Thái Nguyên:

Vụ dân kiện chủ tịch huyện Đại Từ: Rộ nghi vấn lãnh đạo huyện gian dối?

(Dân Trí) - Liên quan đến vụ việc chủ tịch UBND huyện Đại Từ bị khởi kiện hành chính, sau 7 lần phiên tòa “vỡ trận”, ngày 23/10, TAND huyện Đại Từ đã tuyên cựu chiến binh Nguyễn Văn Bắc thua kiện trong một phiên mà các luật sư chỉ ra hàng loạt sự bất thường.

Tại phiên tòa ngày 23/10/2014, có sự tham gia của chủ tọa phiên tòa Lương Đức Long và hai hội thẩm: ông Huyền, ông Mười. Thành phần HĐXX đã có sự thay đổi so với Quyết định đưa vụ án ra xét xử ngày 16/09/2013 nhưng HĐXX không đưa ra căn cứ cho việc thay đổi hội thẩm và cũng không giao quyết định thay đổi hội thẩm cho các đương sự cùng luật sư bảo vệ. 24 nhân chứng được triệu tập tham gia phiên tòa trong đó rất nhiều người có tên trong quyết định đưa vụ án ra xét xử vắng mặt nhưng một số người không có tên lại có mặt đứng ra làm nhân chứng.

Mặc dù ngay sau khi mở đầu phiên tòa, luật sư đã kiến nghị hoãn do tài liệu làm căn cứ xét xử không đảm bảo tính hợp pháp để trở thành chứng cứ, tòa án từ chối giám định không có lý do cùng một số vấn đề khác như đơn thư tố cáo đối với thẩm phán Lương Đức Long chưa được giải quyết, nhưng thẩm phán Long vẫn quyết định đưa vụ án ra xét xử dù không đưa ra được bất kỳ lời giải thích nào.

Trong quá trình xét xử, Chủ tịch UBND xã Hà Thượng và người đại diện theo ủy quyền cho Chủ tịch UBND huyện Đại Từ - Ông Trần Văn Mỳ đều khẳng định rất nhiều lần rằng: chính quyền xử phạt hành vi vi xây nhà trái phép của ông Nguyễn Văn Bắc nhưng lại đưa ra các quy định về đất đai để làm căn cứ pháp lý xử phạt.

Vụ dân kiên chủ tịch huyện: Con kiến mà kiện củ khoai?
Vụ dân kiên chủ tịch huyện: Con kiến mà kiện củ khoai?

Khi bị luật sư truy vấn vì sao lại xử dụng căn cứ pháp lý “trái khoáy” là luật đất đai để xử phạt trong lĩnh vực xây dựng nhà ở, hai vị này lập tức cho rằng việc cưỡng chế liên quan đến đất đai. Sau quá trình hỏi, hai luật sư đã từng bước yêu cầu ông Trần Văn Mỳ phải xuất trình tài liệu gốc của vụ án nhưng ông Mỳ đã nhanh chóng nộp cho HĐXX một số tài liệu gọi là “gốc” nhưng không công khai từng tài liệu trước tòa.

Luật sư đã đưa ra ý kiến về việc: theo công văn số 137/CV-TA ngày 28/8/2014, thẩm phán Lương Đức Long từ chối giám định do “Toàn bộ các tài liệu do UBND huyện Đại Từ cung cấp cho Tòa án đều là bản sao công chứng, không phải tài liệu gốc để làm cơ sở giám định”. Nay bị đơn đã xuất trình tài liệu gốc, lý do từ chối giám định không còn nên luật sư yêu cầu HĐXX hoãn phiên tòa để tiến hành giám định các tài liệu gọi là gốc mà ông Mỳ vừa nộp cho HĐXX. Ý kiến này của luật sư đã được Vị đại diện Viện kiểm sát đồng tình và đại diện VKS cũng yêu cầu phải hoãn phiên tòa để giám định mới đảm bảo pháp luật.

