Vụ 15 năm đi đòi một mảnh đất: Căng thẳng phiên tòa thứ 13, chờ phán quyết cuối cùng

(Dân trí) - Phiên tòa thứ 13 diễn ra trong suốt ngày 21 và buổi sáng ngày 22/10 với không khí khá căng thẳng, cả nguyên đơn và bị đơn đều trình bày về những luận điểm bảo vệ cho quan điểm của mình về nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp. Tuy nhiên HĐXX vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.

Căng thẳng phiên tòa thứ 13… chờ phán quyết cuối cùng

Chờ một phán quyết cuối cùng

Ngày 21 và 22/10, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án dân sự đòi quyền sử dụng đất, với nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Đoan (SN 1949, trú tại xã Hưng Lộc, TP Vinh) và Nguyễn Thị Hiên (SN 1946, trú tại phường Hưng Dũng, TP Vinh), người được ủy quyền là ông Nguyễn Trường Nam (SN 1941, trú tại phường Hưng Dũng, TP Vinh). Bị đơn là bà Phạm Thị Cúc (SN 1962, trú tại phường Hà Huy Tập TP Vinh).

Vụ 15 năm đi đòi một mảnh đất: Căng thẳng phiên tòa thứ 13, chờ phán quyết cuối cùng - 1

Ông Nguyễn Trường Nam đại diện phía nguyên đơn trình bày tại phiên tòa.

Nội dung đơn khởi kiện nguyên đơn yêu cầu, đòi lại thửa đất số 6, tờ bản đồ số 18 diện tích theo hiện trạng là 315, 9m2 bị bà Phạm Thị Cúc công nhiên chiếm đoạt. Yêu cầu thu hồi lại số tiền đền bù giải phóng mặt bằng khi đường Trương Văn Lĩnh được mở đi qua thửa đất số 6 và tài sản trên đất mà bà Phạm Thị Cúc đã nhận. Thu hồi lại số tiền do bà Cúc công nhiên chiếm đoạt tại thửa đất, rồi cho người khác thuê lại…

Trình bày tại phiên tòa, ông Nguyễn Trường Nam đưa ra những bằng chứng mới chứng minh về nguồn gốc thửa đất số 6 thuộc quyền sử dụng của cụ Lê Thị Dung (mẹ bà Hiên và bà Đoan). Cụ thể tại biên bản kiểm kê đất đai tài sản trên đất để lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng đường Trương Văn Lĩnh vào năm 2002.

Nội dung biên bản này nêu rõ chủ hộ là cụ Lê Thị Dung, về đất đai gia đình hiện đang sử dụng thửa đất số 6 tời bản đồ số 18 diện tích 544,5m2. Diện tích bị thu hồi là 228,6m2. Khối lượng cây cối hoa màu trong đó có những cây lấy gỗ, củi thuộc loại lớn, cây hóp, tre to, hàng rào cây các loại… đặc biệt trong biên bản này bà Nguyễn Thị Đoan là người ký vào biên bản thay cho mẹ mình là cụ Lê Thị Dung.

Vụ 15 năm đi đòi một mảnh đất: Căng thẳng phiên tòa thứ 13, chờ phán quyết cuối cùng - 2

Biên bản kiểm kê đất đai tài sản khi làm đường Trương Văn Lĩnh, cũng thể hiện rõ thửa đất số 6 tờ bản đồ số 18 diện tích 544,5 m2 chủ hộ là cụ Lê Thị Dung.

Tại bảng áp giá tính toán số tiền bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng để xây dựng đường Trương Văn Lĩnh đối với thửa đất số 6 tờ bản đồ số 18 (căn cứ vào biên bản kiểm kê trước đó) được lập vào ngày 29/3/2002 thì chủ hộ cũng là cụ Lê Thị Dung với tổng số tiền đền bù là 10.266.460 đồng. Sau khi thu hồi, một hồ sơ kỹ thuật thửa đất mới được lập, trong hồ sơ kỹ thuật này chính bà Nguyễn Thị Đoan cũng thay mẹ mình để ký vào.

Bà Nguyễn Thị Hiên trình bày: Từ những bộ hồ sơ này, chứng minh rằng chủ hộ, người sử dụng thửa đất số 6 tờ bản đồ số 18 là mẹ tôi cụ Lê Thị Dung. Nếu không phải mẹ tôi là chủ hộ, người sử dụng mảnh đất trên thì sao em gái tôi lại ký vào những hồ sơ trên. Đặc biệt, trên đất cũng có những cây lớn lấy củi, lấy gỗ, củi vanh 200 thì rõ ràng là đã có tuổi đời hàng chục năm, như vậy bố mẹ tôi là người đã trồng, chăm sóc và quản lý sử dụng…  

Cùng thời điểm làm đường Trương Văn Lĩnh, thửa đất số 4 tờ bản đồ số 18 do bàn Phạm Thị Cúc là chủ hộ cũng bị ảnh hưởng với diện tích thu hồi là 67m2. Nội dung này được thể hiện rõ tại biên bản kiểm kê đất đai tài sản để lập phương án đền bù giải phóng mặt bằng vào năm 2002. Như vậy chứng minh rằng 2 thửa đất số 6 và số 4 là hoàn toàn riêng biệt và 2 chủ sở hữu khác nhau.

