Vụ cho ở nhờ có nguy cơ mất nhà: “Lý lịch” đất đã “rõ như ban ngày”!

(Dân trí) - Căn cứ vào kết luận chuyên môn của nhiều cơ quan chức năng, trong đó có Sở TNMT TP Hà Nội, 2 cấp Toà tại TP Hà Nội đều đã đưa ra phán quyết yêu cầu người thuê nhà số 79 Tây Sơn phải trả lại nhà cho chính chủ. Cùng đó, TAND Tối cao cũng ra kết luận khẳng định “lý lịch” đất đã “rõ như ban ngày”.

Liên quan vụ kiện đòi nhà cho ở nhờ tại số 79 phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa (Hà Nội) kéo dài hơn một thập kỷ, về nguồn gốc ngôi nhà trong Thông báo trả lời cho đương sự là ông Ngô Gia Lâm số 19/TANDTC- VGĐKTII của Tòa án nhân dân Tối cao ngày 25/01/2016 có nêu rõ: “Nhà và đất tại số 79 phố Tây Sơn, số 49 phố Thái Hà (cũ) có nguồn gốc của cụ Ngô Đức Hiển. Năm 1951 cụ Hiển cho gia đình cụ Nguyễn Văn Sửu ở thuê. Do nhà cũ hư hỏng nên cụ Sửu làm lại nhà để ở. Ngày 21/5/1963 cụ Hiển giao cho Nhà nước quản lý theo Thông tư số 73/TTg ngày 7/7/1962 của Chính phủ về việc “Quản lý đất của tư nhân cho thuê, đất bỏ hoang ở nội thành, nội thị”.

Vụ cho ở nhờ có nguy cơ mất nhà: “Lý lịch” đất đã “rõ như ban ngày”! - 1

Cả 3 cấp Toà đều xác định rõ nguồn gốc nhà đất 79 Tây Sơn, đồng thời yêu cầu trả lại tài sản cho chủ nhà đất.

Cả 3 cấp Toà đều xác định rõ nguồn gốc nhà đất 79 Tây Sơn, đồng thời yêu cầu trả lại tài sản cho chủ nhà đất.

Ngày 4/7/1963 cụ Sửu có Giấy xin sử dụng đất, ngày 31/7/1963 Sở Quản lý nhà đất Hà Nội duyệt đơn đồng ý cho cụ Sửu được sử dụng diện tích đất 70m2 thuộc thửa đất số 66 tờ bản đồ số 64 có ghi rõ trên diện tích đất có 1 căn nhà gạch do cụ Sửu xây dựng để ở trong thời gian thuê nhà của cụ Hiển do nhà cũ bị hư hỏng. Cụ Ngô Gia Hồng (cha ông) là người được cụ Sửu cho ở thuê lại một phần căn nhà này. Năm 1989 cụ Hồng chết thì vợ chồng ông cùng các con ông tiếp tục ở tại nhà 79 Tây Sơn. Năm 1996 cụ Sửu chết, năm 1980 cụ Phạm Thị Pháo vợ của cụ Sửu chết. Nay do có nhu cầu về chỗ ở nên các đồng Nguyên đơn là con của cụ Sửu, cụ Pháo khởi kiện đòi nhà 79 Tây Sơn và yêu cầu Tòa án giải quyết buộc gia đình ông phải giao trả lại căn nhà tại 79 phố Tây Sơn cho các đồng nguyên đơn.


Chính gia đình bị đơn cũng thừa nhận đây là người thuê nhà trong nhiều tài liệu, văn bản.

Chính gia đình bị đơn cũng thừa nhận đây là người thuê nhà trong nhiều tài liệu, văn bản.

