Vụ dân xây dựng hàng rào, phường bắt xin phép: UBND TP Cà Mau báo cáo gì?

(Dân trí) - Liên quan đến vụ “Dân xây hàng rào, phường bắt xin phép, phòng Quản lý đô thị bảo không” ở TP Cà Mau (tỉnh Cà Mau), UBND TP Cà Mau vừa có báo cáo vụ việc này.

Theo báo cáo của UBND TP Cà Mau do ông Lê Tuấn Hải (Phó Chủ tịch UBND TP Cà Mau) ký thể hiện, vào tháng 1/2016, ông Phạm Thế Tài xây dựng nhà giáp ranh với phần đất ông Giang Văn Trọng (ngụ đường Lý Văn Lâm, khóm 6, phường 1, TP Cà Mau). Trong quá trình xây dựng nhà gần hoàn thiện thì ông Tài phát sinh tranh chấp với ông Trọng. Theo đó, ông Trọng đã yêu cầu ông Tài ngưng thi công để giải quyết vụ việc.

Ngày 29/2/2016, lực lượng chức năng tiến hành xác minh thực tế thì diện tích ông Tài xây dựng nhỏ hơn diện tích được cấp phép.

Đến đầu tháng 5/2016, ông Trọng tiến hành xây dựng hàng rào trên phần đất mà 2 bên tranh chấp trước đó. Ông Tài đã trực tiếp yêu cầu nên phường tiến hành lập biên bản, yêu cầu ông Trọng ngưng thi công để giải quyết.

Tuy nhiên, khi lập biên bản, người ghi biên bản đã dùng từ chưa đúng dẫn đến ghi nội dung: “Chủ đầu tư tổ chức thi công xây dựng công trình có phép xây dựng mà theo quy định thì phải có giấy phép xây dựng (hào rào cột sắt, kéo lưới B40)”. Trong khi đó, theo Quyết định số 111 ngày 5/5/2016 của UBND phường 1 về giải quyết vụ việc lại thể hiện: “Chủ đầu đã tổ chức thi công trên phần đất đang tranh chấp với ông Phạm Thế Tài và xây dựng lấn chỉ giới xây dựng”.

Hiện trạng căn nhà của ông Thành khi ông Trọng vừa trình báo cơ quan chức năng.
Hiện trạng căn nhà của ông Thành khi ông Trọng vừa trình báo cơ quan chức năng.
Theo ông Trọng, cơ quan chức năng đã ngó lơ chờ đến khi nhà ông Thành hoàn thành mới đứng ra hòa giải.
Theo ông Trọng, cơ quan chức năng đã "ngó lơ" chờ đến khi nhà ông Thành hoàn thành mới đứng ra hòa giải.

Về phía ông Giang Văn Trọng, sau khi biết được nội dung báo cáo nói trên, ông Trọng cho rằng: “Việc UBND phường nói chưa hề bắt ông phải xin phép là không đúng. Bởi, biên bản ghi “không phép” thì ông phải đi xin cấp phép để được xây dựng. Chẳng lẽ tôi phải chờ phường ra thêm văn bản kêu tôi đi xin phép hay sao”.

Việc tranh chấp với ông Phạm Thế Tài thì ông Trọng cho rằng, tại sao hàng rào của ông bị ngăn không cho thi công, còn căn nhà của ông Tài thì vẫn được tiếp tục xây dựng đến hoàn thành mà không ai làm gì. “Nếu phường nói diện tích ông Tài xây dựng nhỏ hơn diện tích được cấp phép thì tại sao bản vẽ hiện trạng nhà ông Tài và một hộ phía trước đất tôi lại có dấu hiệu thụt lùi. Việc tôi bị mất 7m chiều sâu thì trách nhiệm thuộc về ai?, ông Trọng bức xúc.

Ông Trọng nói tiếp: “Mới đây, ông La Văn Thành ngang nhiên đập phá hàng rào tôi để xây dựng nhà và nhà của ông Thành đã xây dựng lấn trên phần đất của tôi. Khi tôi gửi đơn yêu cầu đến cơ quan chức năng, thay vì đình chỉ thi công để giải quyết thì cán bộ phường lại viện lý do này lý khác để kéo dài. Và hiện nay căn nhà của ông Thành đã hoàn thành. Thử hỏi, cách xử lý vụ việc này của cán bộ phường có thể chấp nhận được không”.

Ông Trọng bức xúc khi biết trong quyết định của UBND phường 1 có nội dung ông xây dựng hàng rao lấn chỉ giới xây dựng, trong khi thực tế, hàng rào của ông còn thục lùi hơn các nhà cạnh bên và ngang nhau với căn nhà vừa được cấp phép.
Ông Trọng bức xúc khi biết trong quyết định của UBND phường 1 có nội dung ông xây dựng hàng rao lấn chỉ giới xây dựng, trong khi thực tế, hàng rào của ông còn "thục lùi" hơn các nhà cạnh bên và ngang nhau với căn nhà vừa được cấp phép.

