Bài 2:

Vụ 30 năm, 9 đời chủ tịch không làm nổi 592m đường: Sai phạm nghiêm trọng gì?

(Dân trí) - Đất của người dân đã được cấp bìa và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế nhưng không được chấp nhận. Trong quá trình tìm hiểu, các cơ quan chức năng cho biết, hàng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị các cấp làm sai.

Giao đất nhưng lòng ấm ức

Vụ 30 năm, 9 đời chủ tịch không làm nổi 592m đường: Sai phạm nghiêm trọng gì? - 1

Nhiều hộ gia đình mặc dù đã bàn giao mặt bằng nhưng vẫn ấm ức trước cách làm "ngẫu hứng" của các cơ quan chức năng

Hiện còn 8 hộ dân chưa đồng ý giao mặt bằng để thực hiện dự án. Thế nhưng, rất nhiều hộ mặc dù đã bàn giao mặt bằng nhưng họ rất ấm ức.

“Gia đình tôi đã chấp nhận giao mặt bằng cho họ thi công nhưng vẫn ấm ức. Nhà tôi bị lấy 21m2, lúc đầu họ thông báo được đền bù 32 triệu đồng/m2, nhưng giờ không được đồng nào cả. Vì con cái nên chúng tôi chấp nhận, chứ họ đền bù theo kiểu ngẫu hứng, thích cho ai thì cho”, một hộ gia đình xin được giấu tên ở phường Tân Giang nói.

Người dân này cũng thẳng thắn chỉ ra, như trường hợp của ông H. mua lại làm nhà sau này thì được đền bù. Trong khi nhà ông cũng như hàng chục hộ dân nơi đây sống từ nhiều đời nay thì lại không được đền bù.

Hy hữu hơn là trường hợp của ông Phan Tịnh (ông của Phan Mạnh Nghĩa, địa chỉ số 111 đường Nguyễn Công Trứ, phường Bắc Hà). Mảnh đất của ông Tịnh đã chia một một phần cho người em trai Nguyễn Quốc Ân (cùng mẹ khác cha). Tiếp đó, ông Ân lại bán cho người khác thì lại được nhận tiền đền bù.

Vụ 30 năm, 9 đời chủ tịch không làm nổi 592m đường: Sai phạm nghiêm trọng gì? - 2

Những người dân nơi đây đang xem xét khởi kiện vụ việc ra tòa

Trong khi đó, mảnh đất mà ông Phan Tịnh để lại cho người cháu ruột là ông Phan Mạnh Nghĩa được sử dụng từ lâu đời lại không được đền bù, cũng như hỗ trợ.

“Lúc đầu họ đã kiểm kê, áp giá và có bảng kê khai đền bù với số tiền hơn 608 triệu nhưng sau đó họ lại nói không được đền bù, cùng như không hỗ trợ”, anh Nghĩa cho biết.

Sau đó, anh Nghĩa đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng cầu cứu. Đồng thời, cương quyết không bàn giao mặt bằng để thi công.

Khi biết gia đình anh Nghĩa “làm căng” thì ngành chức năng lại xem xét để tính phương án hỗ trợ!.

“Đất chúng tôi ở lâu đời nay và đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế, chứ chúng tôi có đi xin đâu mà giờ họ lại nói xem xét để hỗ trợ. Chúng tôi có quyền lợi thì chúng tôi được hưởng, còn nói hỗ trợ chúng tôi không chấp nhận”, anh Nghĩa cho biết.

Cấp hàng loạt bìa đất sai phạm!

Dự án đường Nguyễn Công Trứ đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Hải Thượng Lãn Ông có tổng mức đầu tư là 49,845 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB 24,73 tỷ đồng.

Tuy nhiên chỉ có 42 trường hợp được nhận đền bù với số tiền hơn 17 tỷ đồng.

Ông Văn Hoài Ninh, Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng TP. Hà Tĩnh cho biết: "Số tiền 24,73 tỷ đồng tiền đền bù là dự toán, dự trù ban đầu. Sau khi rà soát, kiểm tra đối tượng nào đúng thì mới đền bù".

Cũng theo đại diện chủ đầu tư thì hiện nay, nguồn vốn không còn là vấn đề. Mẫu chốt khiến dự án "tắc nghẽn" là do giữa chính quyền và người dân chưa thống nhất được về nguồn gốc đất.

Vụ 30 năm, 9 đời chủ tịch không làm nổi 592m đường: Sai phạm nghiêm trọng gì? - 3

Người dân thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế trên thửa đất nhưng không được đền bù

Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 26 hộ dân (được cấp năm 2005) nơi đây đều có phần chú thích được ghi rõ, phần diện tích nằm trong chỉ giới quy hoạch đường, cấm được xây dựng.

Tuy nhiên, lúc làm bìa cũng như những năm sau đó, các hộ dân đều phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với phần diện tích nằm trong chỉ giới quy hoạch ấy.

Trao đổi với PV, Phòng TNMT TP. Hà Tĩnh cho biết, ngay từ thời điểm đầu thực hiện dự án đã gặp phải một số khó khăn, bất cập.

“UBND thành phố đã xin ý kiến của 7 sở ngành. Các sở đều có ý kiến khác nhau nhưng Sở TNMT là cơ quan chuyên môn nhất. Sau đó, tháng 3/2018, Sở TNMT có công văn số 751 đề nghị thực hiện theo bản đồ 371”, vị này cho biết.

Cũng theo vị này, sau khi kiểm tra, đối chiếu việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 26 hộ dân này không đúng. Theo đó, phần diện tích trong bìa đã vượt mốc chỉ giới bản đồ 371.

“Các cơ quan chức năng đang tham mưu thu hồi những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này nhưng rất khó khăn. Còn đối với người dân đã thực hiện các nghĩa vụ đối với thửa đất thì họ có thể thực hiện việc khiếu nại theo kênh khác”, vị này cho biết thêm.

Một cán bộ Ban bồi thường, hỗ trợ và tái định cư TP. Hà Tĩnh cũng thừa nhận có nhiều bất cập.

“Cùng đất thổ cư nhưng hộ được hộ không thì cũng bất cập thật. Cái này lập hồ sơ sai dẫn tới cấp bìa sai”, vị này nói.

Theo bút tích trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ dân thời điểm đấy là ông Trần Nam Hồng (Chủ tịch UBND thị xã Hà Tĩnh trước đây) và bà Đậu Thị Thủy (Phó Chủ tịch UBND thị xã Hà Tĩnh) nay đã về hưu.

Tuy nhiên, người dân nơi đây cho biết đất của họ ở từ hàng chục năm qua, trước mốc bản đồ 371 (năm 1995) nên việc đất không được đền bù là phi lý. Những người dân nơi đây cũng đang xem xét để khởi kiện vụ việc ra tòa án.

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.

Xuân Sinh