Tại các văn bản “Đơn trình bày việc sử dụng nhà đất, căn nhà 49 Thái Hà Ấp sau đổi là 79 Tây Sơn - Hà Nội” ngày 22/11/2003 của ông Nguyễn Đình Thành (con cụ Sửu) và “Biên bản họp 2 gia đình” lập ngày 14/12/2003 giữa gia đình ông Thành và ông, ông đều thừa nhận cha ông là cụ Hồng ở thuê nhà của cụ Sửu để ở. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đều quyết định buộc gia đình ông và những người đang ở nhà 79 Tây Sơn, Hà Nội phải giao trả căn nhà này cho các đồng Nguyên đơn là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

Tòa án nhân dân Tối cao xét thấy không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án dân sự phúc thẩm nêu trên và thông báo để ông biết.”

Trong quá trình giải quyết vụ án, Sở Tài nguyên và Môi trường thừa ủy quyền của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã có rất nhiều Công văn trả lời cho Tòa án nhân dân quận Đống Đa và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về nhà 79 Tây Sơn. Đó là các Công văn số 207 ngày 25/1/2010, Công văn số 1436 ngày 30/12/2010, công văn số 1608 ngày 28/11/2010. Sở Xây dựng thành phố Hà Nội cũng có Công văn số 8572 ngày 07/10/2010 trả lời Tòa án nhân dân quận Đống Đa. Tất cả các Công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội và Sở Xây dựng thành phố Hà Nội đều căn cứ vào sổ sách lưu trữ tại các Cơ quan này, xác định:

Nhà đất tại số 79 phố Tây Sơn cụ Ngô Đức Hiển đã giao nhà nước quản lý theo Thông tư 73/TTg ngày 7/7/1962. Sau khi nhà nước quản lý, cụ Nguyễn Văn Sửu có “Giấy xin sử dụng đất” và ngày 31/7/1963 Sở Quản lý nhà đất Hà Nội đồng ý. Như vậy, việc sử dụng nhà đất của cụ Sửu là phù hợp với điểm 4, tiểu mục 6 mục III Thông tư số 10-TTg ngày 4/2/1963 của Thủ tướng Chính phủ; trong “Giấy xin sử dụng đất” chỉ thể hiện có 01 nhà gạch và 01 nhà lá của cụ Nguyễn Văn Sửu, ngoài ra không có nhà của người khác. Căn cứ vào trả lời của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, Tòa án nhân dân quận Đống Đa và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xử buộc gia đình ông Ngô Gia Lâm phải trả nhà đất tại số 79 phố Tây Sơn, phường Quang trung, quận Đống Đa, Hà Nội cho gia đình ông Nguyễn Văn Sửu (đã mất), đại diện là bà Nguyễn Thu Vững.

Vụ cho ở nhờ có nguy cơ mất nhà: “Lý lịch” đất đã “rõ như ban ngày”! - 4

Tuy nhiên, Kháng nghị giám đốc thẩm của VNKSND Cấp cao tại Hà Nội về vụ việc khiến nhiều người đặt câu hỏi khó hiểu.

Tuy nhiên, Kháng nghị giám đốc thẩm của VNKSND Cấp cao tại Hà Nội về vụ việc khiến nhiều người đặt câu hỏi khó hiểu.

Tuy nhiên, chỉ sau khi TANDTC có Công văn trả lời số 19 được ban hành 1 ngày, tức là ngày 26/1/2016 VKSND Cấp cao tại Hà Nội đã ra Kháng nghị số 06 để yêu cầu TAND Cấp cao tại Hà Nội hủy Bản án Sơ thẩm và Phúc thẩm đã xét xử đúng pháp luật.

