Vợ chồng đồng tính có được nhận con nuôi?

(Dân trí) - Trước đây, theo quy định thì những người cùng giới tính bị cấm kết hôn với nhau. Hiện nay, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 không cấm những người cùng giới tính kết hôn nhưng pháp luật vẫn không thừa nhận giá trị pháp lý về hôn nhân giữa những người cùng giới. Vậy, quyền được nhận con nuôi của những cặp “vợ chồng” đồng tính được quy định ra sao?

Vợ chồng đồng tính có được nhận con nuôi?

Anh Phùng Đức Tài (Kiên Giang) viết thư về Tòa soạn với bao nỗi băn khoăn: “Tôi rất ngại khi phải nói ra điều này, nhưng sự thật thì không thể che giấu mãi được. Thành thật mà nói, theo cách gọi của mọi người thì tôi là một người đồng tính. Dù giấy khai sinh cha mẹ ghi tôi có giới tính nam nhưng ngay từ nhỏ, tôi không hề thích những chiếc ô tô, những anh chàng siêu nhân - loại trò chơi đắt tiền mà ba tôi mua về - mà lại thích những bộ sưu tập váy của công chúa. Đến tuổi trưởng thành, trái tim tôi lại rung động với người cùng giới. Điều này đã gây cho tôi không ít phiền phức.

 Để thỏa mãn ước mơ của mình, tôi theo học nghề trang điểm cô dâu. Tất nhiên là ba má tôi phản đối kịch liệt. Rất may cũng có người hiểu và chia sẻ với tôi, đó là Lê Phụng Hiệp - một người bạn học cùng trường nghề với tôi. Hiệp kém tôi hai tuổi và rất dễ mến, chúng tôi rất tâm đầu ý hợp, chỉ sau hơn một năm quen nhau, chúng tôi đã cảm thấy không thể sống thiếu nhau. 

Sau nhiều năm đấu tranh tư tưởng, tôi đã quyết định về thưa chuyện với ba má tổ chức hôn lễ cho tôi. Mới đầu ba má tôi rất vui mừng nhưng khi biết cô dâu không phải là một cô gái mà là người đàn ông thì gia đình tôi sốc thật sự. Họ cương quyết từ chối, còn dọa sẽ từ bỏ tôi nếu tôi vẫn giữ ý định cũ. Nhưng rồi mưa dầm thấm lâu, sau khi nghe tôi nhỏ to tâm sự và biết rõ những thiệt thòi mà tôi phải chịu đựng, ba má tôi đã tổ chức đám cưới cho chúng tôi với khoảng hơn chục mâm cơm mời họ hàng hai bên và bà con láng giềng.

Chúng tôi về sống chung đến nay đã hơn hai năm và rất hạnh phúc. Mặc dù pháp luật chưa thừa nhận quan hệ hôn nhân đồng tính nhưng dù sao việc cha mẹ tổ chức hôn lễ cho chúng tôi và có đông đủ họ hàng, anh em tới chia vui cũng khiến chúng tôi ấm lòng. Gần đây, “chồng” tôi có ý định xin một đứa con nuôi để cho vui nhà vui cửa và tôi cũng rất tán đồng với ý kiến này. Đứa con nuôi mà chúng tôi nhắm đến là con của chị gái  “chồng” tôi, năm nay cháu được 6 tuổi. Do ba mẹ cháu đông con, nhà nghèo nên chúng tôi thống nhất nhận cháu làm con nuôi.

Tuy nhiên, khi chúng tôi ra chính quyền xã xin làm thủ tục thì họ từ chối với lý do: Pháp luật chưa công nhận hôn nhân đồng giới, bởi vậy dù chúng tôi có tổ chức đám cưới cũng không thể được đăng ký kết hôn, mà khi chưa đăng ký kết hôn thì theo pháp luật, chúng tôi không phải là “vợ chồng” hợp pháp. Nói tóm lại, những cặp “vợ chồng” đồng giới như chúng tôi không được pháp luật cho phép nhận nuôi con nuôi. Cả hai chúng tôi vô cùng thất vọng. Chúng tôi phải làm gì để có thể được nhận nuôi con nuôi hợp pháp? 

Trường hợp của anh Tài, bà Phạm Thị Kim Anh (Phó Cục trưởng Cục Con nuôi - Bộ Tư pháp) cho biết như sau: Câu hỏi này không phải của riêng anh mà còn là câu hỏi chung cho tất cả những cặp “vợ chồng” đồng tính có quyền nhận nuôi con nuôi.

Khoản 2 Điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định Nhà nước không thừa nhận hôn nhân của những người cùng giới tính. Điều này cho thấy, mặc dù anh và anh Lê Phụng Hiệp đã được cha mẹ tổ chức hôn lễ nhưng hôn lễ đó không được pháp luật công nhận. Việc không công nhận giá trị pháp lý của hôn nhân giữa những người cùng giới tính đồng nghĩa với việc pháp luật không thừa nhận quyền và nghĩa vụ của những cặp “vợ chồng” cùng giới tính, trong đó có quyền nhận nuôi con nuôi. 

Ngoài ra, Luật Nuôi con nuôi không có quy định trực tiếp cấm người cùng giới tính nhận con nuôi. Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 8 Luật Nuôi con nuôi thì một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng. Như vậy, trong trường hợp này hai anh cùng muốn nhận nuôi con nuôi (kể cả trong trường hợp con nuôi là cháu gái của  “chồng” anh) là không phù hợp với quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, vì hôn nhân của hai anh không được pháp luật thừa nhận. Việc UBND xã nơi hai anh thường trú từ chối đăng ký yêu cầu nuôi con nuôi của hai anh là hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. 

Nếu hai anh vẫn tiếp tục chăm sóc và nuôi dưỡng cháu gái của  “chồng” anh như con của mình sẽ không bảo đảm quyền và lợi ích tốt nhất của đứa trẻ, vì như thế hai anh không tạo lập được mối quan hệ cha mẹ và con lâu dài với cháu. 

Nếu  “chồng” anh với tư cách là người độc thân, có thể tiến hành thủ tục nhận cháu gái của mình làm con nuôi. Song việc nhận con nuôi đó chỉ làm phát sinh mối quan hệ “cha” và con giữa  “chồng” anh và cháu gái của mình. Giữa anh và đứa “con nuôi” của  “chồng” anh không có một mối quan hệ pháp lý nào ràng buộc cả. Như vậy, việc  “chồng” anh nhận con nuôi cũng không tạo cho cháu một môi trường gia đình thuận lợi cho sự phát triển của đứa trẻ, vì trẻ em phải được sống trong một môi trường gia đình hài hòa và thuận lợi cho sự phát triển của trẻ em đúng như Công ước của Liên Hợp quốc về quyền trẻ em quy định. 

Vì vậy, anh cân nhắc thật kỹ càng về mong muốn nhận con nuôi của hai “vợ chồng” anh, mặc dù mong muốn đó là chính đáng. Dù hai anh có thực hiện việc chăm sóc và nuôi dưỡng thực tế cho cháu gái của “chồng” anh thì việc chăm sóc và nuôi dưỡng đó cũng không thể làm phát sinh quan hệ cha, mẹ với đứa trẻ.

 Theo Pháp luật Việt Nam