Bài 51:

Vụ cổ phần hóa HACINCO: Sai phạm đã được chỉ rõ sao vẫn "cố đấm ăn xôi"?

(Dân trí) - “Lạ là việc chuyển nợ sai được cả Công an thành phố Hà Nội kết luận và UBND TP Hà Nội báo cáo Chính phủ rồi mà Thanh tra Chính phủ vẫn kết luận kiến nghị sai phạm trong việc chuyển nợ là không đúng, không có cơ sở. Vậy cơ quan nào kết luận thì mới là đúng, có cơ sở?” bạn đọc Dân trí bày tỏ quan điểm.

Liên quan đến sai phạm trong quá trình cổ phần hóa tại Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội (HACINCO) và việc Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp vừa chính thức ký công văn hỏa tốc gửi Thanh tra Chính phủ đề nghị xem xét và điều chỉnh lại kết luận thanh tra vụ cổ phần hóa HACINCO cho đúng với quy định, bạn đọc Báo Dân trí đã gửi về tòa soạn nhiều comment (ý kiến) bày tỏ quan điểm ủng hộ công văn của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, đồng thời mong mỏi sự việc sẽ sớm được giải quyết theo đúng pháp luật.

Bạn đọc Anh Tu: “Hoan hô ông Lê mạnh Hà, dù sắp nghỉ hưu nhưng vẫn quyết liệt làm hết nhiệm vụ của mình! Thanh tra Chính phủ vào cuộc và báo cáo Thủ tướng để giải quyết minh bạch”.

Mong vụ việc đã kéo dài hơn một thập kỷ qua sớm có hồi kết và trả nguyên giá trị cho nhà đầu tư chân chính, bạn đọc Chinh Nguyen Van: “Mong rằng với trách nhiệm của mình, Thanh tra chính phủ sẽ làm việc với sự minh bạch để đi đến kết luận đúng đắn nhất cho vụ cổ phần hóa Hacinco”.

Bạn đọc Do Thang: “Là độc giả trung thành của báo Dân trí, Tôi đã đọc rất nhiều bài báo về cổ phần hóa công ty XD số 2 Hà Nội. Qua các bài báo tôi thấy hy vọng được làm sáng tỏ vụ cổ phần hóa này. Nhưng hy vọng lắm lại thất vọng nhiều, không hiểu sao sự việc đã được bài báo chỉ ra quá rõ ràng như vậy mà các cơ quan chức năng không đứng ra giải quyết dứt điểm được... lần này Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN của Văn phòng chính phủ lại chỉ rõ trong Dự thảo báo cáo của Thanh tra Chính phủ có nhiều điểm không đúng, không có cơ sở. Đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, nghiên cứu và điều chỉnh lại kết luận thanh tra cho đúng với quy định của pháp luật, đồng thời rút kinh nghiệm tiếp thu ý kiến đóng góp. Hy vọng lần này Thanh tra Chính phủ nghiêm túc rút kinh nghiệm và xử lý đúng quy định đừng để nhà đầu tư thất vọng thêm một lần nữa???

Vụ cổ phần hóa HACINCO: Sai phạm đã được chỉ rõ sao vẫn "cố đấm ăn xôi"? - 1

Công văn hỏa tốc của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp gửi Thanh tra Chính phủ.

Công văn hỏa tốc của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp gửi Thanh tra Chính phủ.

“Với những tài liệu, văn bản đúng pháp lý thì chắc chắn cán bộ Thanh tra Chính phủ sẽ phải làm việc công minh và sáng suốt hơn. Từ đó, xem xét lại để ban hành Kết luận về việc thực hiện cổ phần hóa Công ty Hacinco theo đúng quy định pháp luật”, bạn đọc Lâm Mạc.

