Vụ 11 giáo viên mầm non bị “treo” biên chế tại Bình Định: Vì sao huyện trì hoãn?

(Dân trí) - Hơn 4 năm qua kể từ ngày 11 giáo viên hợp đồng tại Trường Mầm non 19-5 (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, Bình Định) gửi đơn “cầu cứu” cơ quan chức năng về việc không được xét vào biên chế. Thế nhưng đến nay, UBND huyện Phù Cát vẫn không giải quyết.

21 năm cống hiến vẫn không được vào biên chế

Theo trình bày của các giáo viên, tại điểm d, khoản 1, Điều 14 quy định về tuyển dụng viên chức (ban hành kèm theo Quyết định số 2700/QĐ-UBND ngày 14/8/2014 của UBND tỉnh Bình Định), nêu rõ: Người có trình độ trung cấp trở lên, có thời gian công tác đóng BHXH bắt buộc liên tục từ 36 tháng trở lên, thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với vị trí việc làm cần tuyển; đáp ứng được ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển dụng thì được xét tuyển đặc cách vào biên chế.

Trường Mầm non 19-5 (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, Bình Định), nơi 11 giáo viên bị treo biên chế nhiều năm qua.
Trường Mầm non 19-5 (thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát, Bình Định), nơi 11 giáo viên bị "treo" biên chế nhiều năm qua.

Đặc biệt, trong năm 2014, UBND huyện Phù Cát được Sở Nội vụ giao 66 chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non, trong đó có chỉ tiêu dành cho giáo viên đang dạy tại Trường Mầm non 19-5.

Căn cứ theo quy định của UBND tỉnh và chỉ tiêu biên chế trên, 11 giáo viên hợp đồng (người cao nhất có 21 năm, thấp nhất có 9 năm liên tục đóng BHXH bắt buộc) đang dạy tại Trường Mầm non 19-5 đủ điều kiện nằm trong diện đặc cách xét tuyển biên chế năm 2014.

Bất thường hơn sau khi không giải quyết được việc này, UBND huyện Phù Cát lại có văn bản gửi Sở Nội vụ xin “hoãn” xét tuyển cho các giáo viên sang khoảng tháng 5/2015 với lý do số lượng trẻ, số lớp của trường chưa ổn định. Song, các giáo viên này cho rằng lý do này không hợp lý. Bởi, trong số 13 trường “tự chủ hoàn toàn về tài chính” trên địa bàn tỉnh có 12 trường khác đã được xét biên chế, riêng trường 19-5 thì không.

Vì vậy, việc xét vào biên chế của 11 giáo viên Trường Mầm non 19-5 bị UBND huyện Phù Cát “treo” từ đó cho đến nay khiến họ bất bình, đâm đơn “cầu cứu” nhiều nơi.

Cô giáo Trần Thị Khánh Đua (ngoài cùng trái), công tác gần về hưu nhưng vẫn chẳng hiểu vì sao không được vào biên chế, ảnh hưởng đến quyền lợi mà lẽ ra cô phải được hưởng như các giáo viên khác.
Cô giáo Trần Thị Khánh Đua (ngoài cùng trái), công tác gần về hưu nhưng vẫn chẳng hiểu vì sao không được vào biên chế, ảnh hưởng đến quyền lợi mà lẽ ra cô phải được hưởng như các giáo viên khác.

Thâm niên 21 năm công tác, đóng BHXH 18 năm liên tục và lại là con liệt sĩ, thế nhưng cô Trần Thị Khánh Đua (ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát) vẫn chưa vào nổi biên chế. “Theo độ tuổi công tác, tôi chỉ còn 2 năm nữa sẽ về hưu. Xét theo các quy định tôi đủ điều kiện xét đặc cách biên chế nhưng không hiểu vì sao UBND huyện Phù Cát không giải quyết. Tôi rất buồn vì công lao của tôi không được ghi nhận”, cô Đua phân trần.

Hay trường hợp cô giáo Trần Thị Kim Nhung - người có 18 năm công tác tại trường cũng trong tình cảnh tương tự. “Năm 2014, tôi và 10 giáo viên khác của trường đủ điều kiện để xét đặc cách vào biên chế. Chúng tôi nhiều lần kiến nghị lên UBND huyện, phòng GD&ĐT huyện yêu cầu giải quyết, nhưng chỉ nhận được lời hứa suông. Ngay tại huyện Phù Cát, nhiều giáo viên mẫu giáo ở các trường khác cũng có điều kiện như chúng tôi, song họ đều được đặc cách tuyển dụng vào thời điểm đó. Vậy, vì lý do gì quyền lợi chúng tôi bị “treo” đến giờ”, cô Nhung bức xúc.

