Bài 3:

Vụ cụ bà 76 tuổi khốn khổ kêu cứu: Tòa cấp huyện “quên” giải quyết cho dân?

(Dân trí) - Sau khi Tòa án nhân dân Cấp cao tuyên huỷ toàn bộ hai bản án sơ thẩm, phúc thẩm và giao xét xử lại, đến nay hơn 7 tháng trôi qua nhưng Tòa án nhân dân huyện Bến Lức vẫn “bỏ ngoài tai” chỉ đạo của cấp trên khiến vụ việc “giậm châm tại chỗ”.

bangoc3-1476617909943

Hơn 7 tháng từ khi TAND Cấp cao quyết định tuyên hủy hoàn toàn hai bản án dân sự sơ thẩm và giao TAND huyện Bến Lức giải quyết lại nhưng sự việc chưa được thụ lý, giải quyết.

Ngày 16/10, bà Đỗ Thị Ngọc (76 tuổi, ngụ phường 5, TP Tân An, tỉnh Long An, nguyên Chi cục Trưởng chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Long An) vẫn đang mòn mỏi chờ sự vào cuộc của TAND huyện Bến Lức về việc điều tra bổ sung, giải quyết việc bà bị cấp dưới là bà Trần Thị Sáu (nguyên Trạm trưởng Trạm bảo vệ thực vật huyện Bến Lức, tỉnh Long An) ngang nhiên chiếm đoạt gần 15.000m2.

Rất nhiều lần gia đình bà Ngọc liên hệ với TAND huyện Bến Lức để xem vụ việc đến đâu thì đều bị từ chối, né tránh trả lời. Điều này khiến gia đình bà Ngọc vô cùng bức xúc trước cách làm việc thiếu trách nhiệm của những người liên quan.

“Tôi cứ nghĩ sự việc sẽ được TAND huyện Bến Lức và các cơ quan điều tra nhanh chóng đưa vụ việc ra điều tra và trả lại đất cho tôi nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Gia đình tôi cũng nhiều lần lên UBND, TAND huyện Bến Lức để tìm hiểu nhưng lãnh đạo luôn tìm cách tránh mặt. Tôi giờ đã già, sức khoẻ yếu kém nhưng vì chuyện này mà tôi không có 1 ngày được yên, các quan huyện không biết có để ý đến những người dân khốn khổ như chúng tôi không, hay là để khi tôi chết rồi mới vào cuộc xử lý”, bà Ngọc cay đắng nói.

Bà Ngọc mòn mỏi chờ sự vào cuộc TAND huyện Bến Lức và các cơ quan chức năng nhưng hơn 7 tháng nay sự việc vẫn giậm châm tại chỗ dù TAND Tối cao đã có chỉ đạo.
Bà Ngọc mòn mỏi chờ sự vào cuộc TAND huyện Bến Lức và các cơ quan chức năng nhưng hơn 7 tháng nay sự việc vẫn "giậm châm tại chỗ" dù TAND Tối cao đã có chỉ đạo.

Trước đó, tại quyết định giám đốc thẩm số 47/2016/DS-GĐT ngày 22/2 của Ủy ban thẩm phán - TAND Cấp cao tại TP HCM đã tuyên hủy toàn bộ hai bản án dân sự sơ thẩm số 11/2013/DSST ngày 31/1/2013 của TAND huyện Bến Lức và bản án dân sự phúc thẩm số 233/DSPT ngày 30/8/2013 của TAND tỉnh Long An. Ủy ban thẩm phán - TAND Cấp cao tại TP HCM xét thấy, bà Ngọc không ký hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ cho bà Sáu, cũng không ủy quyền cho người khác chuyển nhượng QSDĐ cho bà Sáu. TAND cấp sơ thẩm và phúc thẩm công nhận cho vợ chồng bà Sáu được quyền sử dụng phần đất của bà Ngọc được cấp là trái pháp luật.

Với nhiều điểm uẩn khúc, bất thường trong hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm tuyên đối với bà Ngọc, TAND Cấp cao đã quyết định tuyên hủy toàn bộ hai bản án này. Giao hồ sơ vụ án cho TAND huyện Bến Lức, tỉnh Long An xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

Để rộng đường dư luận và nắm bắt diễn biến việc giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân, PV Dân trí rất nhiều lần liên hệ cơ quan, ban ngành huyện Bến Lức để nắm bắt thông tin nhưng vô cùng khó khăn vì lãnh đạo đều… “bận họp”.

Mất rất nhiều thời gian chúng tôi may mắn mới gặp được ông Trương Văn Triều, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức. Ông Triều cho biết, hiện sự việc đang được TAND huyện Bến Lức điều tra và xét xử lại. UBND huyện sẵn sàng hỗ trợ thông tin, cung cấp chứng từ, chứng cứ liên quan đến vụ án nếu Toà yêu cầu nhưng vẫn chưa thấy TAND huyện Bến Lức liên hệ gì. Vụ việc này xảy ra từ đời chủ tịch cũ, tôi cũng có nắm bắt sự việc nhưng không được chuyên sâu.

“Về quy trình cấp GCNQSD đất của bà Ngọc nhưng lại được UBND huyện cấp cho bà Sáu tôi nghĩ có thể do một số cán bộ ưu ái cho bà Sáu vì thân quen từ trước. Do sự việc cách nay khá lâu và cũng liên quan đến nhiều phòng ban nên UBND huyện sẽ họp tổng hợp và gửi báo cáo cụ thể”, ông Triều khẳng định.

PV Dân trí tiếp tục liên hệ làm việc với TAND huyện Bến Lức thì người phát ngôn của toà này cho biết chưa thể cung cấp thông tin cho báo chí.

Trong đơn kêu cứu gửi đến nhiều cơ quan chức năng tỉnh Long An, bà Ngọc luôn khẳng định, “mấu chốt” khiến vụ việc của bà kéo dài chính là việc “quả bóng trách nhiệm" của UBND huyện Bến Lức và Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện này.

Dù gia đình cụ Ngọc có truyền thống cách mạng và đóp góp cho đất nước nhưng đến tuổi 76 cụ Ngọc vẫn chưa một ngày được yên vì cách giải quyết cơ quan chức năng
Dù gia đình cụ Ngọc có truyền thống cách mạng và đóp góp cho đất nước nhưng đến tuổi 76 cụ Ngọc vẫn chưa một ngày được yên vì cách giải quyết cơ quan chức năng

“Lẽ ra UBND huyện phải xem xét cấp GCNQSDĐ cho tôi thì ngược lại huyện lại ngăn chặn không cấp, việc làm này là cố ý vi phạm pháp luật, làm khó tôi. Thay vì thiện chí giải quyết cái sai của mình thì huyện Bến Lức đẩy sự việc sang tòa án, buộc TAND huyện thụ lý không đúng thẩm quyền. Đến tòa thì câu chuyện của tôi lại bị cuốn vào theo hướng khác khiến đến nay, dù tôi đã mòn mỏi, gửi đơn cầu cứu khắp nơi thì sự việc vẫn giậm chân tại chỗ. Tôi khiếu nại việc không cấp sổ đỏ cho tôi từ năm 2008 nhưng đến nay UBND huyện Bến Lức vẫn im lặng một cách khó hiểu”, bà Ngọc bức xúc trình bày.

Liên quan đến vụ việc này, đại diện gia đình bà Ngọc cho biết đã “cầu cứu” đến Tổng cục Quản lý Đất đai - Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc.

Trung Kiên - Xuân Hinh