Bạn đọc Quy Nguyen: “Văn phòng Chính Phủ đã có ý kiến chính thức rồi. Hy vọng vụ Cổ phần Hóa nhiều sai phạm kéo dài 13 năm sớm kết thúc để tránh thiệt hại hơn nữa cho doanh nghiệp tham gia cổ phần và mất lòng tin của dân vào các chính sách của Nhà nước. Trân trọng!”.

Phấn khởi, mong mỏi và hy vọng rất nhiều, song bạn đọc Dân trí cũng không quên đưa ra những “thắc mắc khó hiểu” khi mà sự việc đã quá rõ ràng, bởi “HACINCO chuyển nợ sai có phải mỗi Ban đổi mới doanh nghiệp khẳng định đâu? Sở Tài Chính, Bộ Tài chính, Công an TP Hà Nội, UBND TP Hà Nội cũng kết luận cả rồi đấy chứ. Doanh nghiệp không thể nào trốn tránh sai phạm của mình được vì nó quá rõ ràng rồi. Doanh nghiệp cũng không thể mong người ta chấp nhận sai phạm được vì như thế sẽ tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp khác”, như ý kiến của bạn đọc Mai Phương Dương; hay ý kiến của bạn đọc Bảo Yến: “Việc chuyển nợ đâu phải chỉ sai ở chỗ chuyển cả những khoản nợ chưa đến hạn thành vốn góp mua cổ phần. Nó sai ngay từ khi không có phương án chuyển nợ được phê duyệt mà cố tình chuyển nợ đó chứ”.

Rất thẳng thắn, bạn đọc HoaLuat: “Không hiểu tại sao thời điểm năm 2009, Thanh tra Chính phủ lại ban hành một Kết luận Thanh tra thiếu cơ sở và vi phạm quy định pháp luật nghiêm trọng như vậy. Phải chăng, những người tiền nhiệm Thanh tra Chính phủ đã thu thập các thông tin thiếu trung thực, một chiều từ ông Nguyễn Chí Sỹ, nguyên Giám đốc Công ty Hacinco (người đang chờ bị kỷ luật) mà không tham vấn ý kiến của các Bộ ngành nên mới ra Kết luận gây nhiều tranh cãi như vậy. Hi vọng, với những tài liệu xác thực, căn cứ pháp lý cụ thể tại thời điểm hiện tại thì cán bộ Thanh tra Chính phủ nhiệm kỳ 2017 sẽ làm việc công minh hơn, sáng suốt hơn, ban hành Kết luận Thanh tra thực hiện cổ phần hóa Công ty Hacinco theo đúng quy định pháp luật”.

Bạn đọc Minh Quang: “Đã sai luật thì không thể nào được chấp nhận – trong bất kể trường hợp nào. Đã thế việc chấp thuận sai phạm lại ảnh hưởng đến quyền lợi của các nhà đầu tư hợp pháp thì càng không thể chấp nhận”.

Bạn đọc Hạnh Từ: “Phó Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương cổ phần hóa HACINCO trong tháng 7/2007 mà đến nay tháng 11 năm 2017 rồi vẫn chẳng thể giải quyết. Chẳng lẽ cổ phần hóa HACINCO lại thực sự khó đến vậy?”

Như Dân trí đã đưa tin, ngày 27/10/2017, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã ký Công văn hỏa tốc số 1124/BĐMDN gửi Thanh tra Chính phủ đưa ra quan điểm chính thức:

Thứ nhất, dự thảo báo cáo chưa làm rõ nội dung của Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội kiến nghị về chuyển nợ thành vốn góp mua cổ phần tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội.

Thứ hai,… theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp thì việc chuyển tất cả các khoản nợ thành tiền thanh toán mua cổ phần (góp vốn) là trái với quy định tại Điều 12 Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ. Nghị định số 187/2004/NĐ-CP quy định chỉ các khoản nợ đến hạn hoặc quá hạn mới được chuyển nợ thành vốn góp.

Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã đề nghị Thanh tra Chính phủ xem xét, nghiên cứu thêm và điều chỉnh lại kết luận thanh tra cho đúng với quy định.

