném hung khí vào nhóm nhân viên nhà hàng Hưng Thịnh 1.

Cáo trạng cũng chỉ ra Trương Phú Huân là người có hành động hô hào, kích động người dân thôn Tiền Thôn đi đánh nhau, có lời chửi bới, dùng gạch đá, vỏ chai bia ném về phía nhóm nhân viên nhà hàng Hưng Thịnh 1. Trong nhóm của Huân còn có Trương Phú Hoàng, Trương Quốc Lưu, Lường Hữu Hùng, Bùi Việt Chiến.

Vụ đánh nhau náo loạn khu du lịch Hải Tiến: Cần làm rõ có oan khuất hay không? - 1

Hàng chục đối tượng kéo đến hành hung nhân viên nhà hàng Hưng Thịnh 1 lần thứ 2 vào ngày 23/6.

Nhóm nhân viên nhà hàng Hưng Thịnh 1 gồm Cao Văn Bắc, Nguyễn Văn Hiệp, Lê Văn Tình, Lê Văn Phong, Nguyễn Nhữ Hai, Nguyễn Xuân Huy, sau khi bị bất ngờ tấn công cũng đã dùng vỏ chai, cốc chén có sẵn trong nhà hàng để ném lại.

Cáo trạng nêu: “Cao Văn Bắc (chủ nhà hàng – PV) sau khi bị bắt đã thừa nhận đứng ra đường, trước quán cầm vỏ chai bia cùng với một số nhân viên nhà hàng ném về phía nhóm người thôn Tiền Thôn nhưng đến ngày 27/6/2019,  bị can phản cung, khai báo chỉ can ngăn, không có hành động gì.

Vụ đánh nhau náo loạn khu du lịch Hải Tiến: Cần làm rõ có oan khuất hay không? - 2

Nhiều tài sản trong nhà hàng bị đập phá.

Hành vi của các bị can Trương Phú Huân, Trương Phú Hoàng Trương Quốc Lưu, Lường Hữu Hùng, Bùi Việt Chiến, Cao Văn Bắc , Nguyễn Văn Hiệp, Lê Văn Tình, Lê Văn Phong, Nguyễn Nhữ Hai và Nguyễn Xuân Huy đã xâm phạm đến trật tự công cộng, là nơi tập trung nhiều hộ dân cư sống, làm xấu hình ảnh của khu du lịch biển, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự an toàn xã hội tại địa phương, do đó các bị can đã phạm vào tội “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 318 BLHS”.

Được biết, các bị can đang bị tạm giam gồm Trương Phú Huân, Trương Phú Hoàng, Trương Quốc Lưu, Lường Hữu Hùng, Cao Văn Bắc.

“Mong chờ công lý”

Chị Nguyễn Thị Hoài, vợ của Cao Văn Bắc không khỏi bức xúc cho biết, chị đã gửi đơn kêu oan cho chồng và nhân viên của nhà hàng đến rất nhiều cơ quan chức năng và đang mong chờ công lý từ phiên tòa sắp diễn ra.

“Nhà hàng chúng tôi không có bất kỳ mâu thuẫn gì với nhóm người thôn Tiền Thôn. Lúc Lê Văn Sỹ bị Trần Văn Cường đuổi đánh đã chạy vào nhà hàng nhưng nhân viên nhà hàng nói Sỹ đi nơi khác để không liên lụy đến nhà hàng. Sỹ cũng đi ngay, thế nhưng không hiểu sao một lúc sau thì nhóm người thôn Tiền Thôn (đứng về phía Cường) đã mang hung khí đến nhà hàng chúng tôi để gây gổ, đánh nhân viên nhà hàng. Để bảo vệ tính mạng, chồng tôi cùng với nhóm nhân viên phải chống trả lại. Thế nhưng, tất cả phải đối mặt với án tù” – chị Hoài nói.

Vụ đánh nhau náo loạn khu du lịch Hải Tiến: Cần làm rõ có oan khuất hay không? - 3

Chị Nguyễn Thị Hoài, vợ bị can Cao Văn Bắc đã gửi đơn kêu oan đến rất nhiều cơ quan chức năng.

Cũng theo người phụ nữ này thì cả một nhóm côn đồ mang theo hung khí bất ngờ đến hành hung người và nhóm nhân viên nhà hàng chống trả tự vệ cùng bị truy tố tội danh như nhau là “Gây rối trật tự công cộng” quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 318 là quá vô lý.

“Nếu không chống trả thì nguy hiểm đến tính mạng khi thời điểm đó trong nhà hàng có phụ nữ và trẻ nhỏ. Thế nhưng, khi chống trả để đuổi chúng đi thì chồng tôi, hai em trai tôi đều bị bắt giam. Hiện nay, 2 em trai tôi được tại ngoại còn chồng tôi suốt 6 tháng qua bị giam giữ.

Vụ đánh nhau náo loạn khu du lịch Hải Tiến: Cần làm rõ có oan khuất hay không? - 4

Sau khi chống trả lại nhóm côn đồ và bị bắt giam, người phụ nữ này vừa gồng gánh 3 đứa con vừa tiếp tục đi kêu oan cho chồng.

Chồng tôi nhiều năm qua đã luôn tham gia các hoạt động từ thiện của địa phương, luôn chấp hành nghiêm túc quy định của pháp luật đã được UBND xã Hoằng Phụ (nơi ở) và UBND xã Hoằng Thanh (nơi có nhà hàng) chứng nhận. Vì vậy, tôi rất mong cơ quan chức năng xem xét để chồng tôi được tại ngoại trong quá trình điều tra” – vợ Cao Văn Bắc cho biết thêm.

 “Dù kết luận điều tra có nhiều điểm bất thường thế nhưng “Cáo trạng số: 78/CT-VKS-P2 ngày 12/11/2019 của VKS nhân dân tỉnh Thanh Hóa” có những đoạn được copy gần như nguyên bản từ “Bản kết luận điều tra vụ án hình sự và đề nghị truy tố số 293/KLĐT-PC02 ngày 28/10/2019” của Cơ quan cảnh sát điều tra. Điều này Bộ luật tố tụng không có quy định nào nói điều đó là vi phạm, nhưng nhìn nhận dưới góc độ trình bày thì rõ ràng là có bất thường. Có thể hiểu trong trường hợp này thì quan điểm điều tra và truy tố giống nhau đến mức lạ kỳ và khó hiểu. Không những vậy, VKS ra cáo trạng mà copy kết luận điều tra thể hiện việc tắc trách và thiếu trách nhiệm” – luật sư Phan Quốc Thắng, công ty Luật TNHH FAITH (TP Hà Nội) nêu quan điểm.

Nguyễn Hoàng