Huyện "treo" đến bao giờ?

Bà Trần Thị Điểu, Hiệu trưởng Trường Mầm non 19-5, thừa nhận: “Theo quy định, 11 giáo viên này đủ điều kiện để xét đặc cách vào biên chế. Hằng năm, các cô đều hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, do các cô chưa được tuyển vào biên chế nên chịu nhiều thiệt thòi như không có phụ cấp thâm niên, không được nâng lương hằng năm,... Nhà trường cũng kiến nghị các cấp cần sớm xem xét, giải quyết, đảm bảo quyền lợi để các cô yên tâm công tác”.

Cô giáo Nhung cũng có 18 năm công tác nhưng cũng không hiểu vì lý do gì mà không được xét vào biên chế dù cô đủ điều kiện.
Cô giáo Nhung cũng có 18 năm công tác nhưng cũng không hiểu vì lý do gì mà không được xét vào biên chế dù cô đủ điều kiện.

Về việc này, ông Lương Văn Ngân, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, cho biết: “Đoàn ĐBQH tỉnh đã có văn bản đề nghị huyện xem giải quyết kiến nghị của 11 giáo viên Trường Mầm non 19-5. Tôi đang chỉ đạo phòng GD&ĐT huyện soát xét lại để tiến hành xét tuyển theo quy định của UBND tỉnh. Các giáo viên này, theo bộ phận chuyên môn báo cáo cơ bản đủ điều kiện xét tuyển đặc cách. Hiện nay, phòng GD&ĐT huyện đang rà soát, phân loại và tổng hợp hồ sơ. Hồ sơ nào đủ điều kiện xét tuyển đặc cách thì huyện sẽ tổng hợp, trình UBND tỉnh thẩm định thông qua Sở Nội vụ để sớm tổ chức xét tuyển cho các giáo viên. Sau khi UBND tỉnh có văn bản trả lời, huyện sẽ xem xét, xét tuyển đặc cách biên chế trước đối với số giáo viên này. Số trường hợp còn lại trên cơ sở chỉ tiêu được tỉnh phân bổ, huyện tiếp tục tổ chức thi tuyển theo đúng hướng dẫn của UBND tỉnh”.

Đề cập về bất thường là năm 2014, Sở Nội vụ đã giao cho UBND huyện Phù Cát 66 chỉ tiêu biên chế giáo viên mầm non. Trong đó, có chỉ tiêu dành cho giáo viên Trường Mầm non 19-5, dù 11 giáo viên này đủ điều kiện nhưng không được xét, ông Ngân lý giải: “Theo báo cáo của phòng GD&ĐT huyện Phù Cát, thời điểm đó, Trường Mầm non 19-5 chuyển đổi từ loại hình trường bán công sang loại hình trường mầm non công lập tự chủ hoàn toàn về tài chính. Giai đoạn này, trường có hơn 400 cháu, sau đó còn khoảng 200 cháu. Do số lượng trẻ, số lớp chưa được ổn định nên phòng GD&ĐT huyện có văn bản gửi Sở Nội vụ đề xuất UBND tỉnh “hoãn” việc xét biên chế cho giáo viên tới năm 2015 để tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng dạy học để đảm bảo việc thu hút các cháu vào trường. Bởi, nếu như học sinh theo học ở trường không ổn định sẽ gây khó khăn tới vấn đề kinh tế, tổ chức cho giáo viên”.

Trong khi đó, 11 giáo viên của Trường Mầm non 19-5 là những giáo viên đã tốt nghiệp CĐ, ĐH và là những nhà giáo tận tụy, giỏi nghề của giáo dục mầm non huyện Phù Cát. Thế nhưng, hàng chục năm qua, 11 giáo viên này phải làm việc theo chế độ hợp đồng từng năm, không được tăng lương và không được hưởng các khoản phúc lợi theo quy định mà đáng ra các cô giáo được hưởng.

Trước đó, tại buổi tiếp xúc cử tri của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ vào ngày 14/5, vừa qua tại huyện Phù Cát, ông Nhạ đề nghị cơ quan chức năng tỉnh, UBND huyện Phù Cát khẩn trương xem xét giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho các giáo viên đúng quy định sau khi trực tiếp lắng nghe ý kiến trình bày của các giáo viên ở Trường Mầm non 19-5.

Doãn Công