Theo công văn hỏa tốc, các căn cứ để ban thường trực Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp đưa ra quan điểm chính thức là: Điều này đã được cơ quan Công an TP Hà Nội báo cáo tại công văn số 440 BC-CAHN-PC15 (Đ1) ngày 18/4/2006 và Công văn số 07/CV-CAHN (PC15) ngày 16/10/2007 trong đó đã nêu rõ sai phạm của việc chuyển nợ thành vốn góp khi mua cổ phần tại Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội. Đồng thời, UBND TP Hà Nội cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trong đó cũng khẳng định những vi phạm của Công ty Đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội trong quá trình cổ phần hóa (báo cáo số 1312/UBND-CN ngày 13/3/2007).

Những văn bản từng khẳng định hàng loạt sai phạm không thể chối cãi

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, ngày 18/4/2006, Công an TP Hà Nội đã có Công văn số 440BC/CAHN-PC15 (D1) trích yếu về việc xử lý vi phạm trong chuyển đổi cổ phần hóa do Đại tá Đỗ Kim Tuyến - Phó giám đốc Công an TP Hà Nội ký gửi đồng chí Nguyễn Thế Quang - Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban đổi mới doanh nghiệp

Công văn cho biết: Bản chất của việc này là Công ty đã báo cáo và đề nghị chuyển nợ cho 26 nhà đầu tư không có số dư nợ tại Công ty hoặc số tiền đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp lớn hơn số dư nợ cho vay.


Phó Thủ tướng từng yêu cầu xử lý trách nhiệm hàng loạt cá nhân, tập thể liên quan vụ cổ phần hóa Công ty HACINCO.

Phó Thủ tướng từng yêu cầu xử lý trách nhiệm hàng loạt cá nhân, tập thể liên quan vụ cổ phần hóa Công ty HACINCO.

Đối với số tiền mặt do 35 nhà đầu tư đã nộp tiền mặt vào Công ty với tổng số tiền là: 8.990.000.000 đồng thì Công ty đã không sử dụng đúng quy định số tiền: 7.251.500.000 đồng mà để trả nợ, trả lãi vay ngân hàng, lãi vay các đối tác, chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty. Chỉ có 1.738.500.000 đồng được Công ty đem nộp tiền đặt cọc, để mua cổ phần tại Công ty chứng khoán Bảo Việt.

Số cổ phần ưu đãi của 498 lao động trong doanh nghiệp là: 3.354.335.400 đồng phải nộp vào kho bạc nhưng Công ty không thực hiện.

Đối với Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt và Trung tâm giao dịch chứng khoán Hà Nội: đã không kiểm tra phát hiện và hướng dẫn kịp thời các hồ sơ chuyển nợ không đủ điều kiện, cũng như trách nhiệm trong việc tư vấn đại hội cổ đông cảu Công ty đầu tư xây dựng số 2, dẫn đến việc thực hiện chuyển nợ sai quy định, đại hội cổ đông không đúng chế độ quy định (một số cổ đông chưa nộp tiền vẫn được dự đại hội).

Căn cứ vào những tài liệu thu thập được, Công an TP Hà Nội nhận thấy: Việc thực hiện chuyển đổi cổ phần hóa tại Công ty đầu tư xây dựng số 2 đã vi phạm Nghị định 187/NĐ-CP, Thông tư 126/2204/TT-BTC.

Tiếp đó, Ngày 16/1/2007, Công an TP Hà Nội đã có báo cáo số 07/CV/CAHN (PC15) do Đại tá Đỗ Kim Tuyến - Phó giám đốc ký gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu, các Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội và Giám đốc Công an TP Hà Nội chỉ rõ 5 sai phạm trong quá trình cổ phần hóa tại Công ty HACINCO.