Theo Luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu (Đoàn luật sư thành phố Hà Nội) thì: “Vụ án này đã được Tòa án nhân dân quận Đống Đa xét xử sơ thẩm tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2014/DS-ST ngày 25/03/2014 và Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm tại Bản án dân sự phúc thẩm số 136/2014/DS-PT ngày 3/7/2014. Cả hai cấp Tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đều xử chấp nhận yêu cầu đòi nhà của Nguyên đơn, buộc ông Ngô Gia Lâm và anh chị em của ông Lâm phải trả nhà đất tại 79 Tây Sơn cho Nguyên đơn là bà Nguyễn Thu Vững là có căn cứ và đúng pháp luật, không có Thẩm phán nào dám làm sai lệch hay xử không đúng pháp luật cả. Đồng thời TAND Tối cao đã trả lời là cả hai Bản án đã xử đúng, không có căn cứ để kháng nghị vậy tại sao, vì động cơ gì hay nhận thức pháp luật sai lệch cơ bản nên Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao tại Hà Nội Kháng nghị để xem xét lại Chính sách của Nhà nước về quản lý, phân phối sử dụng nhà đất trước thời điểm ngày 01/7/1991 là điều bất thường, khó hiểu và chưa có tiền lệ”.


Luật sư Lê Văn Thiệp nhận định kháng nghị để xem xét lại Chính sách của Nhà nước về quản lý, phân phối sử dụng nhà đất trước thời điểm ngày 01/7/1991 là điều bất thường, khó hiểu và chưa có tiền lệ.

Luật sư Lê Văn Thiệp nhận định kháng nghị để xem xét lại Chính sách của Nhà nước về quản lý, phân phối sử dụng nhà đất trước thời điểm ngày 01/7/1991 là điều bất thường, khó hiểu và chưa có tiền lệ.

Luật sư Thiệp cũng đặt ra một câu hỏi: “Trong nội dung Kháng nghị này cũng nêu nội dung: “Ngày 02/3/2013, Tòa án nhân dân quận Đống Đa có Công văn gửi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để hỏi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục và tính phù hợp của Đơn xin sử dụng đất tại 79 phố Tây Sơn thời điểm năm 1963. Tại Công Văn số 1068/STNMT-TTr ngày 28/11/2013 của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hà Nội trả lời Tòa án nhân dân quận Đống Đa nêu rõ: “Giấy xin sử dụng đất của ông Nguyễn Văn Sửu ngày 04/7/1963 đã được Sở quản lý nhà đất Hà Nội phê duyệt đồng ý là đúng thẩm quyền. Việc phê duyệt theo Hồ sơ của Sở quản lý Nhà đất Hà Nội tại thời điểm năm 1963 thể hiện việc Nhà nước trực tiếp quản lý và phân phối sử dụng Đất theo Thông tư 73TTg ngày 07/7/1962 và Thông tư 10/TTg năm 1963 của Chính Phủ”. Như vậy thì Viện kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Hà Nội cũng đã viện dẫn đầy đủ về nội dung: Việc phê duyệt theo Hồ sơ của Sở quản lý Nhà đất Hà Nội tại thời điểm năm 1963 thể hiện việc Nhà nước trực tiếp quản lý và phân phối sử dụng Đất theo Thông tư 73TTg ngày 07/7/1962 và Thông tư 10/TTg năm 1963 của Chính Phủ” thì làm sao còn Kháng nghị về vấn đề này?”.

Mệt mỏi trong vụ án đòi nhà cho ở nhờ đến hơn thập kỷ, bà Vững bày tỏ: “Việc đã 6 lần hoãn Thi hành án để cản trở việc thực hiện Bản án đã có hiệu lực pháp luật và xét xử đúng đã gây mất niềm tin của người dân vào hệ thống Tư pháp, gây búc xúc và làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình tôi, hàng chục con người phải sống chung trong một gian nhà chật hẹp. Mọi hệ luỵ chúng tôi đang phải gánh chịu chỉ vì lòng tốt cho ở nhà của gia đình chúng tôi. Tôi kính mong Ủy ban Thẩm phán TAND Cấp cao tại Hà Nội xem xét bác Kháng nghị số 06/2016/KN-DS ngày 26/01/2016 của Viện kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại Hà nội vì nó quá vô lý và bất thường”.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!

Anh Thế