Mặc dù vậy, HĐXX đã quyết định tiếp tục đưa vụ án ra xét xử khiến nhiều người tham gia phiên tòa sửng sốt. Kiến nghị của luật sư và của vị đại diện Viện kiểm sát đã bị "bỏ ngoài tai". Khi luật sư đề xuất lại thì thẩm phán Long mới tuyên bố vẫn tiếp tục phiên xét xử mặc dù không đưa ra được lời giải thích hợp lý. Luật sư phản đối, yêu cầu thẩm phán hoặc phải đưa ra căn cứ từ chối hoãn hoặc phải hoãn phiên tòa để giám định tài liệu, thẩm phán Long đã trả lời rằng “luật sư có quyền đưa ra kiến nghị nhưng chấp nhận hay không là quyết định của tòa”.

Để bày tỏ phản ứng quyết định của HĐXX, cả hai luật sư đã tuyên bố phản đối HĐXX và rời khỏi phiên tòa trước sự chứng kiến của đông đảo người dân.

Luật sư Ngô Tất Hữu và luật sư Trương Anh Tú (cùng Đoàn luật sư Hà Nội) người đang bảo vệ cho ông Bắc cho biết: "Suốt quá trình giải quyết vụ án kéo dài gần 2 năm thẩm phán Lương Đức Long vẫn khăng khăng giữ quan điểm, nhất định không chịu giám định các tài liệu của UBND huyện là bởi có khả năng hầu hết các tài liệu trong vụ án là tài liệu giả mạo được lập sau thời điểm cưỡng chế, đập phá nhà của ông Bắc để hợp thức hóa thủ tục theo quy định của pháp luật.

Chính vì vậy, nếu tiến hành giám định thì có thể không chỉ ông Trần Văn Mỳ hiện đang bị tố cáo đến Cơ quan CSĐT huyện Đại Từ về hành vi giả mạo hồ sơ tài liệu dính có nguy cơ vào vòng lao lý mà còn rất nhiều người đứng ra tổ chức, vạch đường và tham gia, ký tên trong các văn bản giả cũng sẽ bị pháp luật “sờ gáy”. Trong số những chữ ký này cũng không loại trừ chữ ký của ông Nguyễn Hải Đường - Chủ tịch UBND huyện Đại Từ.

Vấn đề mà luật sư và người dân đặt ra nghi vấn sẽ không thể giải quyết được nếu như không có sự chỉ đạo vô tư khách quan của cơ quan thẩm quyền và một Hội đồng giám định có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm. Sau khi luật sư rời phiên tòa, Phiên tòa tiếp tục xét xử trong tiếng ồn ào, la ó, phản đối của người dân có mặt và kết quả vụ án là người dân, cựu chiến binh Nguyễn Văn Bắc bị tuyên thua kiện".

Được biết, ông Nguyễn Văn Bắc đã kháng cáo bản án trái pháp luật kể trên, hai luật sư bảo vệ cho ông Bắc cũng đã có văn bản kiến nghị gửi các cơ quan thẩm quyền về các hành vi trái pháp luật của thẩm phán Lương Đức Long trong suốt quá trình giải quyết vụ án cũng như trong phiên tòa sơ thẩm ngày 23/10.

Trong một diễn biến khác, ngày 17/10/2014, hai luật sư bảo vệ cho ông Nguyễn Văn Bắc (luật sư Ngô Tất Hữu và luật sư Trương Anh Tú) đã trực tiếp gặp, làm việc và trao đổi với lãnh đạo các ngành chức năng huyện Đại Từ gồm: Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan CSĐT . Trong buổi làm việc này, các luật sư đã gửi tài liệu chứng cứ cùng Văn bản kiến nghị khởi tố vụ án, xử lý hình sự với ông Trần Văn Mỳ - Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Đại Từ về hành vi giả mạo giấy tờ tài liệu.  Như vậy, thời hạn hai mươi ngày để Cơ quan điều tra phải ra một trong hai quyết định: khởi tố hoặc không khởi tố không còn nhiều.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc

Anh Thế