Thứ nhất, thực hiện chế độ bán cổ phần ưu đãi: Theo văn bản số 2443/LĐTBXH-LĐVL ngày 19/7/2006 của Bộ lao động thương binh xã hội và văn bản số 133/LĐTBXH-CSLĐVL ngày 5/5/2006 của Sở lao động thương binh xã hội Hà nội, trong thực hiện chế độ cổ phần ưu đãi Công ty đầu tư xây dựng số 2 đã thực hiện 2 lần với 498 cán bộ công nhân viên vì vậy với tổng số 3.281 năm = 328.100 cổ phần ưu đãi bán không đúng chính sách chế độ.

Ngay sau khi xác định cổ phần ưu đãi đã xuất hiện tình trạng một số cán bộ chủ chốt mua gom cổ phần ưu đãi của cán bộ công nhân viên (CBCNV). Cụ thể: Bà Nguyễn Thị Phúc - Phó Giám đốc Công ty 2, mua gom 92.300 cổ phần của 40 CBCNV; Ông Nguyễn Đình Chiến (anh ruột ông Nguyễn Chí Sỹ - Giám đốc Công ty) mua gom 71.810 cổ phần của 41 CBNV; Bà Nguyễn Thị Vinh - Giám đốc khách sạn thể thao (em ruột ông Sỹ) mua gom 22.000 cổ phần của 15 CBCNV.

Công an TP Hà Nội khẳng định: Việc làm trên vi phạm quy định tại Nghị định số 187/2004/NĐ-CP, có dấu hiệu của việc lợi dụng chức vụ và ảnh hưởng của người có chức vụ để trục lợi.

Thứ hai, thực hiện chuyển nợ thành vốn góp sai quy định: Thực hiện chuyển nợ thành vốn góp khi thanh toán kết quả đấu giá trái quy định tại Điều 12 Nghị định 187/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 của Chính phủ và Thông tư 126/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 với số tiền 7.571.500.000 đồng (phần chuyển nợ thành vốn góp không có trong phương án cổ phần hóa của Công ty đầu tư xây dựng số 2) trong đó có 3 người là người nhà ông Sỹ - giám đốc, điển hình trường hợp góp vốn khống như: Ông Lê Đình Hưng, Số 4 Lý Thái Tổ - Hoàn Kiếm - Hà Nội, danh sách góp vốn 2 tỷ nhưng thực tế góp có 1 tỷ đồng; Công ty TNHH Phú Quang - 56 Thuốc Bắc - HN - danh sách góp vốn 1,8 tỷ đồng, nhưng thực tế không có khế ước vay nợ.

Công an TP Hà Nội khẳng định: Vì việc chuyển nợ thành vốn góp không đúng nên đã có 21 nhà đầu tư không đủ tư cách tham gia đại hội cổ đông.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo xủ lý dứt điểm vụ cổ phần hóa Hacinco.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo xủ lý dứt điểm vụ cổ phần hóa Hacinco.

Thứ ba, việc tổ chức Đại hội cổ đông: Ngày 1 và 2 tháng 12 năm 2005 tổ chức Đại hội cổ đông vi phạm Điều 72 và Điều 74 Luật doanh nghiệp. Cụ thể: Không báo cáo danh sách nhà đầu tư với cơ quan cấp trên; Một số nhà đầu tư không đủ tư cách tham gia Đại hội cổ đông (vi phạm được nêu ở mục 1 và 2); Giấy triệu tập cuộc họp theo quy định phải đưa trước 7 ngày nhưng thực tế đưa giấy triệu tập trước một ngày là trái quy định.

Thứ tư, sai phạm của các cơ quan chức năng: Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt và Trung tâm chứng khoán Hà Nội không kiểm tra phát hiện và hướng dẫn kịp thời các hồ sơ chuyển nợ không đủ điều kiện thực hiện cổ phần ưu đãi 2 lần với 498 cán bộ nhân viên cũng như trách nhiệm trong việc tư vấn Đại hội cổ đông của Công ty đầu tư xây dựng số 2 dẫn đến việc thực hiện chuyển nợ sai quy định, Đại hội cổ đông không đúng quy định.Tổng công ty đầu tư phát triển nhà Hà Nội chưa thực hiện tốt việc chỉ đạo, giám sát quá trình cổ phần hóa tại Công ty Đầu tư xây dựng số 2, chưa phát hiện kịp thời các sai sót của Công ty để báo cáo UBNDTP xem xét xử lý.