Vụ 15 năm đi đòi một mảnh đất: Căng thẳng phiên tòa thứ 13, chờ phán quyết cuối cùng - 3

Cũng trong năm 2002, tại biên bản kiểm kê tài sản khác, bà Phạm Thị Cúc là chủ hộ thửa đất số 4 tờ bản đồ số 18. 

Một trong những chứng cứ quan trọng khác mà phía nguyên đơn trình bày tại tòa là giấy xác nhận nguồn gốc, thời gian, diện tích và giá đất hộ gia đình, cá nhân được lập vào ngày 1/10/2002 để đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng đường Trương Văn Lĩnh. Nội dung nêu rõ: Tổng diện tích đất bà Phạm Thị Cúc sử dụng là 831,9m2, diện tích thu hồi là 67,4m2. Lô đất của bà Phạm Thị Cúc là đất thổ cư sử dụng liên tục trước ngày 4/1/1989. Nguồn gốc lô đất là của cha ông để lại…

Trong khi đó phía bị đơn cũng trình bày những luận điểm để chứng minh, bác bỏ  yêu cầu khởi kiện của phía nguyên đơn… Xét thấy cần có thời gian xem xét đánh giá các chứng cứ liên quan, HĐXX đã tạm hoãn phiên tòa để nghị án, dự kiến đến chiều ngày 29/10 phiên tòa sẽ tiếp tục và HĐXX sẽ đưa ra phán quyết cuối cùng.

Diễn biến vụ việc

Như Dân trí đã thông tin trước đó, suốt gần 15 năm qua ông Nguyễn Trường Nam và vợ là Nguyễn Thị Hiên mỏi mòn đội đơn đi khắp các cơ quan chức năng có thẩm quyền từ địa phương đến Trung ương để đòi lại quyền sở hữu hợp pháp đối với thửa đất mà mẹ mình để lại.

Vụ 15 năm đi đòi một mảnh đất: Căng thẳng phiên tòa thứ 13, chờ phán quyết cuối cùng - 4

Bà Nguyễn Thị Hiên trình bày tại phiên tòa, bà khẳng định thửa đất số 6 tờ bản đồ số 18 thuộc quyền sở hữu của bố mẹ mình.

Theo đó, cụ Nguyễn Trung Duông và vợ là cụ Lê Thị Dung về vùng Làng Trại - nay là khối Yên Sơn, phường Hà Huy Tập, TP Vinh, Nghệ An lập nghiệp. Qua quá trình sinh sống, năm 1956, Chủ tịch UBHC tỉnh Nghệ Tĩnh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất số 21, địa bạ số 21 cho cụ Nguyễn Trung Duông. Năm 2000, thực hiện Nghị định 60/CP thành phố Vinh đo và vẽ bản đồ địa chính thể hiện thửa số 6, tờ bản đồ số 18, diện tích 544,5m2 với tên chủ hộ là bà Lê Thị Dung. Năm 2001, bà Dung viết giấy giao cho hai con gái là Nguyễn Thị Hiên và Nguyễn Thị Đoan được quyền thừa kế thửa đất số 6 tờ bản đồ số 18.

Căng thẳng phiên tòa thứ 13… chờ phán quyết cuối cùng 2.

Năm 2003, cụ Lê Thị Dung họp gia đình lập Biên bản giao đất cho các con. Trong đó bà Phạm Thị Cúc (bà Cúc là con dâu) được giao 831,9m2 thửa số 4 tờ bản đồ số 18. Bà Nguyễn Thị Hiên và Nguyễn Thị Đoan được thừa kế diện tích đất 544,5 m2 ở khối Yên Sơn, phường Hà Huy Tập, TP Vinh.

Cũng trong thời gian này bà Phạm Thị Cúc (con dâu cụ Dung) làm đơn xin cấp GCNQSDĐ với diện tích 831,9m2 được thẩm định quy hoạch là thửa số 4 tờ bản đồ số 18 diện tích 831,9m2. Tuy nhiên, sau đó bộ hồ sơ đề nghị cấp GCNQSDĐ lại “biến” thành 1.376,4m2 vì bà Cúc có đơn xin gộp hai thửa đất số 4 và số 6 lại làm một. Từ đó dẫn đến vụ án kéo dài suốt gần 15 năm với hơn 10 phiên tòa đã diễn ra.

Diễn biến vụ việc đã được báo điện tử Dân trí thông tin đến bạn đọc qua nhiều bài viết. Đồng thời Tỉnh ủy Nghệ An cũng đã có những chỉ đạo sát sao liên quan đến quá trình giải quyết vụ việc.

Vụ 15 năm đi đòi một mảnh đất: Căng thẳng phiên tòa thứ 13, chờ phán quyết cuối cùng - 5

Giấy xác nhận nguồn gốc đất của gia đình bà Phạm Thị Cúc cũng nêu rõ diện tích là 831,9 m2, nguồn gốc đất do cha ông để lại.