Như Dân trí đã phản ánh, thời gian qua, dư luận Cà Mau xôn xao về việc ông Giang Văn Trọng (ngụ TP Cà Mau) cho xây dựng hàng rào bằng lưới B40 thì bị cán bộ phường 1 đến lập biên bản, buộc đình chỉ thi công với lý do công trình không phép.

Khi ông Trọng gửi đơn đến cơ quan chức năng và báo chí phản ánh, thì ông Lê Thái Minh Tâm (Chủ tịch UBND phường 1) cho rằng, vụ việc xuất phát từ tranh chấp đất và nguyên nhân ngăn không cho ông Trọng thi công là do xảy ra tranh chấp với ông Phạm Thế Tài và một số hộ khác phía trước đất ông Trọng.

Còn việc tranh chấp đất thì theo trình bày của ông Trọng, đất của ông thuộc các thửa 035 (tờ bản đồ số 04, diện tích 116m2), thửa 031 (tờ bản đồ số 04, diện tích 599m2), thửa 018 (tờ bản đồ số 03, diện tích 2.115m2), các thửa đất này đã được UBND TP Cà Mau cấp quyền sử dụng đất. Đồng thời, sau khi sang nhượng, ông Trọng làm thủ tục xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) và lập chứng chỉ quy hoạch.

“Ban đầu, dãy nhà phía trước giáp ranh phần đất của tôi là 24m (tính từ mí lộ cũ vào), riêng ông La Văn Thành 18m. Tuy nhiên, về sau, không hiểu vì nguyên nhân nào mà đất của các hộ dân phía trước ngày càng thụt lùi về phía sau, lấn vào vị trí đất của tôi nên mới xảy ra tranh chấp. Trong hợp đồng chuyển nhượng đất có sự xác nhận của nhiều người, trong đó có ông Lê Thái Minh Tâm (khi đó, ông Tâm là cán bộ địa chính và hiện nay là Chủ tịch UBND phường 1-PV) thể hiện, diện tích thực tế sang nhượng nhiều hơn diện tích trong sổ đỏ. Thế nhưng, hiện nay đất tôi bị thiếu hơn 7m chiều sâu, thử hỏi nó mất đi đâu”, ông Trọng đặt nghi vấn.

Theo hồ sơ thể hiện, bảng vẽ mặt bằng hiện trạng năm 2005, phần hậu đất các hộ phía trước tại khu đất nói trên là ngang nhau; hiện trạng năm 2012, đất một số hộ dân phía trước có dấu thụt lùi, lấn lên hiện trạng ban đầu của ông Trọng. Đến năm 2016 thì đất của các hộ phía trước lại thụt lùi một cách khá sâu về phía đất ông Trọng. Trong số đó, đất ông Phương Hán Hưng và ông Phạm Thế Tài là được “thụt lùi” nhiều nhất.

Hiện trạng năm 2005, phần hậu các dãy nhà phía trước đất của ông Trọng là ngang nhau...
Hiện trạng năm 2005, phần hậu các dãy nhà phía trước đất của ông Trọng là ngang nhau...
... và đến năm 2016 là như thế này.
... và đến năm 2016 là như thế này.

Tiếp xúc với PV Dân trí, Chủ tịch UBND phường 1- ông Lê Thái Minh Tâm không giải thích gì về hiện trạng đất của một số hộ dân “thụt lùi” một cách bất thường như nói trên. Ông Tâm cho rằng, phường chỉ có chức năng hòa giải. Tuy nhiên, ông Tâm cho biết, vị trí đất tính từ tim lộ (đường Lý Văn Lâm) có lúc là 9m, có lúc 13m.

Ở vấn đề này, ông Giang Văn Trọng cho rằng, nếu mở rộng tim lộ từ 9m thành 13m thì đúng ra phần đất của các hộ phía trước phải mất 3,5m và Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường cho các hộ dân. Còn nếu tính ngược lại thì đất của các hộ dân phải “lồi” ra phía trước chứ không thể “thụt lùi” về phía sau được.

Đặc biệt, ông Huỳnh Ngọc Huấn (chủ đất cũ) cũng đã xác nhận với cơ quan chức năng là khi ông bán đất có các hộ nói trên thì vị trí được tính từ mí lộ cũ, không trừ từ tim lộ theo như quy hoạch.

Nhận định về vấn đề tranh chấp phức tạp nói trên, ông Bành Tuấn Hậu - Phó Phòng Quản lý đô thị TP Cà Mau, cho rằng: “Xác định nguồn gốc ai đúng ai sai thì cần phải xem hồ sơ cấp sổ đỏ khi đó, bởi cấp giấy phép cho ông Thành xây dựng nhà, chúng tôi chỉ dựa trên cơ sở của việc cấp sổ đỏ. Khi cấp sổ đỏ, chắc chắn sẽ có các bên kế cận ký xác nhận là đất không tranh chấp”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ đến bạn đọc.

Tuấn Thanh