Đặc biệt, Công an TP Hà Nội đã kết luận vi phạm của cá nhân ông Nguyễn Chí Sỹ - Giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 như sau: Doanh nghiệp liên tục lỗ cụ thể năm 2004 lỗ 1,9 tỷ, năm 2005 lỗ 7,4 tỷ đồng, đây là trách nhiệm của Giám đốc Công ty.

“Đối với những sai phạm trong tổ chức cổ phần hóa Công ty đầu tư xây dựng số 2, trách nhiệm thuộc Giám đốc Công ty. Một số người nhà thân quen của Giám đốc Công ty mua gom cổ phiếu ưu đãi và góp vốn khống gây bức xúc dư luận với các nhà đầu tư.

Việc chi trả lãi suất tiền vay cho cán bộ nhân viên và người nhà ông Sỹ không thực hiện đúng quy định, trong đó có cá nhân ông Sỹ. Danh sách bước đầu cho thấy với 8 người cho Công ty vay vốn đã trả lãi suất không đúng gây thiệt hại 110 triệu đồng. Trong đó cá nhân ông Sỹ được hưởng 49 triệu đồng”.

Ngày 13/3/2007, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 1312/UBND-CN do Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình ký gửi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

UBND TP Hà Nội đã chỉ 4 sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Công ty HACINCO. Cụ thể:

Thứ nhất, Kê khai trùng số năm công tác của người lao động để tăng số tiền được nhà nước ưu đãi khi mua cổ phần. Số năm công tác tính trùng là 3281 năm, số tiền ưu đãi tính thừa là 3281 năm x 100cổ phần/năm x 10.001 đồng/cổ phần x 40% = 1.312.531.240 đồng.

Thứ hai, chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần không đúng quy định, cụ thể như sau: Phương án chuyển nợ vay thành vốn góp cổ phần không không được xây dựng trong phương án cổ phần hóa trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; Tự ý thực hiện chuyển nợ thành vốn góp cho một số đơn vị, cá nhân và việc chuyển nợ có sai sót lớn. Tổng số đề nghị chuyển nợ là 14.360.500.000 đồng, khi kiểm tra chỉ có 6.789.000.000 đồng là đủ điều kiện chuyển nợ thành vốn góp và được trừ vào tiền mua cổ phần phải thanh toán, còn lại 7.561.500.000 đồng đã thực hiện không đúng quy định do không có số dư nợ tại công ty hoặc số tiền đề nghị chuyển nợ vay thành vốn góp lớn hơn số dư nợ vay.

Thứ ba, giám đốc Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội đã tự ý sử dụng tiền phát hành tăng vốn điều lệ trái quy định của pháp luật làm cho một số nhà đầu tư thắc mắc.

Thứ tư, quá trình tổ chức đại hội cổ đông còn nhiều sai sót.

Về sai phạm của Công ty đầu tư xây dựng số 2 Hà Nội trong quá trình cổ phần hóa, Bộ LĐTBXH đã có văn bản khẳng định sai phạm của công ty trong việc kê khai và tính trùng thời gian công tác của người lao động để hưởng ưu đãi của nhà nước trước khi mua cổ phần (văn bản số 2443/LĐTBXH-LĐVL ngày 19/7/2006); Bộ Tài chính đã có công văn khẳng định sai phạm trong việc chuyển dư nợ vay thành vốn góp cổ phần (văn bản số 11083/BTC-TCDN ngày 11/9/2006).

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.

Anh Thế - Ngọc Hân