Trong văn bản báo cáo số 53-BC/BNCTU của Ban Nội chính Tỉnh ủy báo cáo Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An nêu rõ. “Đây là vụ án thuộc diện Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An theo dõi, chỉ đạo. Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã có văn bản gửi lãnh đạo TAND tỉnh Nghệ An và các cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo giải quyết vụ án đảm bảo khách quan, đúng pháp luật.

Nội dung báo cáo số 53 nêu rõ quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An về nguồn gốc thửa đất số 6 tờ bản đồ số 18. Cụ thể, năm 1984, cụ Duông có đơn xin cấp đất làm nhà, UBND xã đã thống nhất cấp cho cụ 300m2 đất để anh Dũng (anh Dũng là con trai ông Duông, và là chồng bà Cúc). Vợ chồng anh Dũng đã xây dựng nhà trên diện tích đất 300m2. Còn phần đất phía cọi dưới (còn gọi là đất Đồng Dung chính là mảnh đất đang tranh chấp - thửa đất số 6) cụ Duông không cho vợ chồng bà Cúc. Như vậy, phần đất các đương sự đang tranh chấp là đất thuộc quyền quản lý của cụ Duông.

Ngày 5/3/1986, UBND xã Hưng Dũng cấp cho hộ bà Cúc 1.538m2 với hình thức xen dắm vườn cụ Duông. Tuy nhiên, trong quá trình quản lý, đo vẽ đất đai tại địa phương từ năm 1989 đến năm 2000 chưa một lần nào có tên bà Cúc trên bản đồ đối với thửa đất đang tranh chấp. Chỉ đến năm 2003, bà Cúc mới được cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất này (Quyết định cấp đất này đã bị Tòa án hành chính hủy).

UBND xã Hưng Dũng cấp đất cho bà Cúc vào năm 1986 chồng lên một phần diện tích đất của cụ Duông, do đó phần sơ đồ cấp đất sai về nội dung. Tại thời điểm năm 1986 theo Quyết định số 201 của Hội đồng Chính phủ quy định UBND xã không có thẩm quyền giao đất. Vì vậy, UBND xã Hưng Dũng giao đất cho bà Cúc bằng sơ đồ cấp đất là không đúng thẩm quyền. Do đó, thửa đất đang tranh chấp là tài sản chung của cụ Duông và vợ là cụ Dung. Hiện nay vợ chồng cụ Duông đã mất nên buộc bà Cúc phải trả lại thửa đất trên cho người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Đồng quan điểm trên, tại Thông báo số 126, do Tòa án nhân dân tối cao ban hành nêu rõ: Giấy tờ quyền sử dụng đất của bà Cúc do UBND xã Hưng Dũng cấp ngày 5/3/1986 chỉ là sơ đồ, không có quyết định cấp đất.

Vụ 15 năm đi đòi một mảnh đất: Căng thẳng phiên tòa thứ 13, chờ phán quyết cuối cùng - 6

Phiên tòa thứ 13 diễn ra trong suốt ngày 21 và buổi sáng ngày 22/10 với không khí khá căng thẳng, cả nguyên đơn và bị đơn đều trình bày về những luận điểm bảo vệ cho quan điểm của mình về nguồn gốc thửa đất đang tranh chấp. Tuy nhiên HĐXX vẫn chưa đưa ra phán quyết cuối cùng.

Trong đơn xin cấp GCNQSDĐ của bà Cúc có tẩy sửa diện tích từ 831,9m2 thành 1.376,4m2, biên bản xác định mốc giới thửa đất không có chữ ký của cụ Dung là hộ sử dụng đất liền kề. Sơ đồ cấp đất ở năm 1986 của UBND xã Hưng Dũng cấp cho bà Cúc có sai lệch về sơ đồ, vị trí, ranh giới đất… Trong khi, năm 2001 cụ Dung lập “giấy chứng nhận quyền thừa kế” cho hai con là Nguyễn Thị Hiên và Nguyễn Thị Đoan sử dụng diện tích 544,5m2 (thửa số 6, tờ bản đồ số 18, thửa đất đang tranh chấp) có xác nhận của chính quyền địa phương.

Căn cứ vào các quy định của pháp luật, hồ sơ cấp GCNQSDĐ và quá trình sử dụng đất của bà Cúc, UBND TP Vinh ban hành Quyết định số 47/QĐ-UB, ngày 11/3/2013, cấp giấy CNQSDĐ cho bà Cúc đối với diện tích 1.376,4m2 là không đúng quy định.

“Đây là phiên tòa thứ 13, tôi tin rằng HĐXX sẽ có cái nhìn toàn diện, công tâm, đánh giá xác đáng những chứng cứ để đưa ra phán quyết cuối cùng thấu tình đạt lý, khép lại vụ việc kéo dài trong suốt 15 năm qua”, ông Nguyễn Trường Nam cho biết.

Nhóm PV