TP.HCM - Bài 2:

Vụ dành cả tuổi thanh xuân đi đòi đất: 5 lần chỉ đạo từ Chính phủ!​

(Dân trí) - Gần 20 năm qua, đã có 5 văn bản của Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, đôn đốc giải quyết khiếu nại của bà Phượng nhưng đến nay chưa được các cơ quan chức năng giải quyết thấu đáo. Người dân từng có 16.000m2 đất giờ chịu cảnh trắng tay, cuộc sống khốn khó, ăn ở tạm bợ.

Hàng loạt chỉ đạo

5 lần Chính phủ chỉ đạp giải quyết vụ việc của bà Phượng.
5 lần Chính phủ chỉ đạp giải quyết vụ việc của bà Phượng.

Như Báo Dân trí đã phản ánh, trước giải phóng, gia đình bà Lê Thị Hồng Phượng sở hữu 16.000 m2 đất tại Bình Trị Đông, Bình Chánh. Do nằm ở vị trí đắc địa nên nằm 1974, gia đình bà san lấp mặt bằng, xây dựng hàng rào để chuẩn bị xây dựng dự án Khu thương xá. Đến ngày 30/4/1975 Sài Gòn được giải phóng, phần đất này được chính quyền mới tạm giữ nhưng không ra văn bản tịch thu hoặc cải tạo hoặc trưng thu sử dụng. Sau khi đất nước ổn định, từ năm 1978 gia đình bà Phượng liên tục có đơn xin lại phần đất trên nhưng lãnh đạo huyện chưa xem xét.

Do đất của gia đình bà Phượng có giấy tờ hợp pháp nhưng địa phương lại chia cho người khác nên bà khiếu nại vượt cấp. Gần 20 năm qua, đã có 5 văn bản của Thủ tướng/ Phó Thủ tướng Chính phủ nhắc nhở, đôn đốc giải quyết nhưng chưa được UBND TP. Hồ Chí Minh giải quyết thấu đáo. Cụ thể: Văn bản số 2254/VPCP.VII ngày 9/5/2003; văn bản số 4657/VPCP.VII ngày 24/8/2006; văn bản số 5712/VPCP – KNTN ngày 29/8/2008; văn bản số 2493/VPCP-KNTC ngày 17/4/2009 và mới đây nhất là văn bản 5892/VPCP-V.I ngày 7/6/2017.

Cụ thể, văn bản 5892/VPCP-V.I ngày 7/6/2017 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường và UBND TP.HCM rà soát và giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng liên quan đến quyền sử dụng đất tại phường An Lạc A (quận Bình Tân), tổ chức đối thoại với gia đình bà Phượng, đề xuất biện pháp giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 6/10/2017, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Đặng Công Huẩn ra Quyết định 2498/QĐ-TTCP thành lập Đoàn thanh tra liên ngành gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra TP. HCM giải quyết khiếu nại của bà Phượng, thời hạn kiểm tra là 15 ngày.

Làm việc với Đoàn thanh tra ngày 17/10/2017, vợ chồng bà Phượng (chồng là ông Hà Ngọc Thạch) đã yêu cầu Công ty CP bến xe Miền Tây xem xét “trả lại phần diện tích còn trống dùng để đỗ xe để chúng tôi có nơi ở và ổn định cuộc sống”. Đối với phần đất bị trên 30 hộ dân lấn chiếm và xây dựng nhà ở kiên cố, vợ chồng bà Phượng đồng ý hiến tặng để các hộ dân ổn định cuộc sống.

Riêng đối với ông Nguyễn Văn Nhờ (nguyên lãnh đạo huyện Bình Chánh), vợ chồng bà Phượng yêu cầu phần đất mà ông Nhờ nhận tiền do được đền bù đất khi mở rộng lộ giới (khoảng 1.000m2) yêu cầu thu hồi và sung vào quỹ học bổng cho học sinh nghèo huyện Bình Chánh và quận Bình Tân. Ngoài ra, phần đất mà ông Nhờ đang cho nhiều đơn vị thuê, bà Phượng đề nghị trả lại cho bà. Phần đất mà ông Nhờ đang ở ổn định (1.000m2), bà Phượng đồng ý tặng cho ông Nhờ.

Kiến nghị có lợi cho dân bị “phớt lờ”?

Giấy tờ liên quan đến mảnh đất 16.000m2 của gia đình bà Phượng.
Giấy tờ liên quan đến mảnh đất 16.000m2 của gia đình bà Phượng.

Trước đó, sau các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ đã vào cuộc cách đây gần 10 năm và có báo cáo số 485/BC-TTCP ngày 16/3/2009 kết luận về việc giải quyết khiếu nại của bà Lê Thị Hồng Phượng.

Nội dung báo cáo nêu: Việc cấp 1.000m2 đất ở cho ông Nhờ theo Quyết định 72/QĐ-UB ngày 15/3/1993 của UBND huyện Bình Chánh có phù hợp với hạn mức đất ở theo quy định của thành phố tại thời điểm ban hành quyết định hay không? Diện tích 1.000m2 đất còn lại chỉ được tạm cấp để sản xuất nông nghiệp nhưng khi xét công nhận lại được coi là đất ở. Phần diện tích còn lại ngoài diện tích 1.504m2 mà ông Nhờ quản lý sử dụng, Thanh tra Thành phố đã kiến nghị UBND thành phố giao đất có thu tiền đối với diện tích còn lại không nằm trong lộ giới, phần diện tích trong lộ giới thì tạm giao tại báo cáo số 212/BC-TTTP-XKT ngày 12/4/2007 của Thanh tra thành phố. Kiến nghị này là chưa phù hợp vì đây là phần đất không có quyết định giao đất của cấp có thẩm quyền.

Về nội dung khiếu nại liên quan đến diện tích đất của Công ty cổ phần xe khách Miền tây sử dụng ngày 18/10/2008 của UBND Thành phố, chỉ có văn bản chấp thuận hỗ trợ cho gia đình bà Phượng mà không ban hành quyết định giải quyết khiếu nại là chưa phù hợp với Luật Khiếu nại, tố cáo; Đối với tranh chấp khiếu nại liên quan đến diện tích đất của một số hộ dân đang sử dụng UBND huyện Bình chánh trước đây và sau này là UBND quận Bình Tân rất chậm trễ trong xem xét giải quyết cho đến nay cũng chưa phân tách từng trường hợp khiếu nại, tranh chấp để có thủ tục xem xét, giải quyết phù hợp.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ xem xét yêu cầu UBND TP.HCM nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với các đơn vị, cá nhân trong việc chậm giải quyết khiếu nại của bà Phượng theo quy định của pháp luật và không báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo chỉ đạo tại công văn số 2254/VPCP.VII ngày 9/5/2003 của Văn phòng Chính phủ; rà soát các nội dung đã xem xét, giải quyết; điều chỉnh những nội dung chưa phù hợp về: thẩm quyền, thể thức, chấp hành các quy định của pháp luật mà Đoàn thanh tra đã nhận xét để có biện pháp giải quyết khiếu nại của bà Phượng.

Ngoài Thanh tra Chính phủ, Thanh tra TP. HCM cũng có nhiều báo cáo, kiến nghị giải quyết theo hướng trả một phần đất cho bà Phượng. Thế nhưng, UBND thành phố không thực hiện kiến nghị của Thanh tra TP.HCM theo các báo cáo có liên quan đến vụ việc, đặc biệt là báo cáo số 39/BC – TTr ngày 10/2/2003 và báo cáo số 591/BC/BC-TTr ngày 5/11/2003 cũng như chưa thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ theo báo cáo số 485/BC-TTCP ngày 16/3/2009.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Xuân Hinh